Thời sự 27/11/2013 07:28

Khó khăn, dân Việt còn thụt két ngàn tỷ vì vàng

Giá vàng lao dốc không ngừng nghỉ từ đầu năm tới nay khiến túi tiền của người dân Việt Nam bốc hơi hàng trăm ngàn tỷ đồng. Nhiều người cầm vàng lo lắng bởi không ít các dự báo vẫn cho rằng vàng còn giảm giá.

Bay hơi hàng trăm ngàn tỷ

Thêm một cơn ác mộng lại đến với những người cầm vàng trong phiên giao dịch chiều 25/11. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, giá vàng trong nước liên tục giảm 200.000, 400.000 rồi chốt phiên rớt tổng cộng gần 600.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Tính chung cả ngày 25/11, vàng mất khoảng 700.000 đồng/lượng (sau khi đã giảm một lượng xấp xỉ như vậy tuần trước) xuống sát ngưỡng 35 triệu đồng/lượng - mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Trong một tháng qua, vàng đã giảm trên 2 triệu đồng/lượng. Còn so sánh với giá đầu năm (khi giá vàng ở mức 46,66 triệu đồng/lượng), vàng đã giảm khoảng 11,4 triệu đồng/lượng.

Với tổng khối lượng khoảng 500-1.000 tấn vàng trong dân (13,3-26,7 triệu lượng), túi tiền của người Việt tụt giảm mất tới 150-300 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 7,3-14,5 tỷ USD, so với đầu năm 2013.

Với những người mua và nắm giữ vàng từ trước, cách đây 3 năm trở lên, việc vàng giảm giá dữ dội như vậy có lẽ cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời điểm họ mua vào, giá vàng cũng ở mức tương tự như hiện nay hoặc thấp hơn. Thiệt hại có chăng chỉ là đồng tiền trước kia có giá trị hơn.

{keywords}

Tuy nhiên, đối với những người mua vàng trong khoảng 2 năm đổ lại đây, với đỉnh điểm trên 49 triệu đồng/lượng hồi tháng 8/2011, thì việc thua lỗ là rất lớn. Nhiều người nắm giữ vàng phi SJC thậm chí còn thiệt hơn bởi giá vàng này thường xuyên thấp hơn vàng SJC từ 3-7 triệu đồng/lượng.

Không chỉ người dân, nhiều DN kinh doanh vàng cũng bị vạ lây do nhu cầu mua vàng trong dân không cao bất thường như trước, giao dịch thường xuyên trong tình trạng trầm lắng.

Nhiều DN chứng kiến doanh thu và lợi nhuận suy yếu trong bối cảnh thị trường vàng không còn sôi động, "cháy hàng" như nhiều đợt sốt trong các năm trước đó.

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) mới đây cho biết, cuối tháng 11 (tức chỉ còn vài ngày nữa), DN sẽ lấy ý kiến cổ đông xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch 2013 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 40 tỷ đồng xuống còn 205,2 tỷ đồng. Căn nguyên do doanh thu tài chính giảm mạnh. Tuy vậy, hoạt động kinh doanh chính là buôn bán vàng của DN này đã không còn bùng nổ trong gần 2 năm qua. Tổng doanh thu của PNJ trong năm 2012 chỉ đạt gần 6.900 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức hơn 18.000 tỷ trong năm 2011 và gần 14.000 tỷ trong năm 2010. Trong 9 tháng 2013, doanh thu của công ty này mới đạt khoảng 5.700 tỷ đồng.

Vẫn còn rủi ro giảm giá?

Có thể thấy, phiên giao dịch giảm mạnh ngày 25/11 một lần nữa xoáy vào nỗi đau của những người cầm vàng, nhưng có lẽ đây là một rủi ro đã được cảnh báo.

Từ mức giá trên 49 triệu đồng/lượng, vàng đã giảm khá nhanh về ngưỡng 45 triệu đồng/lượng rồi bám trụ ở đó khá lâu. Vàng giảm giá mạnh nhất, sốc nhất có lẽ là trong thời gian từ đầu năm 2013 tới nay.

{keywords}
Những người nắm giữa vàng miếng không phải là vàng SJC còn thiệt hại nhiều hơn khi giá vàng giảm (ảnh minh họa)

Cũng giống như các loại hàng hóa khác, giá vàng liên tục biến động lên xuống trong ngắn hạn. Nhưng, nhìn trong khoảng 2 năm qua, xu hướng đi xuống là rất rõ ràng sau một chu kỳ vàng tăng giá hơn 10 năm trước đó.

Trên thực tế, mức giá 35 triệu hiện nay không phải là đáy thấp nhất của mặt hàng này trong năm nay. Trước đó, hồi cuối tháng 6/2013, vàng đã có phiên giảm 2 triệu đồng chỉ sau một đêm xuống 34 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức giá này chỉ duy trì trong một khoảng thời gian rất ngắn, trong khoảng một buổi. Vàng sau đó hồi phục, xoay quanh ngưỡng 37 triệu đồng/lượng và đang có dấu hiệu đi xuống trong thời gian gần đây.

Nhận định về vàng, nhiều chuyên gia đã cho rằng, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi quá cao như trong hơn một năm qua (thường xuyên từ 3-7 triệu đồng) và xu hướng giảm chung trên thế giới tiềm ẩn những rủi ro rất lớn cho người cầm vàng trong nước.

Trong phiên giao dịch 26/11, giá vàng trong nước có xu hướng hồi phục trở lại sau phiên giảm sốc trước đó. Giá bán ra đã trở lại mức 35,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng được rút xuống dưới 4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, con số này vẫn khá cao.

Có thể thấy, trong cả ngắn và dài hạn, việc giá vàng tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất có lẽ là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình hình ở Trung Đông và nhu cầu tiêu thụ vàng tại Ấn Độ, Trung Quốc. Trong nhiều năm trước đây, vàng tăng giá chủ yếu vì các nguyên nhân trên, thì nay chiều hướng đang ngược lại.

Gần đây, Fed đã phát đi tín hiệu khá rõ ràng về kế hoạch cắt giảm quy mô gói nới lỏng định lượng, giảm lượng bơm tiền vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vàng theo đó sẽ không còn là lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư.

Rủi ro về địa chính trị ở Trung Đông lại giảm xuống mức thấp nhất sau khi Iran vừa đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt với các cường quốc. Nhu cầu vàng vật chất cũng suy giảm khá mạnh tại Ấn Độ theo những chính sách thắt chặt của nước này.

Nhiều dự báo gần đây cho thấy, vàng có thể giảm về ngưỡng 1.200 USD/ounce (so với mức 1.250 USD/ounce hiện tại), thậm chí về mức 1.050 USD/ounce vào cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, vàng trong nước được dự báo còn giảm do đang cao hơn giá thế giới quy đổi khá nhiều. Về dài hạn, nhiều khả năng, giá vàng trong nước sẽ được kéo dần xuống để sát hơn với giá vàng thế giới.

Theo Huấn Tú

Vef

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *