Chứng Khoán 13/04/2015 09:54

BGM “tung rác” lên thị trường chứng khoán?

Ngày 30/3/2015, CTCP Khoáng sản Bắc Giang (BGM) công bố thông tin phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần của CTCP Nature Việt, tăng vốn điều lệ lên gần 460 tỷ đồng. Nhìn vào diễn biến hoạt động của Khoáng sản Bắc Giang, dư luận không khỏi thắc mắc: không lẽ cổ đông công ty mới ngu ngơ đến vậy?(!)

BGM “tung rác” lên thị trường chứng khoán?

Èo uột BGM

Năm 2012 lãi 723 triệu đồng, năm 2013 lãi 118 triệu đồng, năm 2014, lãi tăng lên… 645 triệu đồng trên vốn chủ sở hữu 230 tỷ đồng. Những con số này tự nó đã nói lên mức độ hiệu quả trong hoạt động của BGM. Nhưng trong kinh doanh, lãi lỗ là chuyện có thể hiểu được. Có điều, với BGM, không còn là câu chuyện lãi lỗ, mà là câu chuyện… có hoạt động hay không?

Trong quá khứ, đã có giai đoạn BGM không có doanh thu trong 6 tháng liên tiếp. Đó là nửa đầu năm 2012. Đến hết quý I/2013, BGM mới thoát khỏi tình trạng doanh thu èo uột, nhưng nhìn chung, doanh thu của BGM chủ yếu xuất hiện vào quý IV các năm. Một điểm đáng lưu ý là, dù doanh thu không sụt giảm nhiều so với giai đoạn hoàng kim, nhưng chi phí nguyên vật liệu đầu vào của Công ty lại sụt giảm mạnh.

Năm 2011, Công ty có doanh thu 51,6 tỷ đồng, chi phí nguyên vật liệu là 8,5 tỷ đồng, Công ty lãi lớn. Năm 2012, 2013, doanh thu sụt giảm mạnh, chi phí nguyên vật liệu cũng giảm tương ứng về 877 triệu đồng và 238 triệu đồng. Năm 2014, doanh thu tăng về gần mức của năm 2011, đạt 46,3 tỷ đồng, nhưng chi phí nguyên vật liệu tiếp tục giảm xuống còn… 134 triệu đồng.

Mặt khác, năm 2014, mặc dù con số doanh thu được cải thiện mạnh như đánh giá của Ban lãnh đạo, nhưng chất lượng doanh thu lại là một dấu hỏi. Khoản phải thu của khách hàng đến cuối năm 2014 đã tăng gần 40 tỷ đồng so với cuối năm 2013, lên mức 40,878 tỷ đồng, có nghĩa là gần như BGM không thu được tiền bán hàng hóa trong năm!

Doanh thu hàng bán không đi kèm với dòng tiền, cộng thêm sụt giảm mạnh về chi phí nguyên vật liệu đầu vào, thị trường hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Thực sự, chất lượng kinh doanh của BGM có được cải thiện như những gì Chủ tịch Công ty nói trong ĐHCĐ bất thường ngày 3/10/2014 của BGM?

Tù mù thông tin tăng vốn khủng

Với tình hình hoạt động kinh doanh quá èo uột trong 3 năm qua, cộng thêm thị giá cổ phiếu BGM gần 3 năm chưa lúc nào đạt mức 10.000 đồng/cổ phiếu, câu chuyện tăng vốn của BGM tưởng như khó khả thi.

Nhưng sự thật là, tính đến thời điểm này, vốn điều lệ của DN đã đạt mức gần 460 tỷ đồng, tức là hơn gấp đôi so với vốn điều lệ trước đó. Tăng vốn khủng là vậy, nhưng thông tin về đợt phát hành này lại hết sức mù mờ và hành trình được sáp nhập cũng rất… đặc biệt.

Tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường phải tổ chức đến lần thứ 3 mới thành công của BGM trong năm 2014, Đề án Tái cấu trúc BGM có nội dung sáp nhập CTCP Nature Việt được thông qua bởi toàn bộ 9 cổ đông tham dự ĐHCĐ, đại diện cho… 20,21% vốn điều lệ BGM! Với những thông tin mà BGM công bố trên tài liệu họp ĐHCĐ bất thường và trong Biên bản họp ĐHCĐ bất thường, thì thị trường không nắm được gì hơn về đối tác sáp nhập của BGM, ngoài những thông tin ngắn ngủi: tên DN, vốn điều lệ 230 tỷ đồng cùng ngành nghề kinh doanh là hoạt động trong lĩnh vực khai thác và thương mại khoáng sản và thương mại nông sản thông qua 3 công ty con là: CTCP Đầu tư và Thương mại Bắc Đô, CTCP Công nghiệp Khai khoáng và CTCP Khoáng sản Tam Sơn!

Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này, mà trong phương án sáp nhập, thông tin chi tiết về tình hình tài sản, nguồn vốn, hiệu quả kinh doanh các năm, cổ đông, ban lãnh đạo doanh nghiệp bị sáp nhập hoàn toàn nằm trong… vòng bí mật.

Bí ẩn đối tác sáp nhập Nature Việt

Không website, không thông tin đại chúng, không biết hiện trạng tài chính ra sao, Nature Việt thực sự là một màn bí ẩn đối với thị trường. Tra cứu thêm thông tin từ hệ thống thông tin của Tổng cục Thuế, thông tin về Nature Việt và các công ty được nhắc đến cũng rất “khiêm tốn”. Cụ thể, Nature Việt được cấp phép đăng ký kinh doanh từ năm 2011, hiện có trụ sở tại số 72, phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), có 20 lao động. CTCP Đầu tư và Thương mại Bắc Đô và CTCP Khoáng sản Tam Sơn không thấy có tên trong dữ liệu về mã số thuế.

Đối với trường hợp CTCP Công nghiệp Khai khoáng, dữ liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, có 1 DN có tên như vậy đã thành lập từ năm 2004, có trụ sở tại xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Trường hợp CTCP Đầu tư và Thương mại Bắc Đô lại càng có nhiều dấu hỏi. Dữ liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, không có công ty nào có tên chính xác như vậy. Có 2 DN có tên gần giống với CTCP Đầu tư và Thương mại Bắc Đô là Công ty TNHH Thương mại Bắc Đô (thành lập năm 2000), nhưng đã ngừng hoạt động và CTCP Tư vấn xây dựng và thương mại Bắc Đô thành lập sau Nature Việt 3 tháng. Điểm thú vị là, từ báo cáo quản trị của BGM, nhà đầu tư có thể thấy, Công ty TNHH Thương mại Bắc Đô, hiện đã ngừng hoạt động lại có Giám đốc là bà Dương Thị Liên Hương - là mẹ của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Khoáng sản Bắc Giang - ông Nguyễn Huy Quang. Vậy, 2 DN này có là một? Nếu như vậy, BGM được lợi gì từ sáp nhập Nature Việt, với một DN thành viên đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế?

Lo ngại tăng vốn ảo

Một câu hỏi được nhiều NĐT đặt ra khi tiếp cận thông tin về tình huống tăng vốn này là: Vì sao Nature Việt lại sáp nhập với Khoáng sản Bắc Giang?

Nếu giả định Nature Việt có giá trị vốn chủ sở hữu xứng đáng với mức vốn điều lệ tăng thêm 230 tỷ đồng, có hoạt động kinh doanh có lợi thế riêng, thì vì sao cổ đông Nature Việt chấp nhận hoán đổi cổ phần lấy cổ phiếu của 1 DN hoạt động èo uột như BGM, thị giá cổ phiếu 3 năm liên tục nằm dưới mệnh giá? Liệu NĐT có dễ dàng chấp nhận giao tài sản của mình vào 1 DN mà từ HĐQT đến Ban giám đốc đều là người… làm thuê? Báo cáo quản trị của BGM cho thấy, ngoài bà Vũ Thị Thanh Mai - ủy viên Ban Kiểm soát - nắm 5.000 cổ phiếu, tất cả các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc, Kế toán, Ban Kiểm soát khác đều… không sở hữu cổ phiếu BGM.

Trong tình huống ngược lại, nếu mức hoán đổi là hợp lý (hoặc có lợi cho cổ đông Nature Việt), tức giá trị sổ sách của Nature Việt phù hợp hoặc nhỏ hơn giá trị thị trường đang xác định của BGM (thị giá 4.000 đồng x 23 triệu cổ phiếu = 92 tỷ đồng), thì liệu đây có phải là trường hợp tăng vốn ảo khi BGM được tăng thêm vốn điều lệ 230 tỷ đồng trong khi giá trị phần vốn tăng thêm nhỏ hơn rất nhiều?

Với sự trì trệ của BGM, sự tù mù về Nature Việt, câu hỏi mà thị trường quan tâm là: Liệu có sự gian lận trong tình huống này? Có thể nào xảy ra kịch bản sử dụng Nature Việt để tăng vốn ảo và bán cổ phần ra ngoài để kiếm lời? Câu hỏi này cần có sự trả lời từ phía UBCK, cơ quan đã thông qua phương án phát hành này cho BGM.

Nếu trường hợp BGM không được làm một cách nghiêm túc, rất dễ có thêm những doanh nghiệp sử dụng hình thức tương tự để tăng vốn ảo, tung hàng hóa kém chất lượng, thậm chí là không có chất lượng lên thị trường. Khi đó, TTCK sẽ đi về đâu?         

Theo Bùi Sưởng
ĐTCK
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *