Chứng Khoán 04/01/2014 15:21

Đừng để nhà đầu tư “lắc đầu” với quỹ mở

Năm 2013, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự ra đời của gần 10 quỹ mở, mang đến sản phẩm đầu tư mới cho công chúng.

Nhưng cũng chính vì mới, nên quỹ mở có những hạn chế riêng, nhất là nhà đầu tư (NĐT) phải giao dịch trực tiếp tại các đại lý phân phối chỉ định và tần suất giao dịch khá thưa so với cổ phiếu niêm yết.

Quỹ mở ra đời giải quyết hạn chế căn bản của quỹ đóng như kém thanh khoản, chiết khấu NAV cao… Tuy nhiên, với tần suất giao dịch trong tháng còn ít, trong khi cổ phiếu niêm yết được giao dịch hàng ngày, hàng giờ, thì đây là một trong những điểm trừ của quỹ mở.

Hầu hết các quỹ mở đều có tần suất giao dịch 2 tuần/lần, thời gian NĐT nhận được tiền là T+7. Riêng Quỹ Đầu tư năng động Eastspring Investments Việt Nam (ENF) đang chào bán cho biết, tần suất giao dịch 1 tuần/lần, thời gian xác nhận giao dịch là T+3, thời gian chuyển tiền cho NĐT là T+4.

Điểm trừ với một số NĐT, nhưng lại phù hợp đối với các công ty quản lý quỹ, bởi nếu giao dịch như cổ phiếu niêm yết, thì việc mua vào, bán ra liên tục của NĐT sẽ ảnh hưởng tới cách thức đầu tư của quỹ. Mặt khác, ngay trong bản cáo bạch thành lập quỹ mở, các công ty này đã xác định rõ, đối tượng khách hàng của quỹ chính là “các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có chiến lược đầu tư giá trị dài hạn”. Nhưng tăng tần suất giao dịch cho các NĐT khi giao dịch chứng chỉ quỹ mở vẫn là một điểm quan trọng, ngay cả với nhà đầu tư dài hạn.

Một điểm chưa thuận tiện nữa là quy định về đại lý phân phối chứng chỉ quỹ. Hiện nay, NĐT muốn giao dịch quỹ mở cần điền vào phiếu lệnh mua/bán rồi đưa cho các đại lý phân phối, chứ không phải giao dịch online như đối với các cổ phiếu niêm yết.

Dù đa phần các quỹ mở đều có đại lý phân phối là những công ty chứng khoán hàng đầu như SSI, MBS, VNDS, VDSC, ACBS, VCSC, VCBS, PSI, BSC…, nhưng với với nhà đầu tư chưa mở tài khoản tại các công ty này, muốn giao dịch CCQ mở, bắt buộc phải mở thêm tài khoản.

Một số NĐT chia sẻ, điều này gây bất tiện cho họ, bởi họ đã quen giao dịch tại CTCK hiện hữu. Khi phải mở tài khoản tại CTCK mới, NĐT lại phải thực hiện “quy trình” này thêm một lần nữa, rất mất thời gian. Đó là chưa kể đến tình huống, NĐT gặp phải nhân viên môi giới mới vào nghề, còn chưa vững về cách giao dịch chứng chỉ quỹ mở.

Cụ thể, trong một tình huống, có NĐT muốn đặt lệnh giao dịch chứng chỉ quỹ VF4, nhưng nhân viên của CTCK lại không nắm vững thời gian chốt sổ lệnh là trước 10h30 ngày T+1, khiến NĐT này đành “lắc đầu” chờ đợt giao dịch khác.

Do đó, các công ty quản lý quỹ, bên cạnh việc phân phối chứng chỉ quỹ thông qua các công ty chứng khoán có thị phần lớn, cần nghiên cứu để có được cách thức giao dịch thuận lợi, đỡ tốn thời gian hơn cho NĐT.  


     
Theo Phan Hằng

Đầu tư chứng khoán

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *