Dòng chảy vốn 08/03/2014 09:05

Nhà đầu tư ngoại “dòm ngó” việc cổ phần hóa DNNN

Các nhà đầu tư muốn đổ vốn vào Việt Nam, thế nhưng vấn đề hiện nay là quá trình tái cấu trúc kinh tế trong nước sẽ diễn ra như thế nào và có đúng với kỳ vọng của họ hay không.

Về phương diện Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng ở Đông Nam Á có hai chính phủ đang đưa ra chương trình tái cấu trúc kinh tế mạnh mẽ nhất là Việt Nam và Philippines. Đây cũng là hai nước được dự đoán có bước tăng trưởng khá năng động và khả quan trong tương lai chứ không phải là Thái Lan hay Myanmar.

́c ép lên quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Ở Việt Nam, các chính sách từ đầu năm 2014 đến nay được đưa ra khá rõ ràng và có trọng tâm, trọng điểm. Nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá các chính sách mà Việt Nam công bố là khá bài bản, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư ngoại vào triển vọng phục hồi sớm kinh tế. các nhà đầu tư ngoại cũng đang quan tâm tới chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nếu chương trình đó được đẩy mạnh nhanh chóng, bài bản và minh bạch thì các nhà đầu tư sẽ nhảy vào mua lại. các quỹ đầu tư cũng sẽ tham gia vào thị trường cổ phần hóa.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng quan tâm tới kết quả quá trình tái cấu trúc ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng yếu kém. Họ muốn nhìn thấy thành quả thực sự của quá trình tái cấu trúc, xử lý nợ xấu. Bởi đi cùng một ngân hàng vào đầu tư thì sẽ kéo theo rất nhiều DN bản địa của họ đi theo. Xử lý nợ xấu và cải cách DNNN cũng là hai trong ba trụ cột lớn, là ba thông điệp để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cũng chưa khi nào Thủ tướng lại đưa ra thông điệp mạnh mẽ như năm nay, đó là “năm 2014 sẽ cổ phần hóa đúng mục tiêu đề ra, không xong thì các vị lãnh đạo tập đoàn bị cách chức”.

Trong khi đó việc ký kết TPP cũng đang đặt ra vấn đề lớn về sức ép trong việc cải cách DNNN. Cụ thể khi ký kết TPP yêu cầu chúng ta buộc phải công khai tài chính đã đành nhưng điều kiện phải công khai từng giao dịch một, chẳng hạn như mua sắm cái gì cũng phải công khai… là rất phức tạp. chúng ta đang đàm phán sẽ công khai tài chính, còn việc công khai từng giao dịch một phải có lộ trình và thời gian.

 Cổ phần hóa các tập đoàn lớn là một thông điệp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: HTD 

Khó định giá tài sản

Mặc dù các thông điệp đưa ra yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN, tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ cũng không hề đơn giản.

Đầu tiên phải tìm được một công ty tài chính uy tín để định giá tài sản. Lúc này sẽ có khoảng dăm bảy DN vào nộp hồ sơ, trình bày nội dung. Tuy nhiên, các công ty này không phải đều vào cùng một lúc. Bởi chúng ta đưa ra các hạn định thời gian, trong thời gian đó các công ty sẽ vào thời điểm khác nhau. Lúc này vì có nhiều các công ty vào nên phải đấu thầu. Quá trình chọn được một đơn vị thẩm định như vậy có khi mất cả nửa năm. Bản thân hồ sơ của công ty thẩm định cũng tỉ mỉ, trong đó có trình độ nhân sự từng người một, đưa ra trích ngang, rồi hồ sơ kinh nghiệm, hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ pháp lý… Nói tóm lại các khâu cũng mất thêm khá nhiều thời gian nữa.

Bên cạnh đó trong việc cổ phần hóa các tập đoàn lớn, khó nhất hiện nay là định giá trị của công ty đó. Ví dụ Vietnam Airlines họ bảo muốn định giá chiếc máy bay mua cách đây năm năm là chừng này tiền, bây giờ sẽ là bao nhiêu? Ngoài thời gian, chi phí để thuê các công ty thẩm định tài sản như vậy cũng rất đắt đỏ (lên đến hàng triệu USD). Mặc dù khoản chi phí này sau đó được tính vào trong giá trị công ty nhưng bỏ ra một khoản ban đầu thì đương nhiên cũng xót. Tuy nhiên, dù sao có chủ trương nhanh và có sức ép lớn thì buộc DNNN phải bỏ tiền ra để thuê các công ty thẩm định nước ngoài vào làm. Còn các công ty thẩm định trong nước hiện nay chưa đủ sức để định giá một cách thuyết phục các tập đoàn lớn.

TS LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Ban Cố vấn Chính phủ

 

 

Cần có hội đồng thẩm định giá

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp mạnh mẽ là tiến trình cổ phần hóa 432 DNNN phải được thực hiện triệt để trong hai năm 2014-2015.

Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về thoái vốn DNNN, định hướng cho thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định.

Theo các chuyên gia tài chính, định hướng này sẽ giúp giải quyết những vướng mắc của quá trình cổ phần hóa DNNN bởi trước đây nếu bán tài sản theo giá hình thành thì không ai mua, còn nếu không thì người bán lại sợ thất thoát vốn nhà nước. Nhưng thực hiện chủ trương cho thoái vốn dưới mệnh giá cần có hội đồng thẩm định giá nhằm tránh bán giá quá thấp và bên bán cũng yên tâm thực hiện.

Theo PLTP

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *