Chứng Khoán 05/05/2015 15:35

37.000 tỷ đồng bị “cuốn phăng” khỏi thị trường chứng khoán trong vài giờ

FICA – Trong phiên giao dịch mở đầu tháng 5, với tâm lý tiêu cực của giới đầu tư và các quyết định mang tính chất xuôi chiều đám đông đã khiến 37.000 tỷ đồng vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư "chết đứng" trước tình trạng giảm điểm rất mạnh phiên giao dịch 4/5

 
Trong phiên giao dịch ngày 4/5 và cũng là phiên đầu tiên thị trường trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 – 1/5, hai sàn chứng khoán trở nên rối loạn với hoạt động bán xả cổ phiếu đồng loạt. 
 
Đóng cửa, chỉ số VN-Index ghi nhận thất thoát 17,32 điểm tương ứng 3,08% còn 545,08 điểm với 229 mã giảm (trong đó có 65 mã giảm sàn) so với 28 mã tăng. HNX-Index lún sâu mất 2,8 điểm tương ứng 3,38% còn 79,94 điểm do có 187 mã giảm (trong đó có 50 mã giảm sàn) so với 32 mã tăng.
 
Qua đó, chỉ trong một phiên giao dịch, vốn hóa thị trường chứng khoán trên sàn TPHCM (HoSE) đã bị “cuốn phăng” 33.081 tỷ đồng còn hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, sàn Hà Nội (HNX) cũng ghi nhận thiệt hại 3.891,9 tỷ đồng vốn hóa, lùi xuống còn 135.363,2 tỷ đồng. Tổng cộng, trong phiên 4/5, thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 37.000 tỷ đồng.
 
Thị trường lao dốc thảm và mang tính dây chuyền khiến không ít nhà đầu tư bị “vạ lây” do có nhiều cổ phiếu tốt cũng bị vòng xoáy giảm giá cuốn theo. Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến những “đại gia chứng khoán” với khối lượng cổ phiếu nắm giữ rất lớn trên sàn.
 
Phiên này, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai mất tới 1.000 đồng tương ứng sụt giảm 4,98%. Với 342,8 triệu cổ phần nắm giữ tại Tập đoàn, Chủ tịch HĐQT – ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ghi nhận mất 342,8 tỷ đồng. Về mặt vốn hóa, bản thân Hoàng Anh Gia Lai cũng thất thoát 790 tỷ đồng.
 
Cũng trong phiên này, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 700 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, khối tài sản của ông Trần Đình Long (bầu Long) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giảm theo 81,34 tỷ đồng và song song với đó, tài sản trên sàn chứng khoán của bà Vũ Thị Hiền – vợ bầu Long cũng mất gần 25 tỷ đồng.
 
Cổ phiếu VIC của Vingroup chỉ giảm 500 đồng (1,03%) song do khối lượng sở hữu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rất lớn, với 423,2 triệu cổ phiếu nên người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam phiên này mất 211,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tài sản bà Phạm Thu Hương – vợ ông Phạm Nhật Vượng cũng sụt giảm 36,5 tỷ đồng và tài sản của bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương) giảm 24,3 tỷ đồng. 
 
Toàn bộ mức thất thoát này đã được bù đắp trong phiên giao dịch hôm nay (5/5) khi cổ phiếu VIC tăng trở lại 700 đồng/cp, nói cách khác, các cổ đông nắm giữ cổ phiếu VIC còn được thêm 200 đồng mỗi cổ phiếu.
 
Cổ phiếu MSN mất 1.000 đồng phiên 4/5 và điều này cũng đồng nghĩa với việc bà Nguyễn Hoàng Yến bị mất 26,2 tỷ đồng trên sàn chứng khoán do nắm giữ 26,2 triệu cổ phần tại tập đoàn này.
 
Hai đại gia thủy sản có mặt trong Top 10 những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. VHC của Vĩnh Hoàn giảm 1.100 đồng (tương ứng 3,05%) và HVG của Hùng Vương cũng mất 900 đồng (tương ứng 4,52%). Do vậy, khối tài sản của bà Trương Thị Lệ Khánh ghi nhận hao hụt 50,2 tỷ đồng và tài sản ông Dương Ngọc Minh giảm 65,3 tỷ đồng.
 
Việc phân tích về nguyên nhân thị trương giảm mạnh trong phiên 4/5 được suy luận đến từ nhiều phía. Tuy nhiên, chủ yếu do tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường khá yếu và các quyết định thường theo xu hướng đám đông giữa bối cảnh câu châm ngôn “Sell in May and go away” (Bán vào tháng 5 và đi chơi) đang ám ảnh nặng nề giới đầu tư.
 
Những quyết định vội vàng này không chỉ gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư mà còn khiến không ít các nhà đầu tư theo trường phái giá trị bị “vạ lây” khi giá cổ phiếu sụt giảm “theo dòng”.
 
Mai Chi 
Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *