Thời sự 22/05/2014 06:11

Mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo ở phiên xét xử "bầu" Kiên

Ngày 21/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Cảnh sát dẫn giải bị cáo Nguyễn Đức Kiên vào phòng xử án. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Ngày 21/5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn bị cáo Nguyễn Đức Kiên về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Về hành vi chuyển nhượng cổ phiếu cho Tập đoàn Thép Hòa Phát, Nguyễn Đức Kiên khai Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) đã tổ chức họp để lấy chủ trương chuyển nhượng cổ phiếu cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thép Hòa Phát. Chính bị cáo Kiên là người chỉ đạo công ty họp và lấy ý kiến bằng văn bản theo Nghị quyết của công ty và Luật Doanh nghiệp.

Bị cáo Kiên còn khai, kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến là người liên hệ với Tập đoàn Hòa Phát để họ phát hành cổ phiếu và xác lập hợp đồng ký với ACBI. Hội đồng quản trị Công ty ACBI đã tổ chức họp và lập biên bản cụ thể.

Vào thời điểm Công ty Thép Hòa Phát chuyển tiền mua cổ phiếu, bị cáo Kiên khẳng định đang ở nước ngoài. Trước đó, kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến có gặp Kiên và trình hợp đồng chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu. Sau khi xem, Nguyễn Đức Kiên đã ký nháy vào từng trang. Khi Kiên ở nước ngoài, kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến có báo cáo về tình trạng hợp đồng nhưng Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) chưa chấp thuận nên Công ty Thép Hòa Phát chưa thực hiện hợp đồng.

Về những vấn đề mà bị cáo Kiên trả lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến cho rằng lời khai của ông Kiên không đúng. Bị cáo Yến khẳng định, có báo cáo với ông Kiên về việc 20 triệu cổ phiếu chưa được giải chấp. Sau khi nhận thông báo, ông Kiên có nói cứ để cho ông ấy xem.

Sau phần xét hỏi về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Hội đồng xét xử chuyển qua xét hỏi tội “Kinh doanh trái phép."

Theo cáo trạng, từ ngày 15/5 đến ngày 3/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty (do Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên): B&B, ACI, ACBI, AFG, Thiên Nam và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty ACI Hà Nội, đã tổ chức kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký, lợi dụng các cơ quan, tổ chức này để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng trái phép với tổng số tiền gần 21.500 tỷ đồng.

Trước những cáo buộc này, Nguyễn Đức Kiên đã xác nhận các số liệu nêu trong cáo trạng là chính xác nhưng không đồng ý với cáo trạng truy tố hành vi "kinh doanh trái phép" vì các công ty này đều kinh doanh đúng pháp luật. Trong 6 công ty được thành lập, Kiên cho rằng chỉ có trách nhiệm với 5 công ty. Công ty B&B do 3 người góp vốn, gồm: Kiên, vợ Kiên và em gái Kiên. Công ty hoạt động theo theo giấy phép kinh doanh là vàng và một số hoạt động khác. Bị cáo Kiên cũng thừa nhận các công ty này không có giấy phép kinh doanh tài chính.

Khi Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi với bị cáo Kiên về Công ty Thiên Nam có được kinh doanh vàng hay không? Bị cáo Kiên trả lời: Công ty không có chức năng kinh doanh vàng. Công ty chỉ có 2 hợp đồng chuyển giao trạng thái vàng và ủy thác vàng với Ngân hàng ACB. Công ty Thiên Nam đầu tư vào giá vàng, chứ không kinh doanh vàng và vàng trạng thái. Trong các phiếu lệnh không có bất kỳ chữ nào mua và bán vàng. Bị cáo Kiên còn khai: Công ty Thiên Nam do ông Lê Quang Trung làm Tổng Giám đốc. Ông Trung có thẩm quyền trong việc thẩm định và ký hợp đồng với Ngân hàng ACB. Kiên không thực hiện các lệnh mua bán vàng. Các lệnh mua bán vàng phải thực hiện bằng văn bản.

Liên quan đến lĩnh vực này, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết: "Kinh doanh giá vàng tương đương kinh doanh vàng trạng thái. Cảm nhận của tôi, kinh doanh giá vàng không phải kinh doanh vàng vật chất."

Khi Hội đồng xét xử hỏi về những việc đặt lệnh giao dịch vàng giữa Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam và Ngân hàng ACB, bị cáo Kiên cho biết, Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam ký lệnh rồi thông báo cho Kiên. Sau khi xem giá trần, Kiên trực tiếp thông báo cho Ngân hàng ACB. Theo bị cáo, việc phải thông báo cho Ngân hàng ACB là vì Tổng giám đốc Công ty Thiên Nam không thể giao dịch được. Vì vậy, Nguyễn Đức Kiên đã thừa ủy quyền của ông Trung trong việc giao dịch với ACB vì ACB mới nhận ra giọng nói của Nguyễn Đức Kiên để thực hiện khớp lệnh.

Về việc đặt lệnh mua bán vàng tại Ngân hàng ACB, bị cáo Lý Xuân Hải cũng khai rằng, việc đặt lệnh bằng văn bản, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì khách hàng có thể đặt lệnh bằng điện thoại, sau đó hợp thức hóa bằng giấy tờ./.

Theo Kim Anh

Vietnamplus

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *