Chứng Khoán 28/08/2014 16:44

Các "ông lớn" VNPT, SCIC đứng sau hàng loạt thỏa thuận "khủng" trên TTCK 28/8?

FICA - Các giao dịch này có quy mô lớn, nhiều khả năng bên bán là VNPT và SCIC song chưa rõ bên mua nào đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các thỏa thuận trên.

Phiên giao dịch ngày 28/8 khép lại với việc nối lại đà tăng của thị trường. Chỉ số VN-Index sau phiên giảm nhẹ hôm qua đã tiếp tục tăng thêm 3,26 điểm tương ứng 0,52% lên 632,03 điểm. Số mã tăng đạt 135 mã, gần gấp đôi số mã giảm. 

Đáng chú ý, việc VN30-Index chỉ tăng 1,06 điểm tương ứng 0,16% cho thấy, động lực tăng điểm của thị trường hôm nay chủ yếu dựa vào những mã vừa và nhỏ, không lệ thuộc vào các bluechips như những phiên trước đó.

HNX-Index với 129 mã tăng so với 93 mã giảm cũng ghi nhận mức tăng mạnh 0,9 điểm tương ứng 1,05% lên 86,79 điểm.

Thanh khoản rất cao. HoSE có 164,4 triệu cổ phiếu giao dịch, thu hút về 2.874,4 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX là 93,2 triệu cổ phiếu tương ứng 1.216,8 tỷ đồng. Tổng cộng, toàn phiên có gần 4.100 tỷ đồng đổ vào chứng khoán.

Trong phiên này, phương thức giao dịch thỏa thuận góp vào HoSE tới 29,85 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị 371,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng mã SAM của CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom được thỏa thuận tới 20,74 triệu cổ phần, tương ứng trị giá 209,6 tỷ đồng. 

SAM cũng được khớp lệnh mạnh 5,8 triệu cổ phiếu, giá trị 66,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi mã nà đóng cửa tăng trần (tăng 700 đồng) lên 11.500 đồng/cp thì phương thức thỏa thuận lại được giao dịch ở mức giá sàn 10.100 đồng. Như vậy, bên mua vào đã có lợi 1.400 đồng/cp nhờ mua thỏa thuận, tương ứng với hơn 29 tỷ đồng cho toàn bộ lô giao dịch.

Nhiều khả năng giao dịch "khủng" này đến từ hoạt động thoái vốn của Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT). Mới đây, tập đoàn này đã đăng ký thoái phần lớn cổ phần nắm giữ tại Sacom, khối lượng lên tới 40,58 triệu đơn vị trên tổng số 40,6 triệu cổ phiếu SAM mà VNPT nắm giữ. Thời gian giao dịch từ 25/8 đến 23/9. Chưa rõ danh tính bên mua trong thương vụ này là tổ chức hay cá nhân nào.

Trước khi thoái vốn, VNPT vẫn đang là cổ đông lớn nhất tại Sacom, sở hữu 31,04% cổ phần công ty này. Đây cũng là cổ đông lớn duy nhất của Sacom. Hai quỹ ngoại Amersham Industries Limited và Wareham Group Limited sở hữu lần lượt 4,67% và 4,45% vốn Sacom.

Ngoài ra, cùng phương thức, cổ phiếu RDP của CTCP Nhựa Rạng Đông cũng được giao dịch 6,23 triệu cổ phần trong phiên hôm nay. Bên mua đã phải chi ra 98,5 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần nói trên.

Mới đây, SCIC vừa công bố thông tin đăng ký bán ra toàn bộ hơn 6,23 triệu cổ phần, chiếm đến 43,36% vốn điều lệ Nhựa Rạng Đông. Giao dịch được thông báo sẽ diễn ra từ 27/8 đến 25/9. Như vậy, khả năng, SCIC chính là bên bán của thương vụ này, bên mua vẫn chưa được công bố.

 APC của CTCP Chiếu xạ An Phú hôm nay được thỏa thuận 1,71 triệu cổ phiếu. Sau nhiều phiên liên tiếp giao dịch lẹt đẹt thì từ hôm qua, APC đã giao dịch mạnh hơn và tăng giá rất mạnh, hôm nay tăng trần 900 đồng (6,8%).

Ở giao dịch khớp lệnh, FLC tiếp tục dẫn đầu thị trường về thanh khoản, đạt hơn 14 triệu cổ phiếu, trong đó 1,1 triệu đơn vị chuyển nhượng trong phiên ATC. Cổ phiếu này nhờ vậy tăng giá 100 đồng. ITA đứng giá dù khớp lệnh 8,5 triệu đơn vị.

KLF khớp 12,2 triệu đơn vị và tăng giá tới 1.000 đồng trong phien hôm nay. Mã này có dư cung giá trần 2,1 triệu cổ phiếu. PVX, KLS, SHS tăng giá tích cực nhờ hỗ trợ mạnh về thanh khoản.

Sau phiên bán ròng hôm qua, khối ngoại lại trở lại mua ròng 2,17 triệu cổ phiếu trên HoSE, tương ứng 14,19 tỷ đồng. HAG bất ngờ được khối ngoại mua ròng tới 1,7 triệu đơn vị sau chuỗi bán ròng liên tiếp. FLC, PPC, DPM, VCB, KBC, HSG... được mua ròng mạnh.

Chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng 1,16 triệu cổ phiếu VIC. Mã này đóng cửa mất 1.500 đồng/cp, tương ứng 2,61%. KMR, KDC, HPG cũng trong danh sách bị bán ròng và đều giảm điểm. Trong đó, KDC mất 1.500 đồng tương ứng 2,03% và HPG cũng mất 1.500 đồng tương ứng 2,5%.

Khối ngoại mở rộng khối lượng bán ròng trên HNX lên 1,65 triệu cổ phiếu (lớn hơn 2 phiên trước) tương ứng 33,92 tỷ đồng. Trong khi KLS, PVS, PVC, VIG bị bán ròng mạnh thì các mã này vẫn tăng điểm tích cực nhờ sự hỗ trợ của lực cầu trong nước. Khối lượng mua ròng không đáng kể.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *