Bất động sản 06/01/2014 16:14

Tranh chấp nổ ra tại Tòa nhà MIPEC

Là một đồng sở hữu, nhưng theo CTCP Đầu tư FIT, đơn vị này không được thương thảo phí quản lý khu văn phòng tại Tòa nhà MIPEC, 292 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Tranh chấp phát sinh suốt 2 năm trời, nhưng thế chủ động lại đang thuộc về “người không sở hữu”, vì bất động sản là thứ không thể… bê đi.

 

Phí quản lý 5 USD hay 2 USD?

Theo thông tin từ FIT, từ cuối năm 2011, Công ty đã ký hợp đồng mua lại một phần diện tích văn phòng tại tầng 15, Tòa nhà MIPEC từ CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC). Đầu năm 2012, FIT chuyển văn phòng về đây. Là một đồng sở hữu diện tích văn phòng tại tòa nhà, nhưng FIT bức xúc vì mức phí quản lý cao ngất ngưởng.

Đầu năm 2012, khi FIT chuyển về đây, Công ty MIPEC-M, đơn vị quản lý tòa nhà do chủ đầu tư là CTCP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) chỉ định, yêu cầu mức phí 125.000 đồng/m2 diện tích văn phòng cho thuê.Đáng nói là, diện tích được tính phí quản lý bao gồm toàn bộ mặt bằng tầng 15, chỉ trừ diện tích thang máy.

“Thu phí quản lý cho tất cả diện tích một sàn, nhưng dịch vụ mà MIPEC-M cung cấp không đạt chất lượng. Chúng tôi phải tự thuê người dọn dẹp, bỏ chi phí vận hành khu vệ sinh của tầng 15. Đơn vị quản lý chỉ cung cấp dịch vụ điện, nước, điều hòa cho tòa nhà”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tổng giám đốc FIT nói.

Dù là đơn vị sở hữu một phần tòa nhà MIPEC, nhưng FIT tố bị đơn vị quản lý tòa nhà xử ép

Sau lần khiếu nại đầu tiên, mức phí vận hành văn phòng của FIT được giảm từ 125.000 đồng/m2 về 100.000 đồng/m2, nhưng FIT cho rằng như vậy vẫn không hợp lý.

“Chúng tôi đã tính toán rất kỹ, tham khảo đủ các nơi và thấy rằng, với mức phí 50.000 đồng/m2 thì công ty quản lý tòa nhà đã có lãi rồi. MIPEC-M có 2 lựa chọn: một là chấp nhận mức thu phí 50.000 đồng/m2 và FIT sẽ thanh toán ngay lập tức. Hai là các bên thỏa thuận, MIPEC-M công khai thu chi tòa nhà và các bên thỏa thuận biên lợi nhuận hợp lý. Tuy nhiên, cả 2 hướng này, MIPEC-M đều không chịu và nhất định áp đặt mức phí, dù chúng tôi cũng là đồng chủ sở hữu tòa nhà này”, bà Nguyệt cho biết và nói thêm, trước khi mua lại diện tích văn phòng tại tầng 15, FIT có trao đổi với các bên và nhận được lời hứa miệng rằng, phí quản lý chỉ khoảng 1,5 USD/m2, cùng lắm là 2 USD/m2.

“Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ được mức phí trên trời này, bởi chúng tôi đều là những người chuyên đi đầu tư, sẽ không bao giờ chấp nhận bỏ ra số tiền vài chục tỷ đồng mua một phần tòa nhà để nhận mức phí quản lý trên trời đó”, bà Nguyệt nói.

Cuộc chiến đơn phương từ FIT

Tòa nhà MIPEC tại 292 Tây Sơn, Hà Nội hiện nay về cơ bản đã được bán cho các bên, trong đó nhiều tầng được bán cho các đơn vị thuộc Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex) như: Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (tầng 23, 24); Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (tầng 21, 22), Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (tầng 18), Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex (tầng 19), Tổng công ty Gas Petrolimex (tầng 20), Công ty TNHH MTV Tài chính TKV (tầng 10)…

Mỗi sàn 1.200 m2, mức phí quản lý mà các bên phải trả cho mỗi tầng lên tới 120 triệu đồng/tháng, tương đương 1,4 tỷ đồng/năm.

Tính khấu hao, chi phí vốn từ giá mua, cộng thêm phí dịch vụ, mỗi m2 văn phòng tại MIPEC có chi phí tương đương trên 25 USD/m2/tháng, cao hơn quá nhiều so với việc bỏ tiền đi thuê văn phòng tại các tòa nhà lân cận như Parkson. Đây là con số vô lý mà các đồng sở hữu phải trả, trong đó, theo FIT, vô lý nhất chính là mức phí quá cao, không có sự đàm phán của các bên.

“Thế nhưng, lạ một điều là, khi chúng tôi gửi công văn cho các bên, họ đều từ chối tham gia đàm phán lại với đơn vị quản lý tòa nhà, dù không ít người đã nói với tôi rằng, mức phí quản lý hiện nay đúng là trên trời. Không lẽ, các đơn vị này đều là DNNN nên không cảm thấy xót, khi nếu đấu tranh về mức hợp lý hơn, họ thậm chí có thể tiết kiệm được xấp xỉ 1,4 tỷ đồng/năm phí quản lý?”, đại diện FIT đặt câu hỏi.

Phớt lờ vai trò đồng sở hữu?

Với mâu thuẫn chưa được giải quyết xung quanh mức phí quản lý văn phòng, từ ngày 2/1/2014, tầng 15 bị cắt toàn bộ dịch vụ điều hòa.

Thông tin từ FIT cho hay, trước kia, MIPEC-M thường làm việc trực tiếp với FIT xung quanh mức phí, nhưng nay, lấy lý do không biết FIT là ai, chỉ biết MIC là đơn vị ký hợp đồng mua bán diện tích văn phòng tầng 15 với MIPEC, nên MIPEC-M gửi thông báo đến MIC về việc cắt dịch vụ điều hòa. “Chúng tôi và Công ty Tài chính TKV cùng ký hợp đồng mua lại của MIC, song Tài chính TKV mua lại tầng 10, thì được coi là chủ sở hữu tầng đó, còn FIT lại không được chủ đầu tư chấp nhận. Không lẽ, vì không phải là DNNN, vì bất đồng mức phí mà chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà phớt lờ vai trò làm chủ một phần tòa nhà của FIT?”, bà Nguyệt nói.

Trong khi đó, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Trung Dũng, Phó tổng giám đốc MIPEC-M cho biết: “Chúng tôi không rõ FIT là đơn vị thuê hay mua lại văn phòng từ MIC, vì chủ đầu tư ký hợp đồng bán diện tích văn phòng với MIC, và mới chỉ có MIC cho biết bán lại diện tích văn phòng này cho FIT, chứ FIT chưa chứng minh được đầy đủ hồ sơ mình là chủ sở hữu diện tích văn phòng này (!). Vì thế, việc cắt dịch vụ, chúng tôi gửi văn bản cho MIC. FIT phải tự thỏa huận với MIC” , ông Dũng nói.

Về việc cắt dịch vụ điều hòa, MIPEC-M cho rằng, do FIT đã về đây 2 năm rồi mà chưa thanh toán tiền phí quản lý, nên lẽ đương nhiên, MIPEC-M phải cắt dịch vụ.

“Chúng tôi hiện chỉ yêu cầu phía MIC tạm ứng 80% mức phí, nhưng do MIC chưa thanh toán, nên chúng tôi cắt dịch vụ”, ông Dũng cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, căn cứ nào để MIPEC-M là đơn vị quản lý tòa nhà, và căn cứ tài chính nào cho mức phí đưa ra, ông Dũng cho hay: “MIPEC-M được MIPEC chỉ định là đơn vị quản lý tòa nhà và chúng tôi có đủ năng lực để thực hiện việc này. Về mức phí quản lý, mỗi bên có một lý do riêng để đưa ra và đây là kết quả tính toán của các phòng, ban, MIPEC-M chỉ thực hiện và không thể công khai sổ sách”.

Như vậy, tại Tòa nhà văn phòng MIPEC, chủ đầu tư, đơn vị không phải là chủ sở hữu lớn nhất hay độc quyền tại tòa nhà lại có quyền quyết định đơn vị quản lý tòa nhà. Đồng thời, mức phí quản lý cũng không được quyết định, đàm phán bởi các đồng chủ sở hữu, mà do bên cung cấp dịch vụ áp đặt. Vậy, quyền lợi của bên mua diện tích văn phòng tại tòa nhà MIPEC được đảm bảo bằng gì?

“Vì đây là bất động sản, nên chúng tôi không thể bê đi nơi khác, hay tự ý vận hành riêng được. Nhưng rõ ràng, hành động chèn ép quá đáng của MIPEC-M là không chấp nhận được, phớt lờ vai trò làm chủ của chúng tôi”, bà Nguyệt nói.

Theo Uyên Phạm

ĐTCK

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *