Tiền và Hàng 09/12/2013 12:08

Nghèo trên cánh đồng vàng: Khổ vì lúa chất lượng cao

Ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người dân trồng các giống lúa chất lượng cao, nhưng các loại giống chất lượng cao lại không được thương lái chào đón, chính vì thế, nhiều nông dân “khóc ròng” vì lúa chất lượng cao.

 


Trồng lúa chất lượng cao, chi phí vật tư cao hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn, chăm sóc khó hơn. Nhưng thương lái, những người nắm “đằng cán”, chi phối hoạt động mua bán lúa của nông dân, lại không mặn mà với loại lúa này vì giá cao hơn, khiến hàng vạn nông dân đang gánh thiệt thòi từ việc trồng lúa chất lượng cao.

TẤT CẢ DỰA VÀO THƯƠNG LÁI

Đi một vòng các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, hậu Giang… chúng tôi thấy một nghịch lý là mặc dù năng suất lúa ngày một tăng, nhưng giá phân bón, vật tư nông nghiệp (VTNN) không ngừng tăng, trong khi giá lúa thì cứ giậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là giảm, khiến người nông dân chuyên canh cay lúa đang nghèo dần đi.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người dân trồng các giống lúa chất lượng cao, nhưng các loại giống chất lượng cao lại không được thương lái chào đón, chính vì thế, nhiều nông dân “khóc ròng” vì lúa chất lượng cao.

Những nông dân chúng tôi gặp đều có chung trăn trở, rằng trồng lúa chất lượng cao khó tiêu thụ mà giá chỉ hơn lúa thường vài ba trăm ngàn đồng/kg. Nên chỉ từ huề đến lỗ.

Đến nhà ông Nguyễn Văn Tân, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, chúng tôi thấy căn nhà nhỏ của ông chất đầy lúa. “Sao chú không bán?”, tôi hỏi. Ông Tân đáp với nét mặt đầy lo âu: “Đây là giống lúa chất lượng cao, trồng theo khuyến cáo của xã. Nhưng giá thấp quá, bán lỗ, nên tui ráng để thêm xem sao nhưng không biết cầm cự được bao lâu. Cũng phải có tiền trả nợ, có vốn đầu tư tiếp chứ mình đâu có điều kiện đâu mà ngâm hoài được”.

Ông Tân cho biết, vụ he thu vừa rồi, ông cấy giống lúa J (viết tắt - PV) thay cho giống lúa IR 50404. Mặc dù trồng lúa chất lượng cao tốn công chăm sóc, chi phí cao… thế nhưng, giá bán chỉ cao hơn lúa chất lượng thấp chỉ từ 100 - 300 đồng/kg. Mà còn không tìm được đầu ra.

“Giống lúa J chỉ được thương lái thu mua khoảng 4.600 - 4.800 đồng/kg; còn lúa khô thì khoảng 6.300 - 6.400 đồng/kg, so với năm ngoái thấp hơn 1.000 đồng/kg, nếu bán lúc này thì người nông dân chỉ có thể hòa vốn hoặc thua lỗ”, ông Tân than vãn.

Theo khuyến cáo của địa phương là không nên trồng giống lúa IR50404 vì giống này chất lượng thấp, dễ đổ ngã nên anh Đặng Ngọc Cần (thị trấn Thới Lai, Cần Thơ), trồng giống lúa O (viết tắt - PV), là loại lúa hạt dài, đẹp và khó trồng. Nhưng đến vụ thu hoạch, thương lái vào “ép” anh bán bằng giá loại lúa IR50404. Vì không có sân phơi, kho trữ lúa, anh Cần đành ngậm ngùi bán đồng giá với lúa chất lượng thấp.

“Nếu bán ra bằng giá lúa chất lượng thấp thì lỗ. Vì chỉ tính riêng chi phí cho phân bón thôi, đã tăng hơn giống lúa chất lượng thấp 20% rồi. Chắc vụ sau tôi chuyển qua IR50404 luôn quá. Tuy lúa đó chất lượng không cao nhưng dễ trồng, năng suất cũng khá. Mình trồng loại lúa tốt mà phải bán đồng giá như vậy thì uất ức cho người dân quá”, anh Cần nói.

Thậm chí, như bà Nguyễn Thị Thảo, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, Cần Thơ, cho biết, bà có ngót 40 tấn lúa thơm J nhưng không bán được vì thương lái chỉ hỏi mua IR50404. “Tui muốn bán bằng giá với lúa chất lượng thấp cũng được, nhưng không có lái nào chịu mua nên phải phơi khô trữ lại", chị Thảo cho hay.

KHÔNG DỄ “CẮT” CÒ LÚA

Gặp ông ông Nguyễn Văn Bảy, một lão nông ở xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, ông bảo, chỉ có những người trồng lúa thường IR50404 là có lời vì giống này dễ chăm sóc, ít sâu rầy, năng suất lại cao và bán được giá. Ngược lại, hộ nào trồng lúa chất lượng cao, lúa thơm lại khó bán và giá thấp hơn 1.000 đồng/kg so với năm trước.

"Hiện tại, lúa IR50404 được Cty thu mua với giá từ 5.300-5.400 đồng/kg, lúa chất lượng cao có giá 5.600-5.700 đồng/kg. Cty vẫn tuân thủ việc thu mua lúa làm sao đảm bảo 30% lợi nhuận cho người trồng lúa. Nhưng do nông dân bán lúa cho thương lái nên có rất ít người bán được giá như DN đưa ra.

Đối với lúa hạt dài và hạt tròn, khi thu mua Cty có phân biệt giá rõ ràng để người bán không bị thiệt thòi. Còn giá lúa mua bị cào bằng giữa lúa chất lượng cao và lúa phẩm cấp thấp là do thương lái", ông Huỳnh Văn Thạnh, Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Lương thực Hậu Giang.


Lúa IR50404 hiện có giá bán tại ruộng khoảng 4.400 đồng/kg, lúa hạt dài 4.500 đồng/kg, lúa chất lượng cao 4.600 đồng/kg. Trong khi lúa thơm, lúa chất lượng cao đầu tư, chăm sóc nhiều hơn giống lúa IR 50404 mà còn bị nhiều sâu rầy, năng suất thấp.

"Năm ngoái, có vụ tôi chuyển sang giống lúa khác. Trồng xong, thương lái không mua. Họ bảo chỉ mua giống IR50404 thôi. Trồng giống khác, chất lượng có cao hơn, mà năng xuất không cao hơn đâu, lại khó trồng vì mình không quen. Mà thương lái không mua thì tôi trồng giống tốt bán cho ai?”, ông Bảy nói.

Theo những nông dân chúng tôi gặp, họ rất muốn bán trực tiếp cho người thu mua, không qua tay “cò” để được giá cao, nhưng phần do số lượng lúa ít, lại không thấy có DN nhà nước tại địa phương đứng ra bao tiêu, muốn bán trực tiếp cho DN không phải dễ.

Chính vì thế, người trồng lúa “ngại” vận chuyển xa, còn DN cũng không muốn đi thu mua trực tiếp vì qua hệ thống “cò”, họ sẽ giảm chi phí xăng dầu cũng như thời gian thu mua mà chất lượng lúa lại tốt hơn.

Tại thị trấn An Phú, An Giang, những ông dân ở đây cũng lâm tình cảnh dở khóc khó cười khi lúa chất đầy nhà mà nợ thì cũng bao la khi trồng lúa chất lượng cao. “Thấy giá lúa IR50404 bấp bênh từ những năm trước, gia đình tôi mới lựa chọn các giống lúa dài để gieo sạ cho vụ Đông Xuân, hy vọng lúa bán được giá cao nhằm tăng thêm thu nhập.

Vậy mà nhiều ngày nay, không có thương lái nào đến tìm mua lúa dài, họ chỉ tập trung thu mua lúa IR 50404. Nếu tình hình này kéo dài, nông dân chúng tôi không biết phải xoay xở làm sao để có nguồn vốn để đầu tư cho vụ lúa kế tiếp”, ông Nguyễn Văn Hùng, nông dân ở thị trấn An Phú nói.

Gặp bác tài xe ôm bán chuyện nghiệp tên Đào Văn Tuấn ở khu vực chợ An Phú, tôi được biết, gia đình anh có gần 8 ha ruộng nhưng lại phải nuôi đến 6 đứa con nên cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau, phải chạy xe ôm kiếm thêm.

“Vụ vừa rồi tôi làm giống lúa O (viết tắt - PV), bán giá 4.250 đồng/kg, trừ chi phí chẳng lời được đồng nào. Với giá thành SX là 3.800 đồng/kg, nông dân chúng tôi chỉ thu lợi nhuận 700 đồng/kg. Năng suất bình quân vụ đông xuân 7 - 8 tấn/ha, mức lời chỉ vào khoảng 4,7 triệu đồng/ha”, ông Tuấn cho hay.

Nhưng, với những hộ như anh Tuấn, anh Bảy, diện tích canh tác lớn thì còn có khả năng bám trụ với nghề trồng lúa. Còn những hộ có diện tích manh mún, nhỏ lẻ hơn thì với giá lúa như hiện nay, tất cả đều cầm chắc một vụ mùa thua lỗ.

Anh Ðỗ Văn Nhánh ở ấp 1, xã Ða Phước, huyện An Phú chỉ có 5 công ruộng, qua mấy vụ thất thu đành phải bán ruộng, vợ chồng lên thành phố làm thuê kiếm sống, nuôi con ăn học. Tới nhà anh nhưng không gặp vì vợ chồng đều lên thành phố làm thuê.

Mẹ anh sụt sùi: "Vợ chồng nó cũng không muốn bán ruộng đâu nhưng cực quá mà làm cứ thua hoài, nợ ngân hàng rồi nợ cả bà con hàng xóm không trả được cho nên bán ruộng trả nợ trước rồi ra thành phố kiếm sống. Tội lắm, muốn giữ đất mưu sinh mà đâu có được".

Theo Phúc Lập

Nông nghiệp Việt Nam

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *