Thời sự 02/11/2013 08:29

Đại biểu Quốc hội đề nghị Thống đốc vi hành

FICA - Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vi hành ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, đến các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ để xem lại xem họ cần gì, đến những nơi công chức đang cần mua nhà vì sao họ không có tiền, không tiếp cận được vốn mặc dù lãi suất hạ thấp.

Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho hay: Thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã làm ăn có hiệu quả, ngoài việc lo được cho cán bộ, ngân hàng đã dùng lợi nhuận thu được giúp đỡ, chia sẻ với những người nghèo ở nhiều vùng của đất nước, nhiều ngân hàng thương mại đã thể hiện được điều này trong chuyện giúp đỡ người nghèo và các hộ cận nghèo.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra một thực tế đang tồn tại song song, đó là : “Ngoài tín dụng ở ngân hàng thương mại chúng tôi thấy còn một hiện tượng là tín dụng đen, thực chất là hệ thống tín dụng cho vay nặng lãi, tôi không hiểu ở các nước khác có hệ thống này không. Như đã được các phương tiện thông tin đại chúng công bố, hệ thống tín dụng đen này đã gây hại cho nhiều người gửi, gây hại cho dân”.

Hệ thống tín dụng đen đã ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đến đời sống và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, của nhân dân ta nói riêng. Do đó, đại biểu An đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, vì sao dân vẫn phải đi vay hệ thống này.

Đại biểu nói: “Tôi biết rằng đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rất bận, nhưng tôi tha thiết đề nghị đồng chí sắp xếp thời gian đi vi hành ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn hẻo lánh, kể cả vùng núi, đến các làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ để xem lại xem họ cần gì, đến những nơi công chức đang cần mua nhà vì sao họ không có tiền, không tiếp cận được vốn mặc dù lãi suất trần của đồng chí hạ thấp”.

Theo đại biểu An, bà có nghe cử tri nói lại về việc “một doanh nghiệp làm dự án du lịch ở Ninh Bình có tên là Emeralda và hiện đang phải vay với lãi suất là 15%. Tôi xin đồng chí Thống đốc cho kiểm tra có đúng không, vì tôi thấy hạ trần lãi suất vừa rồi rất tốt nhưng ai được tiếp cận vốn, ai được vay? Ngay chuyện 30 nghìn tỷ để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội hiện nay vẫn chưa giải ngân được, liệu có phải trách nhiệm ngân hàng ở đây không”?.

 Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Đánh giá đây là thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho hay: Kinh tế khó khăn, trước những vấn đề tiêu cực phát sinh, chúng ta phải bình tĩnh đánh giá một cách chính xác tình hình đất nước và có những giải pháp khắc phục.

Theo kiến nghị của đại biểu, trong tình hình thực tế hiện nay, về vấn đề tài chính, vấn đề nông thôn ngân hàng phải có những giải pháp đặc biệt. “Các đại biểu nói là có những giải pháp đặc biệt thì chúng ta mới có thể vượt đèn đỏ để đi, làm thế nào để người dân nông thôn vay vốn xây nhà làm đường bằng vật liệu hay như thế nào để chúng ta phát triển. Các đại biểu Quốc hội thử đóng vai một người xuống ngân hàng vay tiền xem có dễ hay không, tôi đã thử thì thấy rất khó. Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng nên làm như thế nào đó để có sự khởi sắc và phát triển ở các vùng nông thôn”.

Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) ghi nhận sự đóng góp tích cực và cố gắng của ngành ngân hàng khi mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, đô la hóa giảm. Nhưng đại biểu cho rằng, “đánh giá vàng hóa giảm thì tôi chưa đồng tình, với lý do là trong thời gian qua kênh đầu tư vào chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và lãi suất ngân hàng thấp, lãi suất ngân hàng tương đương với chỉ số lạm phát. Lãi suất ngân hàng bình quân 7,5%, chỉ số lạm phát là 7% nên các nhà đầu tư có quyền lựa chọn kênh đầu tư là vàng mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn còn cao”.

Cũng theo đại biểu, vừa qua Ngân hàng nhà nước đã thực hiện chính sách để giữ được ổn định thị trường vàng, đây là một sự cố gắng và tích cực vì đã giảm được 70% tổng dư nợ bằng vàng của toàn hệ thống. Nhưng còn 30% dư nợ, đại biểu lưu ý ngành ngân hàng cần phải quan tâm đến con số này.

Đề cập tới tín dụng đen, đại biểu nói: “Hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, hiệu quả thấp, doanh nghiệp muốn vay vốn mà không đủ điều kiện vay vốn, ngân hàng muốn cho vay mà không dám cho vay. Trong khi đó, tín dụng ngoài luồng có người gọi là tín dụng ngầm, với lượng tín dụng khoảng 50 tỷ đô la là một điểm rất quan trọng của nền kinh tế, ngân hàng và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung và cần có sự hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan hữu quan”.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *