Chứng Khoán 05/05/2015 09:34

Đi tìm nguyên nhân “đánh gục” thị trường chiều 4/5

FICA – Thị trường mở cửa đầu tháng 5 bằng một phiên lao dốc không phanh (VN-Index mất 3,08% và HN-Index mất 3,38%)!

Tại Nhật ký tư vấn phát hành cuối ngày, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư hoang mang đặt câu hỏi với RongViet Research: “Lý do thị trường giảm điểm?”

Nhìn từ góc độ giao dịch, có thể thấy rõ sự kiên nhẫn của bên nắm giữ cổ phiếu đã được đẩy đến giới hạn. Theo đó, hàng loạt cổ phiếu midcap và smallcap giảm sàn. Trong khi ở chiều đối trọng, người cầm tiền không hề mặn mà “bắt đáy” hoặc là thực tế đang không có dòng tiền nào đang chờ đợi thị trường trong những ngày đầu tháng Năm?

Diễn biến trên dễ khiến liên tưởng đến câu nói kinh điển “Sell in May and go away” (“Bán vào tháng Năm và đi chơi”) hay nói đúng hơn điều đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam là “Sell in May and run away” (“Bán vào tháng Năm và chạy ra khỏi thị trường”) – nhóm phân tích của VDSC bình luận.

Nhìn qua các thị trường trong khu vực, hầu hết các chỉ số lớn cũng đều giảm điểm khi bước vào tháng Năm trừ thị trường chứng khoán Trung Quốc. Khi một sự kiện được lặp lại nhiều lần, niềm tin đối với câu nói trên càng được củng cố và theo VDSC, đây cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân của phiên giảm mạnh trong ngày 4/5.

Tổng kết phiên giao dịch, cả hai sàn ghi nhận 416 mã giảm giá (xấp xỉ 61% lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường, trong đó gần 1/3 đóng cửa ở mức giá sàn). Điều này cho thấy độ rộng thị trường tiêu cực ra sao! Bên cạnh đó, yếu tố thanh khoản dù ghi nhận mức tăng cao so với mức bình quân của tháng trước (tăng 37%), đạt 2.384 tỷ đồng song chỉ xác nhận một điều là lực bán đang áp đảo.

Duy có một điểm thường hay lặp lại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày giao dịch tiêu cực như vậy là hành động của khối ngoại. Trái ngược với động thái bán quyết liệt của các nhà đầu tư nội, khối ngoại mua ròng hơn 237 tỷ đồng trong phiên. Động thái mua ngược của khối ngoại có phần chọn lọc và tập trung vào một vài cổ phiếu như VIC (63,5 tỷ đồng), KBC (27,2 tỷ đồng), SSI (20,2 tỷ đồng) và một số cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, STB, SHB…

Nếu nguyên nhân về mặt dòng tiền và tâm lý chưa đủ để thuyết phục thì một tin tức mang hơi hướng “lịch sử lặp lại” cũng đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư. Thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu thứ 2 đến biển Đông dù đã được rò rỉ từ trong kỳ nghỉ lễ song với những thông tin chi tiết hơn về quy mô của giàn khoan, khả năng chịu bão, thông số kỹ thuật… đều là những điều không mong đợi đối với nhà đầu tư trên thị trường. Đó là chưa kể đến cơn sóng ngầm về tỷ giá tiếp diễn khi các ngân hàng thương mại liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND trong ngày, và còn nữa là con số mới nhất về tình hình nợ xấu cũng không khả quan khi tăng trở lại lên mức 3,49% trong tháng 1/2015.

Lọt thỏm giữa một loạt tin tức kém tích cực trên, thông tin PMI tháng 4 tăng kỷ lục lên mức 53,5 điểm trở nên “không có trọng lượng” đối với nhà đầu tư trên thị trường. Theo đánh giá của chuyên viên vĩ mô, sức bật tăng trở lại của chỉ số PMI cho thấy độ bền của tăng trưởng tại khu vực sản xuất. Sự tăng trưởng của đơn hàng mới và sự sụt giảm của giá đầu vào đang là yếu tố thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất, tuy nhiên, mức độ lan tỏa không đồng đều. Nhìn sang các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, sự phân hóa về kết quả kinh doanh quý 1/2015 sẽ thể hiện rõ hơn bức tranh này khi các báo cáo tài chính lần lượt được doanh nghiệp công bố.

Trong khi đó, tại báo cáo phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), công ty này cũng nhấn mạnh, những yếu tố rủi ro mang tính địa chính trị khi Trung Quốc mới đây đã đưa giàn khoan vào khu vực biển Đông đang một lần nữa tác động đến thị trường. Bên cạnh đó, tháng 5 cũng là giai đoạn thiếu vắng các thông tin cơ bản của khối doanh nghiệp khi KQKD quý I đã được phản ánh và mùa ĐHCĐ 2015 dần qua đi.

BVSC cho rằng diễn biến lao dốc của thị trường phiên 4/5 phần lớn xuất phát từ yếu tố tâm lý mang tính ngắn hạn của nhà đầu tư. Về mặt cơ bản, các thông tin vĩ mô cũng như vi mô vẫn đang hỗ trợ cho xu hướng hồi phục của thị trường trong trung, dài hạn. Các nhà đầu tư theo trường phái giá trị được khuyến nghị lựa các vùng giá tốt để tích lũy và nắm giữ một tỷ trọng cân bằng cho danh mục dài hạn. Các vị thế ngắn hạn nên được hạn chế giao dịch ở thời điểm hiện tại khi rủi ro tiếp tục điều chỉnh vẫn còn để ngỏ.

Trong công cuộc đi tìm kiếm nguyên nhân của thị trường, CTCK Ngân hàng BIDV (BSC) “mổ xẻ”: Có 3 nguyên nhân tác động trực tiếp lên tâm lý nhà đầu tư. Đó là tin tức về gian khoán bán nổi Hưng Vương đang di chuyển vào khu vực biển Đông khiến nhà đầu tư lo lắng về một kịch bản như vụ HD981 năm ngoái. Bên cạnh đó là hiệu ứng Sell in May (bán tháng 5) đang được lan truyền trong giới đầu tư. Và một nguyên nhân khác là giá xăng nhiều khả năng sẽ sớm tăng trở lại do giá xăng dầu được áp tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1/5 và giá dầu thế giới đang hồi phục mạnh.

Theo BSC, các tin tức không thực sự tích cực trên cộng hưởng với diễn biến tiêu cực của cổ phiếu OGC đã tạo ra hiệu ứng bán mạnh trên cả 2 sàn trong phiên 4/5.

Theo nhận định của CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS), nhà đầu tư trong nước nên bình tĩnh và tránh hoảng loạn cũng như bán tháo bằng mọi giá bởi, vị trí đặt giàn khoan Hưng Vượng là chưa xác định và có thể không phải nằm trong địa phận của Việt Nam. Trong khi đó, trên thị trường, khối ngoại tiếp tục mua vào rất mạnh trên cả hai sàn, trị giá lên tới hơn 230 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các thông tin kinh tế trong nước đang ở trạng thái khá tích cực. Cụ thể, PMI tháng 4 của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng 53,5 điểm từ con số 50,7 của tháng 3. Số liệu từ HSBC cho thấy khu vực sản xuất của nước ta mở rộng mạnh nhất trong vòng 4 năm qua nhờ sự cải thiện vượt bậc của cầu tiêu dùng, sản lượng đầu ra và số đơn đặt hàng mới. Cùng xu hướng với các tháng trước đó, chúng tôi kỳ vọng rằng, nền kinh tế nói chung và khu vực sản xuất nói riêng đang trên đà tăng trưởng và sẽ có thêm nhiều điểm sáng trong thời gian tới.

VCBS đánh giá việc giảm sâu của thị trường trong phiên đầu tháng Năm chủ yếu do tác động tâm lý trong khi diễn biến của nền kinh tế, yếu tố nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, vẫn đã và đang phát đi tín hiệu tích cực. Do đó, mặc dù ảnh hưởng tâm lý có thể chưa chấm dứt khiến rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn khá cao trong ngắn hạn nhưng điều này, theo VCBS, sẽ tạo ra cơ hội để sở hữu những cổ phiếu tốt ở mức giá hấp dẫn hơn. Tuy nhiên việc giảm tỷ trọng cổ phiếu vẫn được khuyến nghị với những danh mục hoặc cổ phiếu có tính thị trường cao.
 

Kết luận đối với phiên giao dịch 4/5, VDSC cho rằng đây là một sự kiện chưa được thu thập thông tin để có góc nhìn đầy đủ. Đối với mỗi nhà đầu tư, việc lựa chọn xem xét đây là cơ hội hay rủi ro cũng sẽ tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư. Đối với RongViet Research, nhóm phân tích vẫn khá kiên trì với định hướng “Use the rod, drop the net” (cất lưới và dùng cần câu) và có vẻ như cơ hội “đi câu” có thể mở ra trong tháng Năm này.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *