Thời sự 15/11/2013 11:20

Ngân hàng “ngoại” muốn mua cổ phần chi phối ngân hàng Việt yếu kém

FICA - Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đã có ngân hàng nước ngoài bày tỏ nhu cầu mua cổ phần chi phối tại một ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém để cơ cấu lại ngân hàng này và các bên đang triển khai các bước để tiến tới mua bán cổ phần.

Trong phần báo cáo với Quốc hội về kết quả cơ cấu lại từng nhóm tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bày tỏ chủ trương sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các TCTD nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của các TCTD Việt Nam, đặc biệt là các TCTD yếu kém để cơ cấu lại các TCTD này.

Thông tin từ Thống đốc cho biết: “Hiện nay đã có ngân hàng bày tỏ nhu cầu mua cổ phần chi phối tại một ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém để cơ cấu lại ngân hàng này và các bên đang triển khai các bước để tiến tới mua bán cổ phần”.

 GP.Bank đang đàm phán để bán cổ phần cho ngân hàng ngoại.

Thông tin này gợi nhớ vào thời điểm giữa tháng 9 vừa qua, dư luận cũng đã từng xôn xao trước thông tin ngân hàng United Oversea Bank (UOB) của Singapore muốn mua cổ phần của GP.Bank. GP.Bank hiện là ngân hàng yếu kém còn lại trong số 9 ngân hàng buộc phải tái cơ cấu.

Cũng vào thời điểm đó, nhiều nguồn tin cho biết, Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GP.Bank) đang đàm phán bán cổ phần cho ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore.

Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) là một “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng của Singapore và đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2008. UOB được thành lập tại Singapore vào năm 1935 với tên gọi United Chinese Bank. Đến năm 1965, ngân hàng này đổi tên thành United Overseas Bank với mong muốn trở thành một ngân hàng hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong suốt 77 năm qua, UOB đã phát triển thông qua hàng loạt vụ mua lại mang tính chiến lược và sự tăng trưởng có hệ thống. Các ngân hàng con chủ yếu của UOB trong khu vực hiện nay bao gồm United Overseas Bank (Malaysia), United Overseas Bank (Thái Lan), PT Bank UOB Indonesia và United Overseas Bank (Trung Quốc). Danh sách công ty con của UOB cũng bao gồm Ngân hàng Far Eastern Bank.

Năm 2008, UOB bỏ ra trên 480 tỷ đồng mua 10% cổ phần và trở thành cổ đông nước ngoài của Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Sau 2 lần mua thêm 5% cổ phần, hiện tại, UOB hiện là cổ đông chiến lược của Southern Bank, nắm giữ 20% cổ phần.

Để tạo thuận lợi cho việc ngân hàng “ngoại” tiếp cận dễ hơn với việc mua cổ phần ngân hàng “nội” yếu kém, Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ Nghị định quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, trong đó có thể xem xét cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu trên 20% vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo triển khai cơ cấu lại các ngân hàng liên doanh và định hướng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Việt Nam và các nước; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ định hướng xử lý đối với 2 ngân hàng liên doanh (là ngân hàng Việt Thái và ngân hàng VID Public) do chưa đảm bảo mức vốn điều lệ theo quy định; rút giấy phép, đóng cửa một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động không có hiệu quả hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, chuyển giao tài sản, công nợ sang đơn vị trực thuộc của cùng ngân hàng mẹ hoạt động ở Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *