Chứng Khoán 24/01/2015 23:46

"Bắt bài" cổ phiếu ngành điện trong 2015

FICA - Theo nhận định của BSC, ngành điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2015 do hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và tỷ giá, đặc biệt là các doanh nghiệp nhiệt điện. Sản lượng điện dự kiến tăng 10% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo ngành của Chứng khoán BIDV (BSC), các doanh nghiệp điện có kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2014.

Cụ thể thể, các doanh nghiệp nhiệt điện được lợi tỷ giá. Hầu hết các doanh nghiệp nhiệt điện đều có những khoản vay lớn bằng ngoại tệ khác ngoài USD. Do vậy, với sự tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác trong khi tỷ giá VND/USD tương đối ổn định, các doanh nghiệp nhiệt điện đã được ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện đáng kể (PPC, NT2, BTP).

Trong khi đó, doanh thu của các doanh nghiệp thủy điện tăng mạnh. Năm 2014, nhờ có nguồn nước về nhiều giúp tăng sản lượng điện sản xuất và thương phẩm của các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, ngoại trừ SBA, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp thủy điện chậm hơn doanh thu, thậm chí có doanh nghiệp giảm lợi nhuận so với cùng kỳ như VSH, TBC và HJS do chi phí giá vốn tăng mạnh.

Cổ phiếu ngành điện năm 2014 tăng 21,4% trong khi Vn-Index tăng 8,1%. Các cổ phiếu ngành điện có diễn biến cùng nhịp với thị trường trong 10 tháng đầu năm trước khi có mức tăng tốt trong 2 tháng cuối năm khi đây là giai đoạn thị trường biến động mạnh, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang các nhóm ngành phòng thủ như ngành điện.

Các cổ phiếu có mức tăng tốt trong năm gồm có SBA (+43%), SJD (+55%), NLC (+29,2%).

Theo nhận định của BSC, ngành điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2015 do hưởng lợi từ việc giá dầu giảm và tỷ giá, đặc biệt là các doanh nghiệp nhiệt điện. Sản lượng điện dự kiến tăng 10% so với cùng kỳ.

Trong năm 2015, dự kiến EVN sản xuất và mua ngoài 156.9 tỷ kWh và điện thương phẩm đạt 141.8 tỷ kWh, tăng 10% so với năm 2014.

Những yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp điện năm 2014

Theo BSC, trong năm nay, các doanh nghiệp ngành điện tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ. Cụ thể, ước tính năm 2015, Việt Nam sẽ chỉ nhập khẩu 1.8 tỷ kWh điện từ Trung Quốc, giảm 21% so với năm 2014. Đồng thời năm 2015 cũng sẽ kết thúc hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc cấp cho 13 tỉnh ở miền Bắc được ký từ tháng 10/2005.

Ngoài ra, mặc dù giá dầu giảm mạnh trong năm 2014 những giá than và giá khí trên bao tiêu bán cho điện vẫn tăng theo lộ trình trong khi giá điện năm 2014 không thay đổi nên EVN vẫn  tồn đọng khoảng 15.000 tỷ đồng chi phí treo, chưa được hạch toán vào năm 2014. Do vậy EVN đã kiến nghị điều chỉnh giá điện năm 2015 lên mức 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân năm 2014.

BSC cũng chỉ ra rằng, nhiệt điện chạy dầu và khí hiện đang chiếm khoảng 28% tổng công suất phát điện của Việt Nam trong khi đó giá dầu được các tổ chức lớn như Morgan Stanley, Goldman Sachs, EIA và Moody’s dự báo sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2015 sau đó hồi phục và giữ ở mức thấp trong nửa cuối năm 2015. Như vậy, giá dầu giảm sẽ giúp giảm chi phí đầu vào của các nhà máy nhiệt điện chạy dầu.

Đối với các nhà máy nhiệt điện khí, từ ngày 1/1/2015, giá khí trên bao tiêu sẽ tăng lên mức bằng 100% giá thị trường (46% giá dầu FO trung bình của thị trường Singapore). Do vậy, với dự báo giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong năm 2015, giá khí bán cho các nhà máy điện sẽ giảm.

Ngoài ra, trong năm nay, đồng yên và euro được dự báo tiếp tục mất giá. Theo Goldman Sachs, tỷ giá USD/JPY sẽ tăng thêm 10 yên tính đến cuối năm 2015 lên mức 130 và tỷ giá EUR/USD sẽ giảm USD xuống mức 1,15 vào cuối năm 2015.

Các yếu tố bất lợi tác động đến doanh nghiệp điện

Theo BSC, yếu tố bất lợi đầu tiền phải kể đến đó là giá bán than tăng. Nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 23% tổng công suất phát điện của Việt Nam. Hơn nữa, giá than bán cho điện hiện nay vẫn thấp hơn khoảng 3,6-5,8% giá than bán cho các hộ khác trong nước và thấp hơn 9-14% giá than xuất khẩu nên nhiều khả năng giá than sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình trong năm 2015.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch năm 2015, tập đoàn điện lực sẽ thực hiện đầu từ 125,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2014. Mức tăng này thấp hơn mức tăng của các năm trước như 25% vào năm 2012, 38% vào năm 2013 và 17% vào năm 2014.

Chưa kể, do nguồn điện được phân bổ không đều, tập trung ở miền Bắc và miền Trung, các dự án nhà máy điện tại miền Nam bị chậm tiến độ trong khi nhu cầu tiêu dùng điện của miền Nam chiếm tới khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ điện cả nước. Hơn nữa, việc sản xuất công nghiệp được dự báo tăng trường mạnh mẽ trong năm 2015 sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tại miền Nam tăng mạnh hơn trong năm 2015. Việc thiếu điện tại miền Nam có thể dẫn đến việc huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy dầu với giá mua khoảng 5,600 đồng/kWh, cao gấp gần 4 lần mức giá bán điện hiện tại.

Một rủi ro khác là theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015 dự báo tình hình hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng, gay gắt và có khả năng kéo dài trong 5 tháng. Trong khi đó, thủy điện lại đang chiếm tới 49% tổng công suất phát điện của Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *