Chứng Khoán 03/02/2020 13:42

“Chứng khoán Việt Nam vẫn dẫn đầu khu vực trong năm 2019”

Kết thúc năm 2019, TTCK Việt Nam vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng chỉ số trong khu vực Đông Nam Á với VN-Index đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với cuối năm 2018, cao hơn các nước trong khu vực như: Singapore (+5,0%), Malaysia (-6%), Thái Lan (+1%), Indonesia (+1,7%).

Vốn hoá thị trường vượt 4 tỷ USD

Sáng nay (3/2/2020 - tức mùng 10 tháng Giêng năm Canh Tý), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức buổi Lễ đánh cồng đầu Xuân Canh Tý 2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE).

Đây là một trong những hoạt động thường niên của HOSE, đồng thời cũng là dịp các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ viên chức trong ngành chứng khoán, các thành viên thị trường gặp gỡ và cùng nhau thể hiện quyết tâm xây dựng Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển hơn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Nghi thức đánh cồng đầu xuân Canh Tý 2020 tại Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh

Năm 2019, sự bất ổn của các nền kinh tế thế giới, các xung đột thương mại và địa chính trị gia tăng đã làm giảm lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh, từ đó tác động không thuận lợi đối với thị trường chứng khoán trong khu vực và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu sụt giảm 29% so với năm 2018, tình hình đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn cũng có xu hướng chững lại. Mặc dù vậy, với những thông tin tích cực từ nền kinh tế vĩ mô trong nước, TTCK Việt Nam trong năm 2019 vẫn duy trì sự tăng trưởng trên nhiều khía cạnh và vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Kết thúc năm 2019, TTCK Việt Nam vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng chỉ số trong khu vực Đông Nam Á với VN-Index đạt 960,99 điểm, tăng 7,7% so với cuối năm 2018, cao hơn các nước trong khu vực như: Singapore (+5,0%), Malaysia (-6%), Thái Lan (+1%), Indonesia (+1,7%).

Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4,38 triệu tỷ đồng (tương đương gần 188,72 tỷ USD), tăng 10,7% so với cuối năm 2018, bằng 79,2% GDP năm 2018 và 72,6% GDP dự tính năm 2019.

Trong đó, giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu trên HOSE đạt 3,28 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 54,3% GDP ước tính 2019 và tăng 14,05% so với cuối năm 2018. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ ổn định ở mức 16% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường và mua ròng ở mức 5.532 tỷ đồng cổ phiếu, thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng NĐTNN đối với TTCK Việt Nam.

Năm 2020 được dự báo là một năm sôi động với các sự kiện quan trọng của ngành chứng khoán. Luật chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào 1/1/2021 là bước ngoặt trong việc hoàn thiện các khung khổ pháp lý góp phần nâng cao chất lượng thị trường.

Hệ thống công nghệ thông tin thế hệ mới, đồng bộ, tích hợp cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam do Sở GDCK TP.HCM làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành và vận hành nhằm góp phần hiện đại hóa nền tảng hạ tầng công nghệ, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận hơn với các chuẩn mực và thông lệ tốt trên thế giới.

Năm nhiệm vụ trọng tâm phát triển TTCK trong năm 2020

Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển TTCK VN trong năm 2020:

(1) hoàn thành xây dựng các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) đúng tiến độ nhằm tạo môi trường tốt nhất, minh bạch nhất cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn, tạo điều kiện công bằng và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán;

(2) tập trung tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán, trình Chính phủ thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại hai Sở GDCK hiện tại để phát huy hiệu quả hơn hoạt động của Sở GDCK, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới đồng bộ vào vận hành theo đúng tiến độ để phục vụ tốt hơn nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư;

(3) hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch nhằm tăng cường phát triển quy mô và chất lượng TTCK Việt Nam, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để áp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và công chúng đầu tư;

(4) triển khai các giải pháp nâng hạng Thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “Thị trường cận biên” lên hạng “Thị trường mới nổi” trên bảng xếp hạng của tổ chức về xếp hạng thị trường (MSCI và FTSE); xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam;

(5) tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật thị trường, tạo dựng lòng tin cho công chúng đầu tư, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.

Với sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, HOSE cùng các đơn vị trong ngành chứng khoán đã thể hiện quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời góp phần xây dựng TP. HCM thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *