Thời sự 02/11/2013 09:30

SCIC sẽ thực hiện bán vốn Nhà nước thế nào?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 151/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo đó, SCIC có chức năng bán vốn nhà nước đầu tư tại DN được chuyển giao theo quy định hiện hành.

Nghị định quy định rõ, SCIC là DN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn nhà nước tại các DN do các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chuyển giao.

 

SCIC có các chức năng nhiệm vụ sau: Tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các DN theo quy định tại Nghị định này; Thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DN và phần vốn do SCIC tiếp nhận và trực tiếp đầu tư; Tiếp tục thực hiện các hoạt động sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại các DN được chuyển giao theo quy định hiện hành.

 


Việc bán vốn phải đảm bảo bảo toàn, phát triển giá trị vốn nhà nước.

 

Bên cạnh đó, SCIC còn có chức năng: Đầu tư vốn vào các tập đoàn, tổng công ty, hoặc công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề nhà nước nắm giữ quyền chi phối; Đầu tư vốn vào các dự án theo chỉ định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; Đầu tư và kinh doanh vốn vào các ngành, lĩnh vực, dự án đem lại hiệu quả kinh tế theo quy định của pháp luật…

 

Nghị định cũng nêu rõ các nguyên tắc bán vốn nhà nước, đó là: Theo đúng tiêu chí, danh mục phân loại DNNN do Thủ tướng Chính phủ quyết định và Kế hoạch bán vốn được Hội đồng thành viên ban hành; Bảo toàn, phát triển giá trị vốn nhà nước đã giao cho Tổng công ty; Đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật, tạo điều kiện để DN phát triển; Việc xác định giá khởi điểm khi bán phần vốn nhà nước phải đảm bảo phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN, trong đó bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất giao...

 

SCIC được áp dụng các hình thức bán vốn nhà nước sau: Các phương thức giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán; Đấu giá công khai; Chào bán cạnh tranh; Bán thỏa thuận theo quy định tại Nghị định này và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

 

Nghị định cũng quy định rõ về cơ chế bán vốn nhà nước, thẩm quyền quyết định bán vốn nhà nước. Theo đó, SCIC được quyền chủ động bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân loại DN và danh mục các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ.

 

Đối với việc bán vốn nhà nuowcs tại các DN thuộc danh mục Nhà nước giữ cố phần chi phối thì SCIC được quyền xem xét, quyết định với trường hợp bán bớt nhưng vấn đảm bảo tỷ lệ cổ phần trên 50% vốn điều lệ của DN.

 

Trường hợp cần bán vốn dẫn đến không đảm bảo tỷ lệ cổ phần trên 50% vốn điều lệ của DN thì SCIC phải báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

 

Theo Vũ Lê
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *