Dòng chảy vốn 20/01/2014 07:06

Chi 5,1 tỷ USD nhập điện thoại, đồ điện tử từ Hàn Quốc

FICA - Trong năm 2013, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Hàn Quốc đạt 27,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với kết quả của năm 2012. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm mặt hàng được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất với trị giá đạt 5,1 tỷ USD, tăng mạnh 54,7% so với 1 năm trước đó và chiếm 24,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2013.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, sau khi suy giảm 8,5%, xuống còn mức 9 tỷ USD trong năm 2009 do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã tăng mạnh trở lại trong năm 2010 ở mức 49% so với một năm trước, đạt 12,9 tỷ USD. Sang năm 2012, con số này đã vượt mốc 20 tỷ USD, tăng khá 18,6% so với mức 17,8 tỷ USD của năm 2011.

Trong nhiều năm qua, cán cân thương mại hàng hóa giữa hai nước luôn mất cân bằng với mức thâm hụt ngày càng tăng nghiêng về phía Việt Nam.

Cụ thể trong năm 2009, mức thâm hụt hàng hóa của Việt Nam trong hoạt động thương mại với Hàn Quốc chỉ là 4,9 tỷ USD thì đến năm 2013, mức thâm hụt lên tới 14,1 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần so với trị giá xuất khẩu trong năm của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này và cao gần gấp 3 lần mức thâm hụt của 5 năm trước đó.

Số liệu thống kê cũng ghi nhận trong những năm gần đây vị thế của Hàn Quốc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định khi quốc gia này luôn là một đối tác quan trọng và mang tầm chiến lược của Việt Nam.

Trong các năm 2011, 2012 và năm 2013, Hàn Quốc luôn là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 4 của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi đó ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là nguồn hàng nhập khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp Việt Nam.

Về tổng thể, trong năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Trong khi đó năm 2011 và 2012, Hàn Quốc vẫn chỉ là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam.


Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2013

Với các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu với quốc gia ở Đông Bắc Á này. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Hàn Quốc trong năm 2012 lên tới 9,8 nghìn doanh nghiệp và trong năm 2013, con số này đã là 10,9 nghìn doanh nghiệp.

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Hàn Quốc năm 2013.

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2013, tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam-Hàn Quốc đạt 27,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với kết quả của năm 2012.

Trong đó, tổng trị giá hàng hóa các công ty Việt Nam nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc là 20,7 tỷ USD, tăng ấn tượng 33,3% so với năm 2012 và chiếm 15,7% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm mặt hàng được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2013 với trị giá đạt 5,1 tỷ USD, tăng mạnh 54,7% so với 1 năm trước đó và chiếm 24,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2013.

Bên cạnh đó, các nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, vải các loại, điện thoại các loại và linh kiện... là một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam khá cao, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam của các mặt hàng có xuất xứ từ Hàn Quốc trong năm 2013.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch xuất khẩu của các công ty Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2013 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 18,9% so với một năm trước đó và chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2013, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: hàng dệt may (đạt 1,6 tỷ USD, tăng mạnh 53,5% so với năm 2012); dầu thô (đạt 724 triệu USD, giảm 9,3% so với năm 2012); hàng thủy sản đạt 512 triệu USD...

Về thị trường lao động, mới đây, ngày 31/12/2013, đại diện hai nước Việt Nam - Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ đặc biệt về việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam (viết tắt MOU) cho phép gần 15.000 lao động nông thôn Việt Nam có cơ hội sang Hàn.

So với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Số lượng lao động Việt Nam được tiếp nhận chiếm trên 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (chương trình EPS).

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *