Chứng Khoán 19/01/2014 08:06

Điểm danh 20 công ty chứng khoán phải tái cấu trúc

FICA - Trong số các công ty thuộc danh sách "đen" của Ủy ban chứng khoán, 3 công ty chứng khoán đang tiến hành các thủ tục giải thể trong khi 1 công ty quản lý quỹ đã giải thể.


Sau cuộc tái cấu trúc đối với hệ thống ngân hàng với danh sách 9 ngân hàng phải hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cấu trúc thì mới đây, Ủy ban chứng khoán cũng vừa công bố danh sách các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thuộc diện tái cấu trúc.

Theo danh sách này, Việt Nam hiện có 104 công ty chứng khoán và 48 công ty quản lý quỹ. Trong đó, 84 công ty chứng khoán hoạt động bình thường, 40 công ty quản lý quỹ hoạt động bình thường, 1 công ty quản lý quỹ mới thành lập và chưa hoạt động là Công ty TNHH MTV quản lý quỹ ACE Life.

Đối với các công ty hoạt động bình thường, công ty có vốn điều lệ lớn nhất là chứng khoán Sài Gòn (SSI) với vốn điều lệ gần 3.540 tỷ đồng. Cùng với SSI, 5 công ty chứng khoán khác có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng là chứng khoán Agribank (Agriseco 2.120 tỷ đồng), Kim Long (2.025 tỷ đồng), ACBS (1.500 tỷ đồng), chứng khoán TPHCM (HSC 1.008 tỷ đồng) và Sài Gòn - Hà Nội (SHS - 1.000 tỷ đồng).

Ngược lại, 19 công ty chứng khoán với vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng và TC Capital là công ty có vốn điều lệ nhỏ nhất với chỉ gần 11 tỷ đồng.

Các công ty quản lý quỹ có vốn điều lệ ít hơn phổ biến ở mức vài chục tỷ đồng. Ttrong số này, nổi bật nhất là VietinBank Capital với vốn điều lệ 950 tỷ đồng, vượt xa công ty đứng thứ 2 là Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) với 230 tỷ đồng.

Đối với 20 công ty chứng khoán còn lại thuộc diện tái cấu trúc, 3 công ty chứng khoán đang làm thủ tục giải thể là Âu Việt, Chợ Lớn và Sao Việt.

Ba công ty chứng khoán khác đã chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động là chứng khoán Trường Sơn, Hà Nội và Delta. Lý do thu hồi giấy phép là do 3 công ty chứng khoán này không khác phục được tình trạng thu lỗ và có lỗ gộp lên tới hơn 50% vốn điều lệ.

Chứng khoán Tràng An bị đình chỉ hoạt động trong khi chứng khoán SME đã tạm ngừng hoạt động. Đây là 2 công ty chứng khoán cùng với Trường Sơn có bê bối liên quan tới việc lừa đảo khách hàng.

Ba công ty chứng khoán đã rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán là Liên Việt (cũng chấm dứt tư tư cách thành viên), Đông Dương và Golden Bridge (đã ngừng hoạt động giao dịch để thực hiện thủ tục chấm dứt tư cách thành viên.

Năm công ty chứng khoán thuộc diện kiểm soát là CIMB Vinashin, MHB, Quốc Gia và Tonkin, Thủ Đô trong khi 4 công ty chứng khoán thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Artex, Hồng Bàng, Mê Kông và Sacombank (SBS). Trong số này, SBS có vốn điều lệ 1.126 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với các công ty chứng khoán thuộc diện phải tái cấu trúc. SBS cũng đang lên phương án hợp nhất với chứng khoán Phương Nam.

Đối với 7 công ty quản lý quỹ thuộc diện phải tái cấu trúc gồm Sabeco đã giải thể, Thành Việt đã chấm dứt hoạt động, 4 công ty đã tạm ngừng hoạt động là Minh Việt, AIC, Hữu Nghị và Dầu khí toàn cầu và Liên Minh Việt Nam rơi vào diện kiểm soát đặc biệt.

Ngoài danh sách này, Ủy ban chứng khoán không công bố biện pháp tái cấu trúc đối với các công ty thuộc danh sách "đen".

Lam Thanh

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *