Chứng Khoán 28/01/2014 17:22

Hàng loạt công ty chứng khoán đã "đi vào dĩ vãng"

FICA - UBCK đã ra quyết định chấp thuận rút nghiệp vụ Môi giới chứng khoán của 6 công ty chứng khoán; nghiệp vụ Tự doanh của 2 công ty; nghiệp vụ Bảo lãnh phát hành của 4 công ty; rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán của 1 công ty; hợp nhất đối với 2 công ty, tiến hành thủ tục giải thể đối với 3 công ty.

Thuộc top phục hồi nhanh nhất thế giới

Trả lời phỏng vấn trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng cho biết, trong năm 2013, nhờ điều kiện kinh tế vĩ mô có cải thiện và triển khai đồng thời các giải pháp trên, TTCK Việt Nam năm 2013 đã có những diễn biến và kết quả khả quan. Chỉ số VN Index tăng 23%; HNX Index tăng gần 19% so với cuối năm 2012. TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường có mức độ phục hồi mạnh nhất trên thế giới. Mức vốn hóa vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 32% GDP.

Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 31%. Tổng giá trị huy động vốn kể cả phát hành riêng lẻ ước đạt 222 nghìn tỷ đồng, tăng 25%, đóng góp vào khoảng 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong đó cổ phiếu là 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2012; trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt 177,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24%. Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển đến nay đạt 4,4 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012.

Về hoạt động của các công ty niêm yết (CtyNY), nhìn chung so với năm 2012 thì tổng doanh thu và tổng lợi nhuận sau thuế tăng; chi phí tài chính giảm; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng. Tuy nhiên tỷ lệ công ty có lỗ lũy kế vẫn ở mức tương đương năm 2012. Nếu so với các doanh nghiệp chưa niêm yết, các CtyNY vẫn có khả năng lợi nhuận cao hơn.

Đã có 15 công ty chứng khoán không còn hoạt động

Về tái cấu trúc TTCK, ông Vũ Bằng cho biết, trong năm 2013, công tác tái cấu trúc TTCK đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực, đó là đối với tái cấu trúc cơ sở hàng hóa thì tiêu chuẩn phát hành, niêm yết được nâng cao, tính công khai, minh bạch của thị trường được cải thiện và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; đối với tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư thì cơ sở các nhà đầu tư trên thị trường đã có sự cải thiện với số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt gần 1,4 triệu, trong đó số lượng nhà ĐTNN tăng 10%; đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 55%.

Khung pháp lý về các loại hình quỹ đã được ban hành, có 9 quỹ mở được thành lập, dự kiến sẽ có trên 5 quỹ mở và 1 quỹ đầu tư BĐS mới trong thời gian tới; Đề án phát triển quỹ hưu trí tự nguyện cũng đã được hoàn thành.

Đối với tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đã thực hiện phân loại các công ty chứng khoán (CtyCK) thành 4 nhóm, trên cơ sở đó thực hiện quản lý và có các biện pháp xử lý phù hợp, do vậy đã ra quyết định chấp thuận rút nghiệp vụ Môi giới chứng khoán của 6 CtyCK; nghiệp vụ Tự doanh của 2 CtyCK; nghiệp vụ Bảo lãnh phát hành của 4 CtyCK; rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán của 1 CtyCK; hợp nhất đối với 2 CtyCK, tiến hành thủ tục giải thể đối với 3 CtyCK...; như vậy trên thực tế đã có 15 công ty không còn hoạt động.

Đối với các công ty quản lý quỹ, hiện chỉ còn 41/47 công ty đang còn hoạt động, 6 công ty đã được xử lý bằng nhiều giải pháp, rút khỏi thị trường.

Huy động thêm vốn từ các quỹ đại chúng tại châu Âu và Bắc Mỹ

Trong năm 2014, ông Bằng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới được dự báo có những triển vọng sáng hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro như tốc độ tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế mới nổi, khả năng đảo chiều dòng vốn; thất nghiệp vẫn cao ở các nền kinh tế phát triển. Trong nước, nền kinh tế đã có những tiền đề cơ bản nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Thời gian tới, UBCK sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, đề án bao gồm Đề án TTCK phái sinh và Nghị định về TTCK phái sinh (trình Chính phủ trong Quý II/2014); Đề án thành lập SGDCK Việt Nam Nam trên nguyên tắc thống nhất về bộ máy quản lý, công nghệ, chế độ báo cáo, công bố thông tin, thành viên và giao dịch...

Đồng thời, tiếp tục triển khai giao dịch Quỹ hoán đổi danh mục (ETF); trước mắt sẽ hoàn tất việc chạy thử với các CtyCK đã hoàn thiện hệ thống thanh toán để đưa giao dịch ETF vào hoạt động. Xây dựng phương án đối tác bù trừ trung tâm (CCP), Đề án xây dựng hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL), phương thức thanh toán, bù trừ, trước mắt đối với TPCP; chuyển chức năng thanh toán trái phiếu từ NHTM sang NHNN; tiếp tục nghiên cứu triển khai các sản phẩm mới tại các SGDCK như chứng quyền (covered warrant), kết nối hệ thống với hãng Bloomberg, Đề án về sản phẩm tiền phát hành (When-issued)...

Tăng cường thu hút vốn ĐTNN và thực hiện các cam kết quốc tế như cam kết WTO qua việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của nhà ĐTNN trên thị TTCK Việt Nam và xây dựng các thông tư hướng dẫn liên quan; tiến hành phân loại danh mục các doanh nghiệp không cần kiểm soát;

Ngoài ra, sẽ nghiên cứu và tiến tới đàm phán với các quốc gia châu Âu theo tinh thần của Nghị định châu Âu (ESMA) và với các quốc gia Bắc Mỹ nhằm công nhận UBCKNN (SSC) là cơ quan quản lý nhà nước về TTCK tại Việt Nam, để huy động thêm vốn từ các quỹ đại chúng tại châu Âu và Bắc Mỹ.

Phương Dung

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *