Chứng Khoán 10/07/2015 07:03

"Cơn ác mộng" chứng khoán Trung Quốc "không hề hấn gì" tới Việt Nam

Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán.

Cơn ác mộng chứng khoán Trung Quốc không hề hấn gì tới Việt Nam
 

Khoảng 1.300 công ty ngừng giao dịch cùng với hơn 3.500 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.  Chứng khoán Trung Quốc đang được ví như "cơn ác mộng" khiến giới đầu tư e ngại, sợ hãi.

 
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, Ts Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc có lẽ được giảm nhẹ hơn nếu Trung Quốc học được từ bài học xương máu từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán của Việt Nam năm 2008.

“Xu hướng nhà nhà chơi chứng khoán, người người lên sàn như của Trung Quốc thời gian qua chẳng khác gì thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2006 và hệ quả là không lâu sau, năm 2008 chúng ta cũng đã chịu hậu quả tương tự, với nhiều thiệt hại”, TS. Hiếu cho biết.

Phân tích nguyên nhân khiến bong bóng chứng khoán Trung Quốc bị vỡ, ông Hiếu cho rằng, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tồn tại tình trạng bong bóng lâu rồi và vỡ là điều tất yếu dù cho Chính phủ Trung Quốc tìm mọi cách can thiệp ngăn chặn để đưa quy mô thị trường này về giá trị thực cũng như biện pháp giảm thiểu tác hại.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu kết luận: Nguyên nhân chính là do Trung Quốc không quyết liệt ngăn chặn bong bóng ngay từ đầu và một lượng lớn nhà đầu tư vẫn còn đầu tư theo tâm lý.

“Khởi đầu của cơn ác mộng này, bắt nguồn từ chính sách hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hồi tháng 11/2014, khiến lượng tiền đổ vào cổ phiếu nhiều hơn, ồ ạt các công ty huy động vốn qua kênh này. Tiếp đó là chủ trương kết nối hai thị trường chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông dẫn đến kỳ vọng nhà đầu tư và đặc biệt biện pháp kỹ thuật là bắt buộc ký quỹ ít, lợi nhuận nhà đầu tư tăng… khiến từ bà nội trợ đến ông lái taxi lên sàn kiếm lời.

Theo giới chuyên môn, có đến 90% người chơi chứng khoán tại Trung Quốc à những bà nội trợ, những người lái xe taxi và những người chơi không chuyên nên tâm lý đám đông ảnh hưởng lớn đến chiến lược đầu tư. Chính vì những biện pháp nới lỏng thị trường mà giá trị cổ phiếu của nước này đến 12/6 lên tăng 150% so với 1 năm trước đó.

Sau khi phát hiện bất thường, chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp thắt chặt hơn: yêu cầu các công ty nhà nước chỉ được mua vào, không được bán ra; UBCK Trung Quốc tạm dừng phát hành cổ phiếu, nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài; còn các nhà đầu tư trong nước đẩy mạnh mua vào sau đó ồ ạt bán tháo kiếm lời.

Phân tích thêm về hệ quả của cơn ác mộng chứng khoán Trung Quốc, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia Kinh tế cho biết: “Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc sụp đổ, hậu quả có thể kéo dài và tác động của nó là rất mạnh đối với nền kinh tế. Bán tháo, ngừng đổ vốn và rút vốn sẽ được diễn ra trong lúc này và nay mai khỏi Trung Quốc. Ảnh hưởng tâm lý sẽ tăng cao đối với các nền kinh tế khác nếu Trung Quốc là nhà đầu tư. Riêng với Việt Nam, chưa có thống kê nào về doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại Thượng Hải, Hồng Kông nên tác động chỉ là ảnh hưởng tâm lý”.

Ông Phong nói thêm: Với giá trị vốn hóa thị trường Trung Quốc lên tới hơn 7.000 tỷ USD, sự suy giảm 45% doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tác động rất mạnh vào nền kinh tế nước này cũng như tâm lý của các nhà đầu tư toàn cầu.

Theo Ts Nguyễn Trí Hiếu, ảnh hưởng của sự lao dốc không phanh của chứng khoán Trung Quốc đối với Việt Nam chỉ là tâm lý. Và nói cho cùng Việt Nam có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng chứng khoán làm đồng vốn dắt lưng.

Ông Hiếu nói thêm, bài học lớn nhất rút ra sau cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 2006 – 2008 là việc chúng ta thắt chặt bán khống, tỷ lệ cho vay từ ngân hàng để đổ tiền vào chứng khoán và mới đây nhất Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN, theo đó quy định, các NHTM chỉ được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đáp ứng điều kiện đảm bảo các giới hạn về tỷ lệ đảm bảo an toàn, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. Đây là một trong những cách mà Việt Nam ổn định thị trường chứng khoán, tránh đổ vỡ.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *