Chứng Khoán 21/03/2014 12:07

Cổ phiếu Sacombank tăng điểm mạnh

FICA- Trong xu thế phục hồi của thị trường, cổ phiếu STB sáng 21/3 đã tăng mạnh 900 đồng lên 20.900 đồng/cp và được giao dịch gần 1,9 triệu đơn vị.

 

Cổ phiếu STB đang có diễn biến tích cực cả về giá và thanh khoản.

Trở lại với mức tăng 3,83 điểm tương ứng 0,64%, kết thúc phiên sáng 21/3, chỉ số VN-Index đứng mức 604,09 điểm với 135 mã tăng và 77 mã giảm. HNX tăng 0,22 điểm tương ứng 0,25% lên 89,92 điểm. Có 135 mã tăng và 85 mã giảm trên HNX.

VN-Index gần như đi ngang sau khi bật tăng đầu phiên. Thanh khoản cao với 95,1 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.574,53 tỷ đồng. HNX thu hút 558,1 tỷ đồng với 52,36 triệu cổ phiếu chuyển nhượng.

FLC đang là mã có thanh khoản cao nhất sàn với khớp lệnh 7,48 triệu đơn vị, tăng giá 600 đồng lên 14.400 đồng/cp. PTL tăng trần, mức giá rẻ 4.100 đồng và đang có dư mua trần 2,4 triệu cổ phiếu, khớp lệnh 4,4 triệu đơn vị. LCG, AGR cũng tăng trần và khớp lệnh cao.

Hiện đã xuất hiện những đợt mua vào khá lớn từ khối ngoại tại VSH (560 nghìn cổ phiếu), DPM (124,8 nghìn cổ phiếu), CSM (124,4 nghìn cổ phiếu), VIC (123,3 nghìn cổ phiếu) và CTG (105,3 nghìn cổ phiếu).

VNM tăng điểm 1.000 đồng, VIC tăng điểm 1.000 đồng trong khi MSN và GAS đứng giá tham chiếu, BID mất nhẹ 100 đồng mỗi đơn vị. Đáng chú ý, STB hiện tại khớp lệnh xấp xỉ 1,9 triệu cổ phiếu và đang tăng giá mạnh 900 đồng lên 20.900 đồng/cp.

Thanh khoản khá đồng đều trên HNX. Mã khớp mạnh nhất hiện nay là PVX với khối lượng đạt 5 triệu cổ phiếu. KLS khớp 3,9 triệu cổ phiếu và SHB khớp 3 triệu. Khối ngoại đang thực hiện bán ròng tại SHB khối lượng gần 500 nghìn đơn vị.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng trên 170 nghìn cổ phiếu PVS, mua ròng không đáng kể.

Rủi ro dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường với quy mô lớn hơn

Hôm qua, hai Cục thống kê TPHCM và Hà Nội công bố CPI tháng 3 giảm lần lượt 0,46% và 0,15% so với tháng trước với nguyên nhân chính đến từ hai nhóm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dừng và Hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Điều này là do giá gas được điều chỉnh giảm 31.000 đồng từ đầu tháng 3 kết hợp với hiệu ứng mùa vụ khi cầu tiêu dùng thường thường phục hồi yếu hơn sau Tết.

Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với việc CPI của hai thành phố lớn đều giảm có khả năng cao, CPI cả nước trong tháng 3 cũng giảm nhẹ, một diễn biến tương tự với cùng kỳ năm ngoái (CPI tháng 3/2013 giảm 0,19%).

Mặc dù do ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ cũng như việc điều chỉnh giá của một số mặt hàng nhưng rõ ràng, tiếp sau mức tăng thấp của CPI trong hai tháng đầu năm, việc CPI sụt giảm trong tháng 3 sẽ tiếp tục làm dấy lên lo ngại về tổng cầu trong nước phục hồi yếu hơn mong đợi.

Cũng cần lưu ý rằng, nền kinh tế trong hai tháng đầu năm đã cho thấy những điểm sáng nhất định từ lĩnh vực sản xuất cũng như xuất khẩu, kèm theo đó là kỳ vọng tăng trưởng sẽ cải thiện. Tuy nhiên, nếu lạm phát thấp đi kèm tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái sẽ là một dấu hiệu không tốt của nền kinh tế và từ đó thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực - báo cáo của VCBS lưu ý.

Liên quan đến động thái của khối ngoại, báo cáo VCBS cũng đề cập đến cuộc họp kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở (FOMC). Tại cuộc họp này, bà Yellen, tân chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ cho biết FED có thể bắt đầu nâng lãi suất sau 6 tháng kể từ khi cắt giảm hết chương trình nới lỏng định lượng.

Theo tính toán và dự báo của VCBS, trên cơ sở FED sẽ cắt giảm gói QE3 trị giá 85 tỷ USD/tháng với tốc độ 10 tỷ USD/tháng trong mỗi lần họp (1 tháng họp 1 lần) bắt đầu từ tháng 1 năm 2014, FED sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào nửa cuối Q1/2015 thay vì vào Q2/2015 như kỳ vọng của phần đông nhà đầu tư. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến động thái của dòng vốn vào các thị trường biên và mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Nhóm phân tích cũng lưu ý thêm rằng, trước những tín hiệu không lạc quan từ Trung Quốc cùng ảnh hưởng từ căng thẳng Nga-Ukraina, thị trường chứng khoán châu Á vẫn đang trong xu hướng đi xuống trong tháng 3. Theo đó, không loại trừ khả năng dòng vốn sẽ có dấu hiệu chuyển dịch và rút ra khỏi các thị trường kể trên nhanh và sớm hơn, đặc biệt là trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, mặc dù quỹ VNM vẫn tiếp tục đều đặn huy động thêm 100.000 chứng chỉ quỹ mỗi phiên trong suốt thời gian qua nhưng theo số liệu mới nhất NAV của quỹ VNM đang khá tiệm cận với giá giao dịch (+0,18%). Theo đó, có thể thấy sự quan tâm cũng như sức hút của quỹ này với các nhà đầu tư trên thế giới đã và đang giảm sút đáng kể. Đây là một yếu tố nữa đẩy rủi ro dòng vốn ngoại sẽ chững lại hoặc thậm chí là rút ra càng trở nên lớn hơn.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *