Chứng Khoán 07/03/2015 08:25

Cổ tức khủng chưa phải là thực chất

Không ít doanh nghiệp niêm yết (DNNY) thông báo chốt lời, chia cổ tức khủng nhưng nhiều chuyên gia đánh giá điều đó chưa thực chất.

Cổ tức khủng chưa phải là thực chất

Ùn ùn báo lãi

Mới đây, Công ty CP Nhựa Bình Minh (BMP) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2014 với doanh thu thuần đạt 2.415 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 377 tỷ đồng, tăng 1% và hoàn thành 96% kế hoạch. Riêng quý IV/2014, doanh thu thuần đạt 654,6 tỷ đồng, tăng 22% so với quý IV/2013; lãi sau thuế 106,5 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013.

Tương tự, Công ty CP Tập đoàn FLC cũng làm hài lòng nhà đầu tư (NĐT) khi công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 với doanh thu thuần đạt 2.175 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2013; lãi sau thuế 336,8 tỷ đồng, tăng 239% so với năm 2013 và vượt 28% kế hoạch lợi nhuận.

Nguyên nhân tăng chủ yếu do doanh thu từ kinh doanh bất động sản, kết hợp với việc thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư, gia tăng đầu tư cho các dự án có quy mô lớn.

Tính đến cuối năm 2014, FLC có tổng tài sản 5.780 tỷ đồng, gần gấp 3 lần thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh, lần lượt 1.746 tỷ đồng và 1.157 tỷ đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc báo lãi, nhiều DNNY còn được cộng điểm khi công bố chốt danh sách cổ đông để phát hành thêm cổ phiếu hoặc là chia cổ tức. Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Hapaco (HAP) thông báo chốt danh sách cổ đông ngày 6/3 phát hành 3,2 triệu cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10:1 và chào bán 16,1 triệu CP với giá 6.000 đồng/CP theo tỷ lệ 2:1.

Số tiền thu được sẽ dùng bổ sung vốn, trả nợ vay ngân hàng và bổ sung vốn cho giai đoạn II dự án Bệnh viện Quốc tế Green (đã hoạt động từ tháng 10/2014).

Hay Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thông báo chốt danh sách cổ đông ngày 10/3 phát hành 71,2 triệu CP thưởng theo tỷ lệ 20% bằng nguồn thặng dư vốn cổ phần (342 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất ngày 31/12/2013 đã kiểm toán (370 tỷ đồng). Năm 2014, SSI lãi trước thuế 927,8 tỷ đồng, vượt 47% kế hoạch.

Những thông báo ồ ạt từ các DN đã thu hút được một lượng tiền lớn của NĐT. Bởi tính đến thời điểm này, việc phát hành thêm cổ phiếu thưởng cũng như thông tin chia cổ tức là thông tin đáng trông đợi nhất trong năm 2015 khi mà lãi suất gửi tiết tiệm đã trở về mức thấp.

Lấy lời đắp lỗ

Tích cực là vậy nhưng đối với những NĐT có nhiều kinh nghiệm, các con số chỉ có giá trên giá trị sổ sách, còn thực tế, không phải công ty nào cũng báo cáo đúng thực chất.

Thừa nhận điều này, một chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán VDSC cho biết, trong giai đoạn vượt khó của DNNY, sau khi từ lỗ chuyển sang có lãi, cần tiến đến việc xóa lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán (BCĐKT). Nói cách khác, xóa được lỗ lũy kế là chỉ báo quan trọng cho việc DN vượt khó thành công để chuyển sang một giai đoạn khả quan hơn.

Cần nhấn mạnh, thoát lỗ lũy kế là một quá trình dài và không dễ dàng. Tuy nhiên, các công ty vẫn có thể thực hiện được. Những ngành gặp nhiều khó khăn nhất trong những năm qua thường đồng nghĩa với việc có nhiều khoản lỗ lũy kế nhất, chẳng hạn bất động sản, vật liệu xây dựng, vận tải biển, chứng khoán...

Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Vật tư (CNT) là một ví dụ. Dù công ty này đã làm báo cáo lợi nhuận rất khả quan nhưng thực chất từ năm 2013, đã có khoản lỗ lũy kế 48 tỷ đồng, đến cuối năm khoản này tăng lên thành 135 tỷ đồng.

Khoản lỗ lũy kế của CNT đã vượt quá vốn thực góp là 100,15 tỷ đồng nên hồi tháng 5/2014, CNT đã bị HOSE hủy niêm yết bắt buộc. Như vậy, dù có lợi nhuận nhưng khi đã có lỗ lũy kế, toàn bộ lợi nhuận làm ra sẽ chỉ dùng để bù đắp cho khoản lỗ mà không thể chia cổ tức.

Ngoài ra, còn phải kể đến một loạt hệ quả khác như lỗ lũy kế khiến cho giá trị tài sản công ty bị sụt giảm, các ngân hàng cũng sẽ dè chừng hơn trong việc xét tín dụng, công ty cũng buộc phải thận trọng hơn trong các kế hoạch kinh doanh để tránh lặp lại những sai lầm, từ đó có thể bỏ lỡ các cơ hội khác...

Ngược lại, đối với nhiều DN, sau khi thoát lỗ lũy kế, có thể tính đến chuyện chia cổ tức, tức là cổ đông ngoài việc hưởng chênh lệch từ giá CP còn được chính DN chia cho phần lợi nhuận. Từ chỗ thất vọng, kỳ vọng dành cho CP có thể tăng mạnh.

Hồi đầu năm 2014, BCĐKT của Xi măng Bỉm Sơn (BCC) ghi nhận khoản lỗ lũy kế 21 tỷ đồng. Nhưng nhờ đạt được lợi nhuận 33 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2014 nên BCC đã xóa được lỗ lũy kế, chuyển thành lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giá trị 12 tỷ đồng.

Nửa cuối năm 2014, giá CP của BCC trên sàn đã tăng gấp đôi, từ mức 8.000 đồng có lúc lên đến 16.000 đồng... Tuy nhiên, điều này không bền vững vì giá cổ phiếu chỉ tăng theo xu hướng chứ không phải vì thực chất.

Theo đó, không phải báo cáo tài chính nào cũng có thể phản ánh đúng thực chất của DN. Và việc đánh giá DN cũng như cổ phiếu trong giai đoạn thoát lỗ lũy kế cũng không hề đơn giản. Chẳng hạn, một DN thoát lỗ lũy kế nhờ những lợi thế như giá nguyên liệu đầu vào giảm, thì sự kỳ vọng cũng chỉ nên ở mức chừng mực.

Vì vậy, giới chuyên gia khuyên rằng NĐT cần phải xem xét thêm về việc DN đã tiến hành tái cấu trúc hoạt động hay chưa, vì đây mới là yếu tố cốt lõi. Thậm chí, phải quan sát khả năng phát triển "hậu khó khăn"của DN như thế nào thay vì chỉ nhìn vào các con số lợi nhuận để quyết định đầu tư.

Theo Lam Anh

DNSG

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *