Chứng Khoán 05/09/2014 08:44

Chứng khoán quá lạc quan về triển vọng vĩ mô?

FICA - Các báo cáo vĩ mô của những tổ chức uy tín trên thế giới về Việt Nam mặc dù ghi nhận sự phục hồi song cải thiện về căn bản vẫn còn khá mờ nhạt.

Sau khi chỉ số PMI của ngành sản xuất được HSBC công bố giảm tháng thứ 4 liên tiếp về 50,3 điểm thì một số chỉ tiêu khác đo lường sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cũng đã được các tổ chức đánh giá uy tín trên thế giới đưa ra.

Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF), Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, từ hạng 70 lên 68 nhờ một loạt các yếu tố như vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, quyền sở hữu tài sản được tăng cường, tham nhũng giảm, cơ sở hạ tầng về giao thông và năng lượng có cải thiện. 

Đặc biệt, trong bộ chỉ tiêu, trừ quy mô thị trường, Việt Nam xếp cao nhất (hạng 49) về hiệu quả thị trường lao động, chủ yếu lực lượng lao động trẻ có khả năng thích nghi nhanh với sự thay đổi về môi trường làm việc. 

Điểm thất vọng là báo cáo của WEF cho rằng hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện còn khá yếu ớt, một điều hết sức thực tế trong bối cảnh nợ xấu chưa được công bố đầy đủ và tăng trưởng tín dụng còn chậm chạp như hiện nay. 

Tương tự, yếu tố công nghệ vẫn chưa được chú trọng và hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở tầng đáy của chuỗi giá trị khiến chỉ số đổi mới công nghệ lùi 11 bậc so với năm trước. 

Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt, điều này sẽ trở thành “gót chân Asin” của Việt Nam khi tham gia vào các khối thương mại toàn cầu như TPP và các hiệp định FTA trước khi các hiệp định này có thể tạo ra sự dịch chuyển về công nghệ cho Việt Nam. Nhìn chung, việc nâng hạng về năng lực cạnh tranh cho thấy sự cải thiện nhưng mức độ cải thiện chưa thực sự đột phá. "Dù gì đi nữa, vĩ mô ổn định đang là nền tảng để Việt Nam thực hiện các bước đi tiếp theo".

Một báo cáo trước đó của tổ chức tư vấn Ernst & Young (“Các thị trường tăng trưởng nhanh” quý II năm 2014) cũng đưa ra một số luận điểm quan trọng về bức tranh vĩ mô của Việt Nam. 

Một mặt, tăng trưởng GDP cho năm 2014 được dự báo ở mức 5,6%, thấp hơn mục tiêu 5,8% của Chính phủ, đồng thời, dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 cũng được giảm từ 6,4% xuống 6% do mối lo ngại về căng thẳng chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc và sự sụt giảm về thương mại giữa các nước châu Á nói chung. Mặt khác, tổ chức này giữ nguyên dự báo 6-7% cho giai đoạn 2016-2017 trên cơ sở dự báo dòng vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt.

Đặc biệt, EY cũng nhấn mạnh khả năng TPP được ký kết và sự chuyển dịch về cơ cấu sản xuất đang diễn ra của khối doanh nghiệp FDI sang những khâu có giá trị gia tăng cao hơn. Cũng như báo cáo của WEF, EY nhắc đến việc tín dụng chậm mở rộng như trong một rủi ro chính của Việt Nam cùng với tiến độ cải tổ nhằm thu nhỏ quy mô các DNNN. Dù vậy, việc Việt Nam giảm từ vị trí thứ 4 trong số các nền thị trường rủi ro cao xuống vị trí thứ 11 cũng là dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế.

Có thể nhận thấy điểm chung của các báo cáo trên là đều chỉ ra sự một gam màu sáng hơn trong bức tranh tổng thể của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sự cải thiện về căn bản theo Rồng Việt vẫn còn khá nhạt. Như vậy, khoảng cách giữa những dự báo dài hạn về triển vọng nền kinh tế và những kỳ vọng ngắn hạn đã đưa VN-Index liên tục chinh phục các mức đỉnh lịch sử như 610, 630 hay 640 có vẻ như hơi quá lạc quan.

  

Mai Chi
Theo VDSC

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *