Chứng Khoán 29/08/2017 10:48

Đại gia taxi Hồ Huy bất ngờ mất bay trăm tỷ đồng

Mai Linh miền Bắc của ông Hồ Huy đen đủi khi ngày ra mắt đã giảm sàn khiến đại gia và tập đoàn Mai Linh mất bay trăm tỷ. Dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu trụ cột và một số cổ phiếu nóng đã giúp thị trường sôi động trở lại. Các cổ phiếu bất động sản và xây dựng của ông Trịnh Văn Quyết tăng vọt, trong khi đó ông Ngô Chí Dũng gặp may với chính sách mới.

Dẫn dắt thị trường trong tuần vừa qua không gì khác chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, trong đó có một số cổ phiếu nóng bất ngờ tăng rất mạnh.

Sau 2 tuần giảm liên tục, thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại trong tuần vừa qua với lực đẩy chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Thông tin quan trọng mang một luồng gió mới đến cho nhóm cổ phiếu này chính là thông tin dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 36/2014/TT-NHNN đang được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp về việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Theo đó, nội dung quan trọng nhất là NHNN tính toán giãn thời hạn siết chặt tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cho các TCTD, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng GDP của Chính phủ. Tỷ lệ này sẽ dự kiến sẽ được nâng 40% lên 45% áp dụng 1/1/2018.

Trước đó, tín dụng đã được tính toán phán đấu đạt mức tăng trưởng 21% (thay vì 18-20% như trước đó) nhằm đạt được các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7%.


Dòng tiền lại đổ vào thị trường chứng khoán.

Dòng tiền lại đổ vào thị trường chứng khoán.

Những thông tin này được đánh giá là có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán trong ngắn hạn bởi đó đều là những biện pháp trong chính sách nới lỏng nhất quán của Chính phủ cũng như NHNN nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Việc giãn lộ trình sẽ giảm áp lực lên biến động lãi suất huy động của các ngân hàng. Trước đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu ngân hàng tìm cách hạ lãi suất để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã quay đầu tăng trở lại và là trụ cốt giúp thị trường chứng khoán phục hồi trong tuần vừa qua.

Cổ phiếu mới lên sàn VPB của VPBank nhà ông Ngô Chí Dũng cũng bất ngờ tăng trở lại 4 phiên liên tiếp sau khi chịu áp lực bán ra rất lớn từ các nhà đầu tư trong nước. VPBank lên sàn với mức giá khá cao: 39.000 đồng/cp (mức giá cao kỷ lục trong nhóm các cổ phiếu ngân hàng) và vào đúng thời điểm thị trường chứng khoán rơi vào giai đoạn điều chỉnh.

VPBank đã giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 36.000 đồng/cp. Tuy nhiên, với những diễn biến mới, cổ phiếu của chủ tịch Ngô Chí Dũng lại gặp may. Bốn phiên hồi phục liên tiếp đang giúp cổ phiếu này dần dần phục hồi. VPBank “phát tài” nhờ mảng tín dụng tiêu dùng và hiện vẫn đang dồn lực vào mảng kinh doanh này.

VPBank vừa bơm thêm gần 1,7 ngàn tỷ đồng để tăng vốn Fe Credit lên gần 4,5 ngàn tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2017, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế 6,8 ngàn tỷ đồng với 50% đến từ tín dụng tiêu dùng Fe Credit.

Sau 4 phiên tăng giá, trong phiên cuối tuần, sức bật của các cổ phiếu ngân hàng đã giảm. Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Á Châu (ACB), Quân đội (MBB) chỉ còn tăng nhẹ. Vietinbank (CTG) giảm nhẹ. Tuy nhiên, đây là nhóm cổ phiếu hiếm hoi có được nhiều thông tin hỗ trợ trong bối cảnh thị trường trong giai đoạn điều chỉnh giảm.

Nhóm cổ phiếu nóng cũng góp phần giúp thị trường sôi động trở lại. Nổi bật là cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Cổ phiếu này bùng nổ với khối lượng giao dịch khổng lồ: khoảng 200 triệu cổ phiếu được trao tay trong tuần qua.

FLC tăng 6 phiên liên tiếp trong đó tăng trần 2 phiên cuối tuần lên 8.570 đồng/cp. FLC bùng nổ trong bối cảnh ông Trịnh Văn Quyết mua thành công 20 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng cũng hút dòng tiền mạnh. Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long, Tôn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ, ROS của ông Trịnh Văn Quyết, Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, rồi DXG, VCG… đều diễn biến tích cực. Giới đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp này.

Nhóm cổ phiếu chủ chốt như Vinamilk (VNM), Bảo Việt (BVH), dầu khí PVD, PGS… đều vững giá.

Khối ngoại vẫn đang mua vào nhưng tập trung vào một số cổ phiếu như: Vinamilk, Hòa Phát, Hoa Sen, Vingroup, FLC…

Một loạt các cổ phiếu có tính đầu cơ cao tiếp tục tăng trần hoặc quay đầu tăng trần như: HAR, FIT, HAI, ART, AMD, EVG, TSC, ROS, FLC….

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Tuần hồi phục vừa qua giúp thị trường tạm thời xác nhận đáy ngắn hạn. Các nhà đầu tư tích cực tham gia thị trường hơn, thay vì nghe ngóng chờ đợi.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đã có một thời gian tích lũy tương đối đề hồi phục trở lại. Mặc dù vậy, sau 7 tháng tăng giá liên tục, thị trường vẫn chưa thực sự hấp dẫn và hiện vẫn còn quá ít thông tin hỗ trợ.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 25/8, VN-index tăng 1,86 điểm lên 771,63 điểm; HNX-Index tăng 0,35 điểm lên 102,64 điểm. Upcom-Index tăng 0,09 điểm lên 54,35 điểm. Thanh khoản đạt 285 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4,2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

Theo H. Tú
VietnamNet

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *