Doanh nghiệp 01/12/2013 18:45

Doanh nghiệp tư nhân thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Các chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ không phải chịu bất cứ tác động nào sau khi quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được chuyển giao cho một doanh nghiệp tư nhân.

Với việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa chính thức phê duyệt kết quả bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vào cuối tuần qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, quyền thu phí có thời hạn một đường cao tốc đã thuộc về một doanh nghiệp dân doanh: Công ty TNHH Yên Khánh.

Yên Khánh (có trụ sở tại quận I, TP.HCM) là một cái tên xa lạ với nhiều người, nhưng đây đang là đơn vị từ hơn 1 năm nay đã tự nguyện đóng vai trò thu phí thuê trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Theo Quyết định 3743/QĐ - BGTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký, Công ty TNHH Yên Khánh là đơn vị trúng đấu giá quyền thu phí sử dụng đường bộ có thời hạn 60 tháng kể từ ngày 1/1/2014 đối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương giai đoạn I, với giá 2.004,153 tỷ đồng.

Sở dĩ phải nêu cả số lẻ trong giá đấu giá của Công ty TNHH Yên Khánh là bởi đây cũng là cũng là giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá mà Bộ GTVT chào.

Cũng theo Thông báo bán đấu giá quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm đường ô tô cao tốc TP. HCM - Trung Lương - giai đoạn I, đơn vị trúng đấu giá sẽ được thu phí tại 4 trạm thu phí hiện có trên tuyến đường là Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức, Thân Cửu Nghĩa.

Đổi lại, nhà đầu tư có trách nhiệm thanh toán thành 3 đợt, kéo dài trong 6 tháng, trong đó đợt 1 là 40% giá trị hợp đồng được trả ngay sau khi hợp đồng có hiệu lực.

Được biết, hiện Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long (Cửu Long CIMP) có trách nhiệm ký kết và quản lý hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với Công ty Yên Khánh, thực hiện các thủ tục bàn giao, tiếp nhận người lao động tại các trạm thu phí trên tuyến đường.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, dù trả đúng bằng giá khởi điểm, nhưng Yên Khánh vẫn là đơn vị đấu giá cao nhất trong số 2 đơn vị nộp hồ sơ đấu giá vào ngày 2/11/2013. Trước đó, sau hơn 3 tuần công bố thông tin bán đấu giá, đã có 6 đơn vị đến tham khảo hồ sơ gồm: Công ty TNHH Đầu tư thương mại du lịch Hiệp Phúc, Công ty Bitexco, Công ty Đầu tư cơ sở hạ tầng TP.HCM (CII), Công ty TNHH một thành viên Thương mại dịch vụ thép Hoàng Hải, Công ty cổ phần Thương mại nước giải khát Khánh An và Yên Khánh.

Sở dĩ 4/6 ứng thầu đồng loạt rút lui ngay sau khi được phép tiếp cận hồ sơ là bởi giá chào đấu giá mà Bộ GTVT đưa ra được đánh giá là khá “chát”.

Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC) đã dự định mua quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương với số tiền 9.156 tỉ đồng để thu phí trong thời hạn 25 năm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư, tháng 11/2011, BEDC đã trả lại dự án trên.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của Yên Khánh từ chối cho biết lý do tại sao lại “thả thầu” cao vậy, nhưng khẳng định đơn vị này hoàn toàn nghiêm túc và có đủ tiềm lực để thực hiện quyết định của mình.

Theo Cửu Long CIMP, với tư cách là tuyến cao tốc cửa ngõ phía Tây TP.HCM kết nối toàn bộ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tại thời điểm tháng 7/2013, bình quân một ngày trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương có khoảng 32.830 xe quy đổi/ngày đêm... Bình quân mỗi ngày, Cửu Long CIMP - đơn vị đang thu hộ Nhà nước - đã thu được 1,106 tỷ đồng tiền phí cao tốc.

“Nếu lưu lượng xe trong 5 năm tới tăng trưởng như dự báo trong hồ sơ mời đấu giá (khoảng 8%/năm), Yên Khánh chắc chắn sẽ có lãi, dù không nhiều”, một chuyên gia phân tích.

Do hồ sơ mời đấu giá của Bộ GTVT quy định, nhà đầu tư không được điều chỉnh mức phí, cũng như lập thêm trạm thu phí, nên các chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ không phải chịu bất cứ tác động nào ngay cả khi quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được chuyển giao cho một doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Cửu Long CIMP, ngoài 300 tỷ đồng được đơn vị này đề nghị trích trả nợ khối lượng từ năm 2010 cho các nhà thầu thi công đường cao tốc; phần lớn số tiền thu được từ việc bán quyền thu phí sẽ được nộp vào ngân sách để đầu tư vào các dự án giao thông cấp bách khác. Đây là điều khiến các chuyên gia cho rằng, tại cuộc chuyển giao này, phần lợi thuộc về tất cả các bên.

“Chúng tôi đang khẩn trương kiểm đếm các tài sản, trang thiết bị và hoàn thành công tác chuẩn bị để có thể ký hợp đồng với Yên Khánh trong nửa đầu tháng 12/2013”, ông Minh cho biết.



Theo Anh Minh
Đầu tư

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *