Chứng Khoán 20/05/2014 08:06

Bảo vệ nhà đầu tư, cách nào để cải thiện thứ bậc?

Báo cáo về môi trường kinh doanh toàn cầu của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) năm 2013 đánh giá Việt Nam ở vị trí thứ 157 về bảo vệ nhà đầu tư. Kết quả này, tuy có cải thiện 12 bậc so với năm 2012 (vị trí 169), nhưng vẫn thuộc hàng “đội sổ” trên bản đồ thế giới. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, tính minh bạch và quản trị công ty còn yếu kém là hai nguyên nhân khiến Việt Nam mất điểm trong chủ đề này.

Kỳ 1: Minh bạch là một vấn đề lớn

Minh bạch là một vấn đề lớn

“Năm 2006, khi chúng tôi tư vấn cho Ngân hàng BIDV phát hành trái phiếu cấp hai với yêu cầu cần làm một bản cáo bạch để công bố thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, rất nhiều DN khác đã ngạc nhiên, thậm chí phản đối cách làm này”, ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam nói trong buổi Hội thảo về thị trường vốn do Ban Kinh tế Trung ương và Sở GDCK TP. HCM tổ chức cuối tháng 4/2014. Sở dĩ họ ngạc nhiên và phản đối, vì vào thời điểm đó, DN có thể huy động vốn với bản cáo bạch chỉ 1-2 trang A4, vậy tại sao họ phải làm một bản cáo bạch đủ thông tin? Rõ ràng, vào thời điểm đó, DN chưa nhìn ra được lợi ích của sự minh bạch và sau này, khi các chế tài buộc DN phải minh bạch theo những quy chuẩn thông tin chặt chẽ hơn, thì thị trường lại chưa có tưởng thưởng xứng đáng, khiến chất lượng minh bạch tại DN Việt Nam, trong đó có cả DN niêm yết vẫn là một vấn đề lớn, cần bàn.

Ở vai trò công ty kiểm toán lớn hàng đầu thế giới, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young chia sẻ sự bối rối của mình, khi nhà đầu tư nước ngoài hỏi ông về mức độ minh bạch của DN Việt Nam. “Chúng tôi đã tiếp xúc với rất nhiều DN Việt và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là tính minh bạch. Họ hỏi tôi DN, TTCK Việt Nam minh bạch ở mức nào? Tôi rất khó trả lời câu hỏi này, vì để đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư quốc tế về tính minh bạch của TTCK Việt Nam vẫn là một vấn đề khó”, ông Đại nói.

Mặc dù HSBC đánh giá các quy định về công bố thông tin ngày càng được cụ thể hóa và được cung cấp không chỉ bởi DN, nhà đầu tư, tổ chức cung cấp dịch vụ, mà còn cả nhà quản lý, nhất là sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2012, nhưng HSBC - nơi hiện chiếm trên 50% thị phần dịch vụ lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vẫn thấy còn nhiều điểm khiếm khuyết về mức độ minh bạch. Với thị trường trái phiếu, khiếm khuyết lớn nhất là Việt Nam chưa có tổ chức định mức tín nhiệm để đưa ra đánh giá về năng lực trả nợ và lãi của doanh nghiệp phát hành. Trong khi đó, yêu cầu căn bản nhất để nhà đầu tư có thể quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, hoặc mức chênh lệch lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp so với trái phiếu chính phủ, chính là thông tin về định mức tín nhiệm của tổ chức phát hành. Thực tế này khiến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện theo con đường riêng lẻ, phát hành xong, trái phiếu không được đưa lên niêm yết, nên có rất ít thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sự minh bạch của thị trường này là một câu hỏi lớn.

Liên quan đến tính minh bạch trên thị trường cổ phiếu, theo ông Hải, trong quá trình phục vụ cho các tổ chức đầu tư nước ngoài, HSBC nhận thấy, nhà ĐTNN trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giám sát hoạt động quản trị công ty và thực hiện công bố thông tin tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, các tổ chức đầu tư nước ngoài rất khó tham dự các cuộc họp đại hội đồng cổ đông tại Việt Nam mà một trong các nguyên nhân là thông tin trong tài liệu họp và trên website của công ty phát hành đều là tiếng Việt và chỉ được thông báo rất ít ngày trước khi cuộc họp diễn ra. Nhiều công ty có cung cấp thông tin bằng tiếng Anh, nhưng chưa cập nhật đầy đủ.

Bên cạnh đó, phần lớn các tổ chức đầu tư nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam để tham dự các cuộc họp cổ đông của DN, nên họ ủy quyền cho ngân hàng lưu ký cử đại diện đi tham dự và bỏ phiếu thay mình. Tuy nhiên, do không có mẫu chuẩn thư ủy quyền dự họp trong thị trường Việt Nam, công ty phát hành và nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian thảo luận trước khi đi đến thống nhất chấp nhận thư ủy quyền dự họp mà nhà đầu tư cung cấp. Trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư không có đủ thời gian để chuẩn bị thư ủy quyền (hợp pháp hóa lãnh sự và công chứng) trước cuộc họp theo đúng yêu cầu của công ty phát hành.

Cây gậy và củ cà rốt chưa hiệu quả

Ở vai trò là cơ quan vận hành TTCK, nói về tính minh bạch, ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP. HCM thẳng thắn đánh giá, cơ quan quản lý đã tạo dựng luật chơi về sự minh bạch, nhưng dường như “cây gậy và củ cà rốt” chưa hữu hiệu. Trong khi đó, thực tế, nguyên tắc “kỷ luật thị trường” cũng chưa rõ nét trên TTCK, nên vẫn có tình trạng, DN minh bạch và không minh bạch, thị trường trả giá như nhau, hay nói cách khác quy luật thị trường chưa đủ mạnh để có hình phạt và phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực minh bạch của các DN.

Vậy làm thế nào để “cây gậy và củ cà rốt” hiệu quả hơn? HSBC cho rằng, trong bối cảnh thị trường chưa hoàn hảo, nếu chờ DN nhận ra lợi ích và tự ý thức minh bạch, sẽ cần rất nhiều thời gian. “Thực tế, có một lớp DN tiên tiến hiểu rõ tầm quan trọng của quản trị công ty và minh bạch, sẽ mang lại lợi ích cho chính DN, nhưng với các DN tư nhân, khi bước chân vào sân chơi lớn, chấp nhận cái giá phải thay đổi cách quản trị DN, phải minh bạch, nhiều DN đã không dám bước tới, họ sợ trả giá nhiều hơn”, ông Hải nói. Từ góc nhìn này, ông Hải cho rằng, Nhà nước cần khích lệ DN thực thi sự minh bạch bằng những biện pháp thiết thực, ví dụ ưu đãi thuế, hay mở giải thưởng lớn tôn vinh sự minh bạch. Tất nhiên, bên cạnh đó cần hoàn thiện các chế tài về sự minh bạch, mà trước mắt là sửa quy định về công bố thông tin để xử lý những khiếm khuyết hiện nay và đưa chất lượng minh bạch lên một mặt bằng mới.

“Muốn cây gậy và củ cà rốt hiệu quả, nhà quản lý TTCK phải ứng xử phản ứng nhanh và công bằng nhất với chất lượng minh bạch hiện nay”, TS. Vũ Đình Ánh nói. Theo ông Ánh, thị trường có hiện tượng, DN quản trị tốt, minh bạch, nhưng đã không được tưởng thưởng xứng đáng, ví dụ, giá cổ phiếu, thanh khoản lại không bằng DN mù mờ thông tin, cổ phiếu bị làm giá. “Bên cạnh đó, đây đó có lúc nhà quản lý cũng đã “du di” cho DN chậm nộp báo cáo tài chính, chấp nhận những giao dịch ngầm và phải thừa nhận một thực tế là chúng ta vẫn còn rụt rè trong việc áp kỷ luật”, ông Ánh nói. Kỳ vọng của ông Ánh là tới đây sẽ có luật quản lý vốn Nhà nước tại DN, sẽ tạo thêm chế tài buộc DN, buộc người lãnh đạo DN phải minh bạch hơn.

Kỳ 2: Con đường cải thiện sự minh bạch

Đánh giá thẻ điểm quản trị công ty (chấm năm 2012, năm 2013 chưa có kết quả) do IFC và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện dựa trên dữ liệu của 100 DN niêm yết lớn nhất cho kết quả điểm trung bình về quản tri công ty của Việt Nam rất thấp: 42,5%. Trong khi đó, điểm số về quản trị công ty chấm trong những năm trước đó tại một số TTCK lân cận cao hơn hẳn: Thái Lan 77%, Hồng Kông 74%, Philippines 77%... Thực tế này, theo IFC là, “có một khoảng cách lớn trong quy định pháp luật về quản trị hiện hành và thực tiễn áp dụng tại các DN”.

 

Theo Tường Vi

ĐTCK

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *