Chứng Khoán 17/01/2014 20:39

Chuyện đầu năm với người "buôn chứng"

Năm 2013, lợi nhuận anh Hiệp thu được chỉ tương đương nửa cái ô tô. Nhưng từ ngày 3-7/1/2014, anh đã kiếm đủ để sắm Tết.



Nhiều đầu tư chuyên nghiệp lâu nay không còn lang thang ra các sàn giao dịch. Bởi họ không chỉ nhìn vào những con số nhảy múa trên bảng điện tử mà điểm tựa cho quyết định đầu tư quan trọng hơn là cơ sở dữ liệu đính kèm với mỗi mã chứng khoán. Từ diễn biến kinh tế vĩ mô, triển vọng ngành đến các chỉ số tài chính của DN được tổng hợp, chắt lọc và phân tích liên tục.

Những cám cảnh, những rầu rầu vì túi tiền vơi bớt trên khuôn mặt nhà đầu tư chứng khoán chỉ còn là chuyện của những năm trước.

Trên “sàn” của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) những ngày đầu năm mới 2014, nét rạng rỡ đã xuất hiện trên hầu hết khuôn mặt của nhiều người “buôn chứng” kỳ cựu. Giữa nhấp nhổm các mã chứng khoán nháy xanh và đỏ trên bảng điện tử, thứ màu sắc của cây cỏ đang chi phối. Quãng 2 tuần đầu năm vừa qua, nhiều kỷ lục đạt được trong một năm 2013 tương đối khởi sắc với chứng khoán đã lần lượt bị phá vỡ.

Đặng Đình Hiệp - nhà đầu tư chuyên nghiệp được bạn bè gọi đùa là thành viên hiệp hội sản xuất ô tô vui vẻ cho biết, năm 2013, lợi nhuận anh thu được chỉ tương đương nửa cái ô tô. Nhưng từ ngày 3-7/1/2014, anh đã kiếm đủ để sắm Tết. Nhiều mã chứng khoán khác trong danh mục đầu tư của anh Hiệp cũng đang sẵn sàng chờ bán để mua tivi, máy tính và Ipad mới. Kế hoạch kinh doanh năm 2014 đã được nhà đầu tư này vạch sẵn, với kỳ vọng thị trường tốt hơn, khởi sắc hơn, như cách anh nhìn nhận.

Điểm tựa cho sự tự tin này đã được Đặng Đình Hiệp phân tích bằng kinh nghiệm của một người 20 năm làm trong ngành tài chính - ngân hàng. Những tín hiệu tốt, theo anh, có thể nhìn thấy mọi nơi: từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ về lại mức như trước cuộc khủng hoảng diễn ra 5 năm nay; nền kinh tế Việt Nam có những gam màu hồng mới từ nông nghiệp, xuất khẩu; hay chính sách tài khóa và tiền tệ đang trở thành bệ đỡ phát triển kinh tế…

So với kênh đầu tư khác, chứng khoán cũng có phần ưu thế. Điểm trú ẩn an toàn của lạm phát lâu nay là vàng đang lỗi thời. Trên phân tích kỹ thuật, vàng vẫn đang nằm trong xu hướng giảm điểm ngắn và trung hạn. Nhìn về dài hạn, xu hướng tăng của vàng kéo dài hơn một thập kỷ qua có dấu hiệu chấm dứt và vàng đang bước vào giai đoạn giảm nhiều hơn.

Ngân hàng Goldman Sachs mới đây còn dự báo, giá vàng sẽ khó giữ như hiện nay mà có thể giảm về mức 1.050 USD/oz vào cuối năm 2014, tương đương mức giảm 16% so với hiện tại. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND vẫn sẽ được duy trì ổn định trong năm 2014, theo NHNN thì ngưỡng điều chỉnh chỉ trong biên độ 2%. Điều này khiến giá vàng tính theo tiền đồng không có khả năng tăng đột biến trong năm.

Với bất động sản, những làn sóng mới, dù có thể xảy ra, e rằng khó làm rung chuyển thị trường, khi hàng tồn kho vẫn đầy rẫy và thu nhập người dân chưa có dấu hiệu thay đổi đột biến… Cũng bởi vậy, cơ cấu đầu tư của Đặng Đình Hiệp chỉ có cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và tiền gửi ngân hàng dài hạn.

Anh bảo, trước đây có cả trái phiếu DN nhưng giờ loại đó rủi ro nên anh chuyển khoản đầu tư này sang tiền gửi tiết kiệm, vừa có lãi lại không chịu thuế thu nhập cá nhân. Theo anh Hiệp, khoản này nên ở mức 30% năng lực đầu tư là phù hợp. Phần còn lại, anh chia nhiều hơn cho cổ phiếu.

Những nhà đầu tư chuyên nghiệp như anh Hiệp lâu nay không còn lang thang ra các sàn giao dịch. Bởi họ không chỉ nhìn vào những con số nhảy múa trên bảng điện tử mà điểm tựa cho quyết định đầu tư quan trọng hơn là cơ sở dữ liệu đính kèm với mỗi mã chứng khoán. Từ diễn biến kinh tế vĩ mô, triển vọng ngành đến các chỉ số tài chính của DN được tổng hợp, chắt lọc và phân tích liên tục.

Ví như thị trường chứng khoán năm 2013, “nửa cái ô tô” của anh Hiệp được hình thành từ khi nhìn thấy xu hướng tăng của thị trường chứng khoán vào tháng 8...

Với một nhà đầu tư, quan trọng hơn là phải lựa chọn một cơ cấu đầu tư hợp lý và tối ưu hóa vòng quay vốn, anh Hiệp tâm sự.

“Các nhà đầu tư nước ngoài nhiều vốn, họ có thể đầu tư VNM và FPT… nhưng với nhà đầu tư nội ít tiền thì không nên tham chiến vào những cổ phiếu này mà chọn các cổ phiếu nhỏ”, anh Hiệp chia sẻ. Ví như với SHB, mua cổ phiếu dài hạn thì cổ tức cũng được 8%/năm, nhưng nếu cùng thời gian đầu tư mà linh hoạt mua đi bán lại thì ngoài 8% cổ tức còn thêm phần lãi từ chênh lệch giá.

“Để tránh rủi ro, không nên chờ mua đáy bán đỉnh mà chỉ cần chênh lệch nhỏ 500 - 600 đồng/cổ phiếu là có thể chốt lời và thay đổi danh mục đầu tư”, anh Hiệp tâm sự.

 

Theo Xuân Tiên

Thời báo ngân hàng

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *