Chứng Khoán 19/02/2019 14:13

“Đế chế” gia đình cựu Thứ trưởng đi lùi, đại gia ngoại rút bớt vốn

Giữa bối cảnh lợi nhuận của Bóng đèn Điện Quang - doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của đại gia đình cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa liên tục sụt giảm 4 năm liền, đặc biệt là giảm mạnh trong quý IV/2018, một quỹ ngoại thuộc quản lý của Dragon Capital đã quyết định bán bớt cổ phiếu DQC tại công ty này.

Cổ phiếu DQC của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang trong phiên giao dịch sáng nay (19/2) đã hồi phục 200 đồng tương ứng 0,7% lên 27.000 đồng sau khi đánh mất 2,5% vào phiên hôm qua.

Trong vòng 1 tuần giao dịch đầu năm, cổ phiếu DQC đã sụt 3,23% giá trị và đánh mất 11,37% so với thời điểm 1 năm trước.

dien quang.jpg

Lợi nhuận Điện Quang liên tục tụt dốc dù cải thiện về doanh thu

Mới đây, Amersham Industries Limited, một quỹ thuộc quản lý của Dragon Capital vừa thông báo đã bán 295.500 cổ phiếu DQC giảm sở hữu từ 10,86% xuống 9,915%, tương đương hơn 3 triệu cổ phiếu. Giao dịch thực hiện ngày 13/2.

Mặt khác, Vietnam Enterprise Investment, tổ chức liên quan đến Amersham Industries Limited đang sở hữu hơn 4 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 12,875% vốn của Bóng đèn Điện Quang.

Điện Quang cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 28% so với cùng kỳ xuống còn 31 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 30,4% còn 26 tỷ đồng bất chấp doanh thu tăng khá mạnh hơn 14% lên 432 tỷ đồng.

Luỹ kế cả năm 2018, tuy doanh thu tăng 12,4% so với năm 2017 đạt 1.187 tỷ đồng song lợi nhuận trước thuế của công ty này vẫn giảm 12,1% và lợi nhuận sau thuế giảm 13,7% xuống còn lần lượt là 119 tỷ đồng và 95 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp này đi xuống.

Bóng đèn Điện Quang vốn là doanh nghiệp Nhà nước, song sau quá trình cổ phần hoá, hiện tại doanh nghiệp này được quản lý và sở hữu phần lớn bởi người nhà của cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, người cũng từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bóng đèn Điện Quang.

Theo báo cáo quản trị công ty năm 2018, đến cuối năm vừa rồi, ông Hồ Quỳnh Hưng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Bóng đèn Điện Quang sở hữu 2.517.993 cổ phiếu DQC, chiếm tỷ lệ 7,33% tổng số lượng cổ phiếu của doanh nghiệp. Bà Trần Thị Xuân Mỹ - mẹ ruột ông Hưng, sở hữu 1.221.974 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3,56%.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, chị gái ông Hưng sau khi đã thực hiện thoái phần lớn vốn tại đây nay vẫn còn 6.415 cổ phần, chiếm 0,02% vốn và vẫn đang là cổ đông ở đây.

Ngoài ra, hai con gái của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc đang sở hữu 4.125.632 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 12,01% và Nguyễn Thái Quỳnh Lê – Giám đốc dự án đang sở hữu 2.230.417 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 6,5%.

Trong phiên giao dịch sáng nay, hai chỉ số chính diễn biến trái chiều trong bối cảnh thị trường giằng co. VN-Index tăng 6,06 điểm tương ứng 0,63% lên 967,36 điểm còn HNX-Index lại giảm 0,13 điểm tương ứng 0,13% còn 106,7 điểm.

Độ rộng thị trường đã bắt đầu đổi hướng, nghiêng về các mã giảm. Thống kê cho thấy có 279 mã giảm giá, 31 mã giảm sàn so với 210 mã tăng, 22 mã tăng trần.

Tuy vậy, điểm tích cực là thanh khoản được cải thiện rõ nét. Trên sàn HSX ghi nhận khối lượng giao dịch lớn đạt 124,56 triệu cổ phiếu tương ứng 2.536,35 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 20,75 triệu cổ phiếu tương ứng 266,34 tỷ đồng.

FLC và HAG đang là hai mã có khối lượng giao dịch cao nhất thị trường trong phiên sáng nay. Khối lượng giao dịch tại FLC đạt 6,82 triệu cổ phiếu còn tại HAG là 6,24 triệu cổ phiếu. Cả hai mã này đều đang tăng giá.

Sự trở lại của cặp cổ phiếu “họ Vin” VHM và VIC đã đóng vai trò đầu kéo cho VN-Index khi hai mã này đóng góp lần lượt 3,77 điểm và 1,36 điểm trong tổng mức tăng của chỉ số chính. Đây cũng là hai mã cổ phiếu có vốn hoá thị trường cao nhất hiện nay. Cụ thể, vốn hoá Vinhomes đạt tới 367.355,6 tỷ đồng trong khi vốn hoá Vingroup là 287.053,3 tỷ đồng.

Theo nhận định của VCBS, thị trường đang cho thấy đà hồi phục hết sức ấn tượng khi VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 960 và bắt đầu vượt lên trên đường MA200, theo đó thể hiện xu hướng tăng trung hạn của chỉ số.  Tuy nhiên, việc các chỉ báo kỹ thuật khác tiến vào vùng quá mua cũng cảnh báo về khả năng diễn ra một nhịp điều chỉnh ngắn hạn.

Trong bối cảnh như vậy, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục và chưa vội giải ngân thêm vào nhóm vốn hóa lớn tại thời điểm này, mà thay vào đó có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu vốn hóa trung bình với tiềm năng tăng trưởng tốt về kết quả kinh doanh trong năm 2019 và giá vẫn chưa thực sự có sự bứt phá như chỉ số chung.

Mai Chi

“Đế chế” gia đình cựu Thứ trưởng đi lùi, đại gia ngoại rút bớt vốn - 1

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *