Chứng Khoán 21/05/2018 13:23

10 cổ phiếu cũng không ai chịu bán, “hàng hot” Vinhomes “cứng giá”

Do không hề có lệnh bán (bất kể chỉ cần 10 cổ phiếu) nên VHM phiên thứ hai liên tiếp (đến thời điểm hết phiên sáng 21/5) vẫn dẫm chân tại mức tham chiếu 110.500 đồng.

Phiên giao dịch sáng nay (21/5), cổ phiếu VHM của Công ty Cổ phần Vinhomes tiếp tục rơi vào tình trạng không có giao dịch dù bên mua, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn quyết tâm đặt giá xanh, thậm chí dư mua giá trần đã là 856 nghìn đơn vị.

Do không hề có lệnh bán, bất kể chỉ cần 10 cổ phiếu, nên VHM phiên thứ hai liên tiếp (đến thời điểm hết phiên sáng 21/5) vẫn dẫm chân tại mức tham chiếu 110.500 đồng.

Trước đó, trong phiên cuối tuần trước, mã này cũng không diễn ra giao dịch nào dù khối ngoại đã mua được một khối lượng cực lớn 248,9 triệu đơn vị ở mức giá 114.700 đồng (dưới mức trần mà nhiều nhà đầu tư nội đặt mua), tương ứng tổng giá trị 28.548 tỷ đồng.

vinhomes-pham-nhat-vuong
Cổ đông của Vinhomes vẫn chưa chịu "tiết cung" cổ phiếu VHM

Khi không còn yếu tố đột phá từ VHM, thị trường sáng nay lại tiếp tục rơi vào trạng thái “mất hút” thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch trên HSX chỉ đạt 63,8 triệu đơn vị, dòng tiền vào sàn TPHCM ở mức 1.708 tỷ đồng. Trong khi đó, HNX cũng chỉ có 17,1 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 270 tỷ đồng.

Thực tế này cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa sẵn sàng và đứng ngoài thị trường. Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn rất thận trọng, quan sát thị trường nhiều hơn là đổ vốn vào mua cổ phiếu.

Được sự hỗ trợ của phiên cuối tuần trước, VN-Index sáng nay khởi đầu trong sắc xanh nhưng do dòng tiền yếu nên ngay sau đó, chỉ số này đã quay đầu giảm. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index mất 1,65 điểm tương ứng 0,16% xuống 1.038,89 điểm với 103 mã tăng so với 160 mã giảm.

Nhóm cổ phiếu lớn mà dẫn đầu là VIC của Vingroup giảm 2,03% xuống 120.500 đồng. VRE của Vin Retail giảm 2,36% còn 45.600 đồng. Hiện bộ ba VIC, VHM, VRE chiếm gần 23% vốn hoá sàn TPHCM, có sức ảnh hưởng lớn đến diễn biến VN-Index.

Ngoài ra, VNM cũng giảm 1,23% còn 169.000 đồng. NVL, ROS, PLX, BVH… đều tạm dừng giao dịch phiên sáng với sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hoá khi BID giảm 2,28% còn 32.200 đồng, ngược lại, VCB và CTG đảo chiều tăng nhẹ, VPB tăng 2,15%, STB tăng 1,57%, MBB, HDB, EIB đều tăng giá.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số tăng 0,27 điểm tương ứng 0,23% lên 121,54 điểm dù chỉ có 63 mã tăng trong khi có 69 mã giảm. Mức tăng của HNX-Index chủ yếu dựa vào mức tăng của hai mã lớn nhất là ACB và VCS (tăng lần lượt 0,7% và 0,37%); CEO tăng 4,32%. SHB, PVS và VCG đứng tham chiếu.

Đưa ra nhận định cho tuần này, công ty chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu trụ và nhóm ngân hàng đã giảm về mức hợp lý (thậm chí là quá đà) khó có thể giảm sâu hơn hoặc phục hồi trở lại. Cộng với tình trạng “tiết cung” khiến cho cổ phiếu VHM có thể tăng trần nhiều phiên tới, sẽ giúp chỉ số Vn-Index có thể duy trì đà tăng trong các phiên giao dịch tới.

Tuy nhiên thanh khoản chưa cải thiện thì phần đông cổ phiếu sẽ không đi cùng nhịp với sự biến động này. Vì vậy, VFS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn xem xét cân nhắc cơ cấu một phần danh mục sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với mức tăng chưa nhiều để tận dụng đà tăng này như: PLX, VRE, MSN,...Và cân nhắc mua dần tại nhóm cổ phiếu ngân hàng như: VCB, SHB, LPB…

Bích Diệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *