Chứng Khoán 24/02/2014 13:56

Chứng khoán Việt Nam “lọt thỏm” trong khu vực

FICA - Trong khi giá trị giao dịch trung bình trên TTCK Việt Nam chỉ mới đạt 88 triệu USD/ngày thì Thái Lan là 1,5 tỷ USD/ngày, Malaysia là 623 triệu USD/ngày, Indonesia là 528 triệu USD/ngày và Philippines là 426 triệu USD/ngày.

Sở GDCK TPHCM (HoSE).
Sở GDCK TPHCM (HoSE).
 
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khép lại năm 2013 với những diễn biến đầy khả quan và hy vọng. Chỉ số VN-Index tăng 23%, HNX-Index tăng 19% so với cuối năm 2012. TTCK Việt Nam được đánh giá là có mức tăng cao so với các thị trường trên thế giới, lọt Top 10 nước có mức phục hồi mạnh nhất trên thế giới.
 
Mức vốn hóa vào khoảng 964.000 tỷ đồng (tăng 199.000 tỷ đồng so với 2012) và tương đương với 31% GDP.
 
Thế nhưng, theo nhận định của ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) tại Hội nghị Phát triển thị trường chứng khoán năm 2014 thì hiện này, TTCK Việt Nam cần đáp ứng những yêu cầu cao hơn trong một giai đoạn phát triển cao hơn. 
 
Điểm lại TTCK Việt Nam trong 1 năm qua, ông Sinh cho biết, giá trị giao dịch trung bình chỉ 88 triệu USD/ngày, trong lúc Thái Lan là 1,5 tỷ USD/ngày, Malaysia là 623 triệu USD/ngày, Indonesia là 528 triệu USD/ngày, Philippines là 426 triệu USD/ngày.
 
“Rõ ràng, muốn nói gì thì nói, thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn rất bé. Chúng tôi vẫn thường dự họp với các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là khối ASEAN, thấy rằng, Thái Lan hơn mình 8 lần, Indonesia hơn 8 lần, Philippines hơn 6 lần…”, ông Sinh nhận xét.
 
Quy mô thị trường của Việt Nam nhỏ đối với các nhà đầu tư quốc tế. Giá trị vốn hóa của thị trường Việt Nam tại ở cả hai Sở GDCK TPHCM và HN là 45 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với các TTCK trong khu vực như Thái Lan 460 tỷ USD, Indonesia 427 tỷ USD, Philippines 186 tỷ USD (theo Bloomberg cuối năm 2012).
 
Các công ty lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm hiện tại cũng chưa có vốn hóa vượt quá 5 tỷ USD so với vốn hóa của các công ty trong khu vực vào khoảng 30 tỷ USD. Số lượng các công ty có vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD niêm yết tại HoSE là 8 công ty trong khi Thái Lan có 23 công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD và giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trên 10 triệu USD.
 
Theo nhìn nhận của lãnh đạo HoSE, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa nhỏ vừa đơn điệu, chưa có một sản phẩm gì. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan là hiện nay Chính phủ đã thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và đã coi trọng hơn nhiều vai trò của TTCK trong cung ứng vốn cho nền kinh tế. Do vậy, thị trường vẫn có thể kỳ vọng rằng trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ có một TTCK lớn hơn. 
 
(Ảnh : Bích Diệp).
(Ảnh : Bích Diệp).
 
TTCK Việt Nam vừa thiếu hấp dẫn, vừa hấp thụ hạn chế vốn nước ngoài
 
Điểm thiệt thòi cho TTCK Việt Nam, theo ông Sinh đó là vẫn đang nằm ở khu vực thị trường biên chứ không phải thị trường mới nổi. 
 
Giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 49% hoặc 30% đối với ngân hàng cộng với việc tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp càng làm thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. 
 
Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trung bình của các cổ phiếu trên HoSE theo số liệu tháng 6/2013 là 44,6%. Đặc biệt, có 3 doanh nghiệp lớn trên Sở tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng dưới 10% là VCB, CTG và BVH và 3 doanh nghiệp khác, trong đó có doanh nghiệp lớn là GAS tỷ lệ dưới 5%. Với mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp là trung bình 24%, nhà đầu tư nước ngoài không còn nhiều “room” để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
 
Ông Sinh lấy ví dụ, ở rổ chỉ số VN30, trong tổng giá trị vốn hóa của VN30 cuối tháng 11/2013 là 590.000 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu tự do chuyển nhượng là 194.000 tỷ đồng, tức 33% nhưng giá trị cổ phiếu còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài dựa trên hạn chế sở hữu nước ngoài chỉ còn 64.000 tỷ, hay 3 tỷ USD – tức 11%. 
 
Hiện tại đang có 2 quỹ ETF nước ngoài đầu tư theo cổ phiếu Việt Nam là DB x-tracker Vietnam và Market Vectors Vietnam, giá trị tài sản quỹ quản lý là gần 800 triệu USD, tương đương 26% giá trị mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu vào VN30.
 
Chỉ riêng hai tổ chức này đã chiếm năng 1/4 khả năng đầu tư mới, phản ánh quy mô hạn hẹp còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập hay tăng sở hữu trên thị trường.
 
Bên cạnh quy mô hạn hẹp, thanh khoản trên thị trường cũng thấp, dẫn đến quá trình hình thành giá dễ bị ảnh hưởng nếu có những giao dịch lớn xảy ra. 
 
Với quy mô thị trường của Việt Nam, theo tính toán của các nhà giao dịch quốc tế, họ chỉ có thể đặt lệnh với quy mô khoảng 5 triệu USD/ngày (hay 100 tỷ VND) để không làm giá cả trên thị trường biến động.
 
Như vậy, với quy mô và thanh khoản trên thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa thiếu hấp dẫn, vừa chưa đủ khả năng hấp thụ mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
 
Theo kinh nghiệm của các Sở GDCK trong khu vực, các tổ chức đầu quốc tế lớn chỉ quan tâm của thị trường và đầu tư khi thị trường có quy mô vốn hóa đủ lớn và giá trị giao dịch trung bình ngày từ 1 tỷ USD trở lên. Có lẽ thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ cần một quãng thời gian dài để đạt tới ngưỡng đầu tư đó.
 
Mai Chi
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *