Chứng Khoán 05/03/2014 17:08

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ế ẩm

FICA - Nhà đầu tư cá nhân không mặn mà với các đợt IPO do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này kém khả quan cũng như lo ngại thời gian sẽ chính thức niêm yết.

Ảnh: Vietstock


Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang được các đơn vị chủ quản đẩy nhanh nhằm mục tiêu hoàn tất cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014 và 2015. Từ đầu năm 2014 đến nay có 7 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu tiên ra công chúng (IPO).

Dự kiến, trong tháng 3/2014, 8 doanh nghiệp nữa sẽ thực hiện IPO. Phần lớn các doanh nghiệp này thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nơi Bộ trưởng Đinh La Thăng có những thông điệp mạnh mẽ về việc cách chức lãnh đạo các doanh nghiệp chậm trễ cổ phần hóa.

Trong 7 doanh nghiệp đã thực hiện IPO, chỉ có 2 doanh nghiệp bán hết lượng cổ phần đăng ký đấu giá. Cụ thể, công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội, đơn vị quản lý 3 bến xe lớn nhất thành phố là bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình và Gia Lâm bán toàn bộ gần 2 triệu cổ phiếu IPO. Giá đấu thầu thành công bình quân đạt 17.347 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều với giá khởi điểm là 10.200 đồng/cổ phần.

Công ty TNHH MTV Ô tô 1-5 cũng bán hết toàn bộ 3,4 triệu cổ phần trong đợt IPO với giá bán bằng giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đây chỉ là hai doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ lần lượt là 95 và 97,5 tỷ đồng. Số lượng nhà đầu tư trúng thầu ít với 7 nhà đầu tư mua cổ phần bến xe Hà Nội và 4 nhà đầu mua cổ phần Ô tô 1-5. Trong khi đó, tại 5 doanh nghiệp còn lại, các đợt IPO chỉ bán được lượng nhỏ cổ phần.

Trong số này, đáng chú ý nhất Tổng công ty Viglacera và Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen).

Viglacera có vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, hiện là nhà sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất cả nước. Trong đợt IPO giữa tháng 2, Viglacera chào bán 25% cổ phần ra công chúng, với khối lượng chào bán gần 77 triệu đơn vị. Lượng cổ phần được các nhà đầu tư mua là gần 19,5 triệu đơn vị, bằng 25% cổ phần mang ra đấu giá.

Thê thảm hơn, trong phiên đấu thầu sáng nay, Viwaseen chỉ bán được hơn 945 nghìn cổ phần trên tổng số 22,48 triệu cổ phần IPO. Tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt hơn 4%. Trong cả 2 đợt đấu thầu này, giá trúng thầu bình quân gần như bằng giá khởi điểm.

Đối với 3 doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH MTV Vật tư, vận tải và xếp dỡ - Vinacomin; Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng và Công ty TNHH MTV Cơ khí Ngô Gia Tự, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 12%, 13% và 23% dù khối lượng chào bán chỉ vài triệu đơn vị.

Chia sẻ với Fica.vn, một nhà đầu tư cá nhân lâu năm cho biết không quan tâm nhiều tới đợt IPO của các doanh nghiệp này. Lý do là kết quả kinh doanh các doanh nghiệp này không thực sự tốt và lo ngại thời gian thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Soi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này, như Viglacera, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm từ 431 tỷ đồng năm 2010 xuống 141 tỷ đồng năm 2011 và chỉ còn 42 tỷ đồng cho năm 2013. Với vốn điều lệ 3.070 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận tương đối khiêm tốn.  Hay như Viwaseen, với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2012 chỉ đạt 16 tỷ đồng.

Một chuyên viên môi giới chứng khoán cho biết thêm, ngoài yếu tố kết quả kinh doanh kém khả quan, thì việc chỉ chào bán một lượng nhỏ cổ phần ra công chúng và không rõ thời gian niêm yết cũng khiến nhà đầu tư cân nhắc.

"Với lượng nhỏ cổ phiếu IPO, cổ đông Nhà nước vẫn gần như nắm toàn quyền chi phối và khối lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp. Đồng thời, thời gian thực hiện niêm yết cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nhiều doanh nghiệp lớn đã thực hiện IPO nhiều năm nhưng hiện vẫn chưa rõ thời điểm niêm yết như Sabeco, Petrolimex, Habeco...", chuyên viên môi giới này nói.

Lam Thanh

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *