Chứng Khoán 23/07/2014 15:55

Chứng khoán Trung Quốc rẻ vẫn bị nhà đầu tư quay lưng

FICA - Vài tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như đang ấm lại sau thời gian dài trồi sụt.

Dù vậy, theo các nhà phân tích uy tín, rủi ro trong nền kinh tế nước này còn đáng ngại, với thị trường bất động sản đi xuống và nợ xấu tăng nhanh.

Phiên giao dịch ngày 22/7, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong đã có một phiên tăng mạnh mẽ nhất trong vòng 4 tháng qua, nhờ tin đồn về khả năng Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc bị xem tiềm ẩn nhiều rủi ro
Thị trường chứng khoán Trung Quốc bị xem tiềm ẩn nhiều rủi ro

Cổ phiếu của một loạt tập đoàn lớn như PetroChina và China Petroleum & Chemical, các hãng lọc dầu lớn nhất nước này, đều tăng ít nhất 3%. Cổ phiếu của Aluminum Corp. of China Ltd. Tăng tới 7,4% sau khi giá nhôm đạt đỉnh cao 16 tháng.

Những diễn biến thuận lợi đã đẩy chỉ số Hang Seng các doanh nghiệp Trung Quốc (HSCEI), hay còn gọi là chỉ số H-share, tăng 2,4%, lên 10.605,22 điểm trước khi đóng cửa.

Đà tăng mạnh của thị trường xuất hiện sau khi có tin chính phủ Trung Quốc đã cho ngân hàng phát triển nước này vay 1000 tỷ nhân dân tệ (161 tỷ USD), để tài trợ cho chương trình mua nhà giá rẻ. Đây được nhận định là những động thái báo hiệu sự nới lỏng chính sách đối với thị trường bất động sản của chính phủ nước này.

Tuy nhiên, theo chuyên gia David Cui, người đứng đầu bộ phận thị trường chứng khoán Trung Quốc tại ngân hàng Bank of America-Merrill Lynch, các nhà đầu tư đang làm ngơ trước nhiều rủi ro trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Mọi người đang phớt rất nhiều rủi ro của Trung Quốc”, ông Cui trả lời kênh CNBC. “Hãy nhìn xem điều gì đang xảy ra với thị trường bất động sản, hãy để ý xem nợ xấu đang tăng nhanh ra sao trong khắp hệ thống tài chính”.

Theo chuyên gia này, HSCEI, vốn đã giảm khoảng 2,5% trong năm nay, sẽ còn sụt xuống 9600 điểm vào cuối năm.

Gánh nặng nợ nần

Tỷ lệ nợ cao trong nền kinh tế Trung Quốc đã là mối quan ngại chính của các nhà đầu tư trong nhiều năm qua, nên bất kỳ sự gia tăng vay mượn nào đều sẽ làm tăng rủi ro bong bóng bất động sản cũng như sự dư thừa công suất của nhiều ngành kinh tế.

Giá nhà đất tại Trung Quốc đã tăng với tốc độ hai con số suốt hầu hết năm 2013, nhưng đã giảm tốc vào cuối năm do các biện pháp kiểm soát của chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Điều này làm nảy sinh lo ngại rằng, việc giảm tốc quá nhanh có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế nói chung, do lĩnh vững bất động sản đóng góp tới khoảng 20% GDP.

Chuyên gia David Cui
Chuyên gia David Cui

Hồi tuần trước, một công ty ít danh tiếng có tên Huatong Road & Bridge Group đã cảnh báo họ có thể không trả được nợ, có khả năng trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc công khai việc không thể thanh toán cả gốc và lãi cho trái phiếu đã phát hành.

“Sẽ có một đợt phá sản như tuyết lở xuất hiện trong hệ thống này. Đây mới chỉ là sự khởi đầu”, ông Cui cảnh báo. “Vấn đề chính yếu lúc này đó là sự dư thừa công suất hệ thống và sử dụng đòn bẩy quá mức. Do đó khi hai yếu tố này kết hợp lại, phá sản là hầu như không thể tránh khỏi”.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, Bắc Kinh đang thay đổi chính sách, chuyển từ kích thích kinh tế trên diện rộng sang kích thích có chọn lọc để không khuyến khích sự dư thừa năng suất. Dù vậy, ông Cui cho biết chính quyền các địa phương vẫn triển khai “những dự án hoành tráng kém hiệu quả như thường lệ”, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5% của năm nay.

“Mọi chuyện đã trở nên tồi tệ, đến mức có lẽ cần phải có một cuộc khủng hoảng tài chính để dọn sạch những thứ xấu ra khỏi hệ thống”, Cui nói, và cho biết ông tin chính phủ cần xóa nợ xấu, yêu cầu các ngân hàng tăng vốn để ổn định hệ thống tài chính, và giảm sự dư thừa công suất trong toàn nền kinh tế.

Ở một góc nhìn khác, nhiều nhà phân tích của các quỹ đầu tư thị trường mới nổi lại đang háo hức đổ tiền vào Trung Quốc. Hồi tháng trước, ngân hàng Societe Generale cho rằng chứng khoán Trung Quốc đang rẻ, còn Citigroup tuyên bố Trung Quốc là “thị trường trọng điểm” trong chiến lược thị trường mới nổi của mình.

“Mọi người đều chỉ đang nhìn sự việc một cách không đầy đủ”, chuyên gia Cui quả quyết. “Rủi ro vẫn đang không ngừng tăng, và đến thời điểm nào đó, họ sẽ thay đổi tâm lý”.

Thanh Tùng
Theo CNBC
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *