Chứng Khoán 24/05/2015 09:02

Cuối “thảm đỏ” là... sự tổn thương?

Việc siêu thị miễn thuế G.C - siêu thị lớn nhất ở Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và cũng là DN cuối cùng trong tổng số 32 DN hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tuyên bố đóng cửa đang đặt ra không ít câu hỏi về cơ chế “trải thảm đỏ” đối với DN tại các Khu kinh tế cửa khẩu.

Siêu thị GC tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã đóng cửa do thua lỗ

Ngày 26/11/2013 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, áp dụng kể từ 15/1/2014 quy định không bán miễn thuế rượu, bia... cho khách tham quan du lịch, kể cả khách mua hàng từ phía Campuchia. Tiếp theo đó, ngày 15/8/2014 Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC áp dụng kể từ ngày 1/10/2014 về việc hàng hóa chịu thuế ngay (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng) khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan. Theo các DN trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, 2 văn bản này là cú sốc khá mạnh khiến các DN phải ngậm ngùi đóng cửa.

“Chết” vì chính sách đổi chiều

Theo văn bản của siêu thị G.C (thuộc Công ty TNHH Thế Kỷ Vàng) gửi UBND tỉnh Tây Ninh về việc xin đóng cửa, các nội dung quy định theo Quyết định và Thông tư nói trên đã gần như xoá bỏ hoàn toàn các quyền lợi, ưu đãi cho các DN tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Do không còn được hưởng chính sách ưu đãi nên tình hình kinh doanh thua lỗ kéo dài.

Được biết, Công ty Thế Kỷ Vàng đã nhập kho mặt hàng rượu ngoại trước khi có Quyết định 72 của Chính phủ trị giá 19 tỷ đồng, đến nay chưa tiêu thụ được, nguồn vốn bị tồn động. Trong 3 tháng đầu năm 2015 do không bán được hàng, công ty bị lỗ khoảng 3 tỷ đồng.

Tính đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, hầu hết chuỗi cửa hàng miễn thuế Mộc Bài (Tây Ninh) đã đóng cửa, số còn lại đang hoạt động cầm chừng, chờ thanh lý nốt hàng hoá tồn kho. Theo bà Trần Thị Bích Huyền - GĐ Công ty TNHH MTV TM Song Châu (siêu thị mini Song Châu), ngoài chuyệnkhách mua hàng ngày càng thưa thớt, chính sách thay đổi liên tục trong thời gian qua cũng khiến DN không dám nhập hàng về bởi càng nhập hàng càng chôn vốn.

Bà Huyền phân tích, việc nộp thuế ngay khi nhập hàng khiến DN bị chôn vốn khá nặng. Một số sản phẩm nhập khẩu như thực phẩm, mỹ phẩm có mức thuế 10-25%, cộng với thuế VAT 10%, DN bị chôn vốn 20-35% khi nhập hàng. Việc hoàn trả thuế được tính khi lô hàng được bán hết. Tuy nhiên, một lô hàng gồm hàng trăm sản phẩm nếu nhanh cũng phải mất khoảng một năm mới bán xong. “Vốn chôn vào đó mà không đem lại lợi nhuận thì làm sao DN tồn tại được” - bà Huyền bức xúc.

Theo bà Huyền, với định hướng hoạt động của khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, kêu gọi DN bỏ vốn vào đầu tư, nhà nước phải có chính sách ưu đãi ổn định trong vòng 10-20 năm để tạo điều kiện cho DN phát triển chứ với chính sách không rõ ràng, 1-2 năm lại thay đổi như hiện tại, DN không biết đường nào mà lần.

Chia sẻ về tình trạng “chết yểu” của các DN, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Tây Ninh cho biết, việc thay đổi chính sách đã tác động lớn đến DN và gần như xóa bỏ hoàn toàn các quyền lợi của họ nên DN đã nhanh chóng rút lui trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Tây Ninh cũng cho rằng, trong giấy chứng nhận đầu tư được nhà nước cấp cho các DN có quy định miễn thuế - đây là văn bản cam kết giữa nhà nước với DN, phù hợp các quy định trước đây của nhà nước, trong đó có Quyết định 11 của Thủ tướng ban hành năm 2005. Thế nhưng, thông tư 109 của Bộ Tài chính ra đời phủ nhận tất cả.

Chờ đợi sự điều chỉnh

Thông tư 109 chưa chuẩn xác, chưa phù hợp với Quyết định 72 và một số văn bản khác, trong đó mâu thuẫn với chính phụ lục của Thông tư 109.

Nhận định về Thông tư 109, đa số các doanh nghiệp đều cho rằng, Thông tư chưa chuẩn xác, chưa phù hợp với Quyết định 72 và một số văn bản khác, trong đó mâu thuẫn với chính phụ lục của Thông tư 109. Điều này gây khó khăn rất lớn cho các DN, nhất là đối với các DN đã lỡ nhập lô hàng số lượng lớn.

Ông Phạm Văn Sơn - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, ở góc độ địa phương, trước mắt, Tây Ninh chấp nhận cho DN đóng cửa đồng thời Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài cũng nhiều lần tập hợp ý kiến DN để kiến nghị lên các bộ, ngành nhưng đến nay chưa có thay đổi cho những chính sách trên.

Nhiều DN cho biết, không chỉ niềm tin của DN bị tổn thương dẫn đến bỏ ý định đầu tư vào cửa khẩu này mà một số nhà đầu tư Nhật, Malaysia cũng đã hủy bỏ các đàm phán kinh doanh siêu thị miễn thuế ở đây vì lo ngại chính sách thay đổi bất chợt. Để tạo thuận lợi cho các DN hoạt động kinh doanh có hiệu quả, cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế hiện nay. “Việc đóng cửa các siêu thị miễn thuế để DN giảm lỗ và chờ sự điều chỉnh về chính sách của Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn và thiệt hại cho DN” - đại diện một DN cho biết.

Từ cuối 2014 đến nay, không riêng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, ở các Khu kinh tế cửa khẩu khác, các DN đều chung tình trạng “hấp hối”, cố bám trụ đến khi thanh lý xong hàng tồn đọng để đóng cửa. Tuy đã có khá nhiều văn bản tổng hợp ý kiến đã gửi các văn bản kiến nghị, kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có tia hi vọng nào để “hồi sinh” các khu kinh tế cửa khẩu. Nhiều DN đã cay đắng thốt lên: “Ai ngờ cuối thảm đỏ lại là… sự tổn thương!”.

Theo Hoàng Châu

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *