Chứng Khoán 30/04/2014 21:17

Góc nhìn chuyên gia tháng tới: “Sell in May and go away”?

“Sell in May and go away” bắt nguồn từ chứng khoán Mỹ và đã trở thành câu ngạn ngữ kinh điển trên thị trường chứng khoán thế giới. Với chứng khoán Việt Nam, liệu câu ngạn ngữ này có linh ứng trong tháng 5 này?

Tháng 5, TTCK thế giới và trong nước ít nhiều vẫn bị ám ảnh bởi câu ngạn ngữ “Sell in May and go away”, nghĩa là bán vào tháng 5 và đi chơi. Các ông/bà có nghĩ câu này sẽ đúng với TTCK Việt Nam trong tháng 5 này?

 

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

 

“Sell in May and go away” là câu ngạn ngữ được đúc kết từ số liệu thống kê trên TTCK Mỹ, câu ngạn ngữ này cũng có ảnh hưởng đến TTCK thế giới và Việt Nam.

 

Với TTCK Việt Nam, các thông tin quan trọng cả vĩ mô và vi mô hầu hết rơi vào quý I. Tháng 4 còn vớt vát lại thông tin về kết quả kinh doanh quý I và đại hộ đồng cổ đông, nhưng sang tháng 5, thông tin sẽ ít dần và trở nên khan hiếm. Do thiếu các thông tin hỗ trợ nên, tháng 5 TTCK thường vận động không rõ xu hướng. Trong bối cảnh tích cực của nền kinh tế nói chung, thì TTCK cũng chỉ dao động trong một phạm vi nhất định mà khó có sự bứt phá.

 

Với tháng 5/2014 này, TTCK dường như cũng đang rơi vào tình trạng cạn kiệt thông tin hỗ trợ. Dòng vốn đầu cơ hoạt động tích cực trong quý I dường như đã tìm nơi nghỉ ngơi, kéo theo đợt giảm điểm tương đối mạnh trong tháng 4. Các phiên cuối tháng 4, chỉ số VN-Index dù đã tăng với mức khá, nhưng chủ yếu nhờ sự tăng điểm của nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản của thị trường ở mức thấp khiến sự hoài nghi của nhà đầu tư càng tăng thêm về khả năng có bẫy tăng giá - “bulltrap”.

 

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

 

Khi thị trường chuẩn bị bước vào những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, thì cũng là lúc giới đầu tư và phương tiện thông tin lại nói đến câu: “Bán tháng 5 và đi chơi - Sell in May and go away”. Tuy nhiên, theo tôi, chỉ nên hiểu đây là xác suất thống kê tăng/giảm của các tháng trong năm trên TTCK Mỹ.

 

Đối với TTCK Việt Nam, trong tháng 5 thường là hết thông tin hỗ trợ, xác suất thị trường giảm điểm trong tháng này cũng nhiều hơn so với các tháng khác. Tuy nhiên, xem lại lịch sử năm 2013, thị trường trong tháng 5 lại tăng trưởng do có đợt giảm giá mạnh vào tháng 4. Thị trường năm nay sẽ có nhiều nét tương đồng với năm 2013, do trước khi bước vào tháng 5, thị trường cũng có đợt giảm điểm mạnh vào tháng 4 (giảm đến vùng giá hấp dẫn), yếu tố  khác như nền kinh tế cũng đang tốt dần và không có thông tin gì xấu, nên khả năng trong tháng 5, thị trường sẽ tích lũy và tăng dần (đặc biệt là nửa đầu tháng 5).

 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

 

Tôi vẫn cho rằng, tháng 5 năm nay sẽ vẫn bị ảnh hưởng bởi câu ngạn ngữ “Sell in May và go away”, bởi 2 lý do.

 

Thứ nhất và cũng là lý do quan trọng nhất vẫn chính là diễn biến hiện tại của thị trường. Việc điều chỉnh của thị trường dường như sẽ không ngắn, nhất là nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của tuần sụt giảm điểm mạnh trước đó. Tuần hồi phục vừa qua với thanh khoản thấp càng cho phép tôi cho rằng, thị trường cần thời thêm thời gian để dòng tiền tự tin quay trở lại.

 

Thứ hai là thời điểm giải ngân mang tính chu kỳ hàng năm. Tháng 5 là thời điểm giáp mùa Hè và tâm lý nhà đầu tư đa số là không muốn nắm giữ cổ phiếu trong thời kỳ này, trừ những nhà đầu tư về giá trị, họ sẽ vẫn giao dịch, bất chấp thời điểm nào trong năm, miễn là cổ phiếu đó hấp dẫn về giá. Cụ thể hơn, theo thống kê của các năm gần đây, tháng 5 không phải là tháng thuận lợi cho giao dịch chứng khoán, mặc dù trong TTCK vẫn có những ngoại lệ. Như vậy, phần đông nhà đầu tư vẫn chỉ mua bán cổ phiếu khi thị trường có giao dịch sôi động.

 

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

 

Câu ngạn ngữ nói trên xuất phát từ TTCK Mỹ và chúng ta biết rằng, mỗi thị trường có những đặc điểm riêng, vì thế không nên áp dụng một cách máy móc những quy tắc mua/bán mà phải đánh giá kỹ lưỡng điều kiện sử dụng. Minh chứng cho điều này là diễn biến thị trường trong năm ngoái 2013 khi những nhà đầu tư làm theo câu nói trên đã mất cơ hội khi thị trường tăng điểm mạnh trong tháng 5.

 

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Đầu tư, CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC)

 

Theo thống kê của VietinbankSC, từ năm 2006 đến năm 2013. Giai đoạn trong tháng 5,  VN-Index có 5 lần giảm điểm và 3 lần tăng điểm. Mặc dù số lượng đơn vị khảo sát khá ít (8 năm), nên số thống kê này chưa có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, con số thống kê này ít nhiều cũng cho thấy tháng 5 TTCK thường diễn biến trầm lắng hơn. Thị trường tháng 5/2014 dự báo đi vào nhịp đi ngang, khó tăng hoặc giảm mạnh. Các cổ phiếu sẽ phân hóa theo hiệu quả kinh doanh.

 

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK MayBank KimEng (MBKE)

 

Câu này thường được nhắc đến mấy năm gần đây, nhưng xác suất đúng cũng ở mức 50/50 và tùy vào tình hình chung của TTCK vào thời điểm đó nhiều hơn. Như năm ngoái thì "Sell in June" thì đúng hơn.

 

Bởi vậy, tháng 5 này theo tôi cũng giống như câu nói "hên xui", nhưng tôi đứng về phía trung dung là tháng 5 sẽ đi ngang trong biên độ hẹp, hơn là có xu hướng tăng giảm rõ ràng.

 

Lý do theo tôi, tháng 4 thị trường đã có đợt điều chỉnh quá mạnh và tháng 5 là lúc thị trường sẽ bắt đầu tích lũy hoặc mức giảm nếu có sẽ không quá mạnh khi dòng tiền lớn rời bỏ thị trường, theo quan sát của tôi đang có dấu hiệu quay trở lại ở những vùng giá thấp.

 

Bên cạnh đó, sau một thời gian không có chính sách hỗ trợ kinh tế của Nhà nước với thông tin kinh tế vĩ mô tích cực, thì tháng 5 này cũng hứa hẹn nhiều thong tin tích cực sẽ được đưa ra trong giai đoạn này.

 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

 

Câu nói này bắt nguồn từ TTCK Mỹ và là một trong những câu nói nổi tiếng và kinh điển đối với đông đảo giới đầu tư chứng khoán. Theo đó, nghiên cứu thống kê TTCK Mỹ, mà cụ thể là chỉ số Dow Jones từ năm 1950 đến 2013 cho thấy, hiệu ứng tháng 5 là hoàn toàn đúng.

 

Với ngân sách tại thời điểm ban đầu là năm 1950 là 10.000 USD, nếu nhà đầu tư đầu tư trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến 31/10 hàng năm, thì kết quả là bạn bị thua hơn 1.251,88 USD. Ngược lại, nếu nhà đầu tư chỉ đầu tư trong khoảng thời gian từ 1/11 đến 30/4 hàng năm thì kết quả lãi rất bất ngờ với mức lợi nhuận gấp 94 lần so với thời điểm ban đầu. Do đó, như một định luật bất thành văn trên phố Wall: cổ phiếu thường tăng tốt trong giai đoạn Đông-Xuân và trở nên xấu đi vào giai đoạn Xuân - Hè.

 

Còn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng tôi cũng thử tiến hành thống kê diễn biến giao dịch tháng 5 của VN-Index tính trong 13 năm kể từ khi thị trường thành lập thì kết quả cũng khá trùng khớp với nhận định chung, đó là tháng không tốt đối với thị trường.

 

Trong vòng 13 năm, tỷ lệ tăng của VN-Index tăng trong tháng 5 là 31% (với 4 lần xuất hiện tăng trong các năm: 2001, 2007, 2009 và 2013), trong khi đó tỷ lệ giảm là 69%. Rõ ràng, tính chu kỳ thị trường rất quan trọng và quyết định thời điểm đầu tư hiệu quả. Mặc dù những gì diễn ra ngày hôm nay và trong tương lai chưa hẳn đã hoàn toàn giống với những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng việc xâu chuỗi các sự kiện lịch sử sẽ giúp chúng ta hình thành được những kịch bản có khả năng nhất ở tương lai.

 

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS)

 

Thị trường chứng khoán trong tháng đầu của quý II đã ghi nhận những biến động khá mạnh khi chỉ số đã giảm điểm đáng kể, đi cùng với đó thanh khoản cũng cô đọng khá nhanh. Điều này chỉ ra những tín hiệu về việc thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang.

 

Diễn biến này, theo tôi là hợp lý để thị trường xây dựng mặt bằng giá mới sau thời gian tăng điểm mạnh và nóng trong quý I, nhất là khi nền kinh tế chưa cho thấy sự bứt phá hay phục hồi tốt hơn kỳ vọng.

 

Với dự báo nền tảng kinh tế trong nước cũng như quốc tế sẽ không có nhiều biến động trong quý II, thì quá trình tích lũy của thị trường nhiều khả năng sẽ chưa sớm kết thúc và tháng 5 có thể sẽ không ngoại lệ.

 

Vì vậy, tôi cho rằng, câu ngạn ngữ “Sell in May and go away” trong trường hợp của năm 2014 cũng phần nào có cơ sở theo khía cạnh tâm lý các nhà đầu tư thận trọng hơn và cơ hội tăng điểm mạnh của thị trường như trong quý I là thấp.

 

Đồng thời, tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư rằng, thị trường dù được nhận định bước vào giai đoạn tích lũy, nhưng không có nghĩa là sẽ tiếp tục giảm sâu nữa. Theo tôi, sự ổn định của nền kinh tế được duy trì tốt, đi cùng với một số dấu hiệu phục hồi dần, dù chưa cho thấy điểm bứt phá, nhưng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng kỳ vọng của thị trường cũng như các nhà đầu tư về một năm 2014 tốt hơn năm 2013 đã qua. Vì vậy, tôi cho rằng, vùng 550-560 sẽ là vùng hỗ trợ rất tốt của thị trường trong thời gian tới và việc thị trường đi vào giai đoạn tích lũy trong quý II cũng là rất cần thiết để tạo động lực cho một sóng tăng mới trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

 

Những dữ liệu tháng 4 vừa được công bố, nhất là chỉ số CPI chỉ tăng 0,08%, mức thấp nhất trong 13 năm cho thấy, kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu tốt dần. Theo các ông/bà, điều này có tác động lớn đến TTCK hay không?

 

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

 

Lạm phát cao ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhưng lạm phát quá thấp thì cũng không phải là tín tốt cho nền kinh tế. Lạm phát quá thấp thể hiện người dân đang thắt chặt chi tiêu và làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, thông tin CPI tháng 4 thấp không phải là tín hiệu tích cực cho TTCK và trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về đợt điều chỉnh kéo dài, thì thông tin CPI cũng nhanh chóng mờ đi.

 

Nhưng với thông tin CPI thấp thì TTCK cũng có thể hưởng lợi theo 2 khả năng:

 

(i) Một số mặt hàng thiết yếu chịu sự quản lý giá của Nhà nước trước đó sẽ được điều chỉnh tăng sát với giá thị trường, như xăng, dầu (đã được điều chỉnh trong tháng 4), điện, nước… khi đó, một số cổ phiếu của các ngành liên quan sẽ được hưởng lợi.

 

(ii) Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh các biện pháp kích cầu đầu tư thông qua nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Nếu các biện pháp này được thực thi thì TTCK sẽ được hưởng lợi chung nhờ lưu chuyển dòng tiền tăng lên trong nền kinh tế.

 

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

 

Về nguyên tắc, CPI tăng ở mức thấp là yếu tố tích cực, khẳng định nền kinh tế tốt dần lên, TTCK sẽ phản ứng tích cực với thong tin này. Tuy nhiên, mức độ tác động không nhiều do CPI ở mức ổn định và thấp, điều đó chứng tỏ sức mua của dân yếu, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn do không bán được hàng hóa. CPI chỉ tác động mạnh khi nó đang ở mức độ cao, dễ có phản ứng gây sốc lên thị trường.

 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

 

Chỉ số CPI thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây chính là 1 trong những yếu tố sẽ tác động tích cực đến dòng tiền tham gia vào thị trường.  Trước sau gì, thị trường cũng sẽ phải quay lại xu hướng uptrend, trong khi hiện tại, nó mới chỉ đi được 1 chặng đường ngắn.

 

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

 

Đúng là CPI tháng 4 chỉ tăng ở mức thấp, tuy nhiên, điều quan trọng đối với TTCK là dòng tiền mà điều này thì lại bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau và CPI chỉ là một trong số đó. Hơn nữa, việc CPI tăng chậm cũng có thể khiến nhà đầu tư có tâm lý lo ngại là sức cầu trong nước vẫn ở mức thấp và điều này sẽ có tác động không tốt tới hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và triển vọng tăng trưởng của cả nền kinh tế nói chung.

 

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Đầu tư, CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC)

 

CPI thấp đang tác động tích cực đối với TTCK. Khía cạnh doanh nghiệp niêm yết, CPI thấp tạo tiền đề để lãi suất cho vay giảm dẫn tới giảm chi phí và tăng hiểu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Ở khía cạnh nhà đầu tư, CPI thấp làm dòng tiền có xu hướng chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư trong đó có đầu tư TTCK. Do tỷ suất lợi nhuận của TTCK trở nên hấp dẫn so với gửi tiết kiệm.

 

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK MayBank KimEng (MBKE)

 

Sau khi CPI giảm trong tháng trước, dù tháng này chỉ tăng nhẹ tôi cho rằng đây là thông tin khá tích cực khi điều này cho thấy phần nào kinh tế tăng trưởng nhẹ, hàng hóa rõ ràng được tiêu thụ tốt hơn trước. Tuy nhiên, điều này không tác động quá tích cực đến TTCK vì việc CPI tăng nhẹ còn phải xem xét nhiều yếu tốt khác như dòng tiền vào thị trường, mức độ ổn định bền vững của kinh tế vĩ mô, chính sách kinh tế của Nhà nước, hoạt động của doanh nghiệp...

 

Việc CPI chỉ đơn giản tăng nhẹ trong tháng chỉ mang tính chất tham khảo cho nhà đầu tư nhiều hơn là một yếu tố mạnh tác động đến TTCK, chưa kể "chất lượng" của CPI như tăng vì lý do gì, có phải hàng hóa được tiêu thụ tốt hơn hay chỉ do yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, nếu CPI tăng quá nhanh thì lại mang yếu tố tiêu cực nhiều hơn...

 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

 

Như vậy sau khi chạm đáy ở mức tăng 4,42% so với cùng kỳ vào tháng 3 năm 2014, chỉ số CPI đã bật tăng nhẹ trở lại trong tháng 4. Tôi cho rằng, với diễn biến mùa vụ và kỳ vọng tăng giá các mặt hàng cơ bản như xăng, điện, nước và giáo dục trong các tháng tới, chỉ số CPI nhiều khả năng đã chính thức chạm đáy và sẽ có xu hướng đi lên trong các tháng tới. Tuy nhiên về tổng thể, lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng vẫn được kìm chế ở mức thấp và có thể kỳ vọng lạm phát cuối năm sẽ ở mức từ 5,5 - 5,8%, thấp hơn mức lạm phát năm ngoái do hai nguyên nhân chính sau:

 

Thứ nhất, các hàng hóa cơ bản như điện, xăng dầu, y tế và giáo dục nhiều khả năng vẫn tăng, song mức tăng sẽ thấp hơn năm ngoái do những mặt hàng này đã được tăng rất mạnh theo lộ trình trong các năm trước.

 

Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi từ xu hướng tái cơ cấu của khối doanh nghiệp tư nhân, giúp hiệu quả của nền kinh tế gia tăng, làm giảm áp lực lạm phát.

 

Diễn biến trên của lạm phát sẽ tác động tích cực đến TTCK trên 2 giác độ:

 

Thứ nhất, lạm phát giảm khiến mặt bằng lãi suất giảm, giúp tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu có sức hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

 

Thứ hai, lạm phát giảm khiến mặt bằng lãi suất giảm, làm áp lực trả lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết giảm, qua đó làm tăng triển vọng lợi nhuận và củng cố thêm sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá cổ phiếu.

 

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS)

 

Việc CPI tháng 4 thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây nguyên nhân chính là do CPI trong 3 tháng đầu năm tăng khá thấp (0,8%). Điểm tích cực là CPI trong tháng 4 đã tăng trở lại với mức tăng theo tháng cao hơn con số của cùng kỳ năm 2013 (0,02% mom). Điều này, theo tôi, sẽ giúp đẩy lùi lo ngại về việc tổng cầu phục hồi quá yếu, hay nguy cơ giảm phát của nền kinh tế khi mà mức giảm của CPI trong tháng 3 được công bố trước đó là khá cao.

 

Mặc dù lo ngại kể trên đã được đẩy lùi, nhưng với với chỉ mức tăng rất nhẹ của CPI tháng 4 là chưa đủ để cho thấy một sự cải thiện đáng kể nào từ phía tổng cầu. Chúng tôi nhìn nhận rằng, mức tăng thấp của CPI kể từ đầu năm vẫn đang cho thấy tổng cầu chỉ hồi phục ở mức vừa phải. Theo đó, thông tin kể trên được đánh giá ở mức độ tích cực nhẹ với TTCK và chưa đủ mạnh để thị trường có thể thoát khỏi giai đoạn tích lũy đi ngang, được dự báo nhiều khả năng sẽ là chủ đạo trong quý II.

 

Các ông/bà dự báo ra sao về dòng tiền trong thời gian tới và xu hướng của thị trường trong tháng 5?

 

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

 

Trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ cụ thể, TTCK tháng 5 sẽ không được kỳ vọng nhiều. Nhưng cá nhân tôi vẫn cho rằng, xu hướng dài hạn của thị trường vẫn là tăng trưởng, do vậy, nhiều khả năng TTCK tháng 5 sẽ có mốc hỗ trợ vững chắc tại vùng 550-560 điểm.

 

Dòng tiền tham gia thị trường tuy có giảm so với quý I, nhưng sự vận động của thị trường vẫn mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.

 

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

 

Trong tháng 4 đã chứng kiến dòng tiền nóng tạm thời đứng ngoài thị trường, nên thanh khoản so với tháng 3 là giảm hẳn. Thị trường cần có thời gian ổn định về chỉ số và tích lũy đi ngang một thời gian để đón đợi các thông tin vĩ mô, doanh nghiệp để thu hút dòng tiền quay trở lại. Tôi nhận định, trong tháng 5, dòng tiền sẽ vẫn ở mức thấp, nhưng sẽ tăng dần.

 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

 

Tôi vẫn duy trì quan điểm, thị trường đang trong giai đoạn uptrend và việc thị trường điều chỉnh sâu là điều cần thiết trước khi quay lại xu hướng tăng điểm trở lại.

 

Khi thị trường vào xu hướng tăng thì mọi thứ thuận lợi, tin tức hỗ trợ xuất hiện liên tục để thu hút mạnh dòng tiền tham gia giải ngân vào thị trường như giá vàng giảm, bất động sản chưa hồi phục mạnh, các chính sách của Chính phủ phát huy tác dụng, lãi suất giảm…

 

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

 

Về triển vọng thị trường, tôi cho rằng, sau một đợt giảm điểm mạnh vừa qua, thị trường sẽ cần một thời gian tích lũy trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm. Do vậy, trong thời gian tới, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến, lựa chọn các cổ phiếu tiềm năng và thậm chí có thể tích lũy dần nếu xuất hiện những mức giá hấp dẫn.

 

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Đầu tư, CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC)

 

Dòng tiền khối ngoại vào thị trường giảm bớt so với đầu năm. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trên TTCK Việt Nam. Dòng tiền khối nội có xu hướng giảm và lượng margin cũng giảm. Dòng tiền có thể quay lại và sôi động hơn trong tháng 6 cho tới cuối năm.

 

Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích, CTCK MayBank KimEng (MBKE)

 

Theo tôi, dòng tiền trong tháng 5 sẽ khá dàn trải ở các ngành nghề, lẫn các loại bluechips và pennies, nhưng tập trung ở những mã chứng khoán có mức giảm mạnh trong thời gian qua, ở tất cả ngành nghề theo nguyên tắc lò xo bị nén càng mạnh bật càng mạnh. Dòng tiền mang tính chất tích lũy (chỉ mua vùng giá thấp) nhiều hơn là việc mua ào ạt. Đó là lý do tôi dự báo thị trường đi ngang nhiều hơn là rõ xu hướng trong tháng 5 này.

 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

 

VN-Index đã tạo một đáy ngắn hạn tại vùng thấp nhất 556,47 điểm và thông thường tại vùng đáy, thanh khoản có xu hướng cạn kiệt, cũng đồng nghĩa với dòng tiền co hẹp về mức thấp. Do đó, tôi cho rằng, nếu không có gì thay đổi, sau khi tạo đáy về thanh khoản, khối lượng giao dịch thường sẽ có xu hướng hồi phục và tăng dẫn đều trở lại, tương ứng với đó là dòng tiền sẽ hồi phục và sớm quay trở lại thị trường.

 

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS)

 

Với dự báo thị trường đi vào vùng tích lũy, nhiều khả năng thanh khoản trên thị trường sẽ co hẹp lại, hay nói cách khác dòng tiền sẽ tỏ ra thận trọng hơn. Tuy nhiên, theo tôi, thận trọng không có nghĩa là rút khỏi thị trường, mà có lẽ sẽ là tạm thời đứng ngoài chờ đợi và lựa chọn những cơ hội tốt, ít rủi ro hơn để tham gia trở lại. Trong quý II, cũng như cả năm 2014, tôi duy trì đánh giá, chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

 

Một câu hỏi quen thuộc không thể thiếu, theo các ông/bà, đâu là nhóm cổ phiếu đáng lưu tâm?

 

Ông Lê Đắc An, Trưởng phòng Đầu tư, CTCK Tân Việt (TVSI)

 

Các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, nhưng chưa tăng trong quý I vẫn thu hút được dòng tiền đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, với dự đoán các mặt hàng thiết yếu sẽ được điều chỉnh tăng giá, thì cổ phiếu của các doanh nghiệp có liên quan đến các ngành này sẽ được hưởng lợi.

 

Cũng do bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ, các cổ phiếu của doanh nghiệp thuộc nhóm ngành mang lại sự kỳ vọng cho nhà đầu tư sẽ hút được dòng tiền. Với triển vọng đang tích cực hơn của nhóm ngành bất động sản, cá nhân tôi cho rằng, cổ phiếu của nhóm ngành này sẽ có sự hấp dẫn nhất định trong tháng 5 này.

 

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó phòng Môi giới và dịch vụ, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco)

 

Tôi vẫn giữ quan điểm khuyến nghị, nhà đầu tư quan tâm đến bất động sản, xây dựng cơ bản và xây lắp có kết quả hoạt động kinh doanh ổn định và có kế hoạch hành động tốt trong năm 2014, mà trong nhịp điều chỉnh tháng 4 đã về ngưỡng hấp dẫn như ITA, SRC, DXG... Nhóm cổ phiếu lưu tâm là bluechip có thông tin lợi nhuận tốt như HPG, GAS…

 

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược, CTCK MSBS

 

Nhóm cổ phiếu đáng lưu tâm là những cổ phiếu bluechip đầu ngành, đang bị định giá thấp và nhiều triển vọng tăng giá. Một số cổ phiếu Midcap tăng trưởng tốt thuộc các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, dệt may sẽ thu hút dòng tiền đầu cơ và nhất là các cổ phiếu chứng khoán sẽ hưởng lợi rất lớn từ thanh khoản tăng vọt của thị trường.

Ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng Phòng Phân tích, CTCK SHS

 

Trong thời gian tới, tôi vẫn duy trì quan điểm khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn tới nhóm cổ phiếu của các DN có nền tảng cơ bản tốt thuộc một số lĩnh vực như dầu khí, vật liệu xây dựng, xây lắp hạ tầng, tiêu dùng, các mã cổ phiếu đã hết room ngoại, các DN có hoạt động kinh doanh tốt lên sau giai đoạn tái cấu trúc.

 

Ông Nguyễn Nhật Cường, Phó phòng Đầu tư, CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC)

 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể sẽ vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

 

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược, CTCK MBS

 

Có 2 nhóm cổ phiếu tôi cho rằng đáng lưu tâm trong thời gian tới, là cổ phiếu săm lốp (CSM, DRC) và cổ phiếu ngành dược phẩm (DCL, DMC).

 

Với cổ phiếu ngành săm lốp, giá cao su tự nhiên giao dịch tại Singapore (SICOM) tiếp tục giảm hơn 20% từ đầu năm đến nay. Trong khi đây nguyên liệu chiếm hơn 50% nguyên liệu đầu vào của sản xuất săm lốp, do đó, giá cao su giảm sẽ khiến biên lợi nhuận của nhóm cổ phiếu này tăng trong năm nay.

 

Với nhóm cổ phiếu dược phẩm, DCL và DMC là 2 công ty có triển vọng rất khả quan với những lợi thế riêng có trong ngành dược. DCL có kết quả kinh doanh cải thiện rõ nét nhờ tái cơ cấu hiệu quả và là một trong số rất ít công ty dược phẩm đang có mức P/B khoảng 1.1 lần và P/E 8 lần. DMC là doanh nghiệp có doanh thu đứng thứ 3 trong ngành chỉ sau DHG và TRA, với doanh thu tăng trưởng đều đặn 12%/năm, trong đó, công ty cũng đã mở rộng thị trường sang một số nước Nam Mỹ, do đó triển vọng công ty trong những năm tới rất khả quan.

 

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu kinh tế và chiến lược thị trường, CTCK Vietcombank (VCBS)

 

Tôi cho rằng, tâm điểm của thị trường có thể sẽ chuyển từ nhóm cổ phiếu chứng khoán sang các cổ phiếu đầu ngành dầu khí, năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất khẩu, kho vận do tính chất phòng thủ hoặc được hưởng lợi từ các chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ.

 

Theo Hải Vân

Đầu tư chứng khoán

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *