Chứng Khoán 20/07/2014 08:38

Góc sáng của doanh nghiệp thủy sản, dệt may

FICA - Nếu xét đến nhóm ngành ít phụ thuộc vào giá trị xuất khẩu đóng góp của các doanh nghiệp FDI thì thủy sản và dệt may là nổi bật nhất trong nhóm 10 ngành dẫn đầu.

Tổng cục Hải quan vừa đưa ra sổ liệu thống kê tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014. Các ngành đứng đầu với trị giá xuất khẩu cao nhất vẫn tập trung chủ yếu tại Điện thoại các loại và linh kiện, ngành dệt may, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dầu thô, thủy sản... 

Trong đó, ngành thủy sản đạt 3.550 triệu USD với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất ở 27,7% so với cùng kỳ.  Giá trị xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác được chỉ đạt 4.610 triệu USD (giảm 3,35% so với cùng kỳ).

Tại  báo cáo phát hành cho nhà đầu tư, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nếu xét đến nhóm ngành ít phụ thuộc vào giá trị xuất khẩu đóng góp của các doanh nghiệp FDI  thì thủy sản và dệt may là nổi bật nhất trong nhóm 10 ngành dẫn đầu về giá trị xuất khẩu.

Theo VASEP, tổng xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục tăng nhờ vào tôm với tỷ trọng gần 50% tổng giá trị xuất khẩu và tăng trưởng khá mạnh, đặc biệt là tôm chân trắng (+212% so với cùng kỳ).

Còn theo chuyên viên ngành của Rồng Việt thì thị trường thủy sản vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, việc tái nuôi trồng chưa được thúc đẩy mạnh do rủi ro biến động giá ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý việc người nông dân. 

Tuy nhiên, Rồng Việt cũng ghi nhận, một số công ty thủy sản như Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) được đánh giá là triển vọng nhờ vào khả năng tự chủ vùng nuôi hơn 70% và hưởng lợi từ việc thay đổi chính sách thuế chống phá giá tại các quốc gia nhập khẩu cá tra. 

Cụ thể là sau đợt rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với cá tra phi lê nhập khẩu của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), VHC tiếp tục hưởng mức thuế 0% cho mặt hàng cá tra. Trong khi đó, HVG và các công ty con chịu mức 0,58 USD/kg, so với 1,2 USD/kg của kỳ trước.

Đối với ngành dệt may, tổng giá trị xuất khẩu tăng 19,8% so với năm 2013.  Tỷ trọng đóng góp của các doạnh nghiệp FDI vẫn duy trì khoảng 60% trong khi thời gian vừa qua có khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang đầu tư nhà máy, dây chuyền dệt may vào Việt Nam để đón đầu các hiệp định được ký kết. 

Theo chuyên viên ngành của Rồng Việt, việc tỷ trọng FDI trong cơ cấu xuất khẩu không tăng lên là do việc xây dựng và triển khai công nghệ cho một dây chuyển dệt may tốn nhiều thời gian. 

Như vậy, trong năm tới, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI có khả năng sẽ tăng cao và đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam nói chung.

Bích Diệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *