Chứng Khoán 05/11/2013 08:28

Quản lý quỹ: Kẻ đi, người đến

Ngành quỹ vừa chứng kiến trường hợp “thế chân” đầu tiên, khi một công ty quản lý quỹ (QLQ) xóa sổ hoạt động, thay vào đó là một gương mặt mới.

Trường hợp đầu tiên bị xóa sổ

Trong tổng số 47 công ty QLQ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp phép hoạt động, lần đầu tiên một công ty QLQ vừa bị xóa tên khỏi ngành quỹ, khi UBCK vừa thông báo đã hoàn tất việc giải thể, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của CTCP Quản lý quỹ Sabeco (SBF).

Với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, một năm sau thời điểm được cấp phép hoạt động (năm 2007), SBF đã gây ấn tượng khi thành công trong lập Quỹ thành viên Sabeco 1 (SBF1) với vốn điều lệ khá cao, 350 tỷ đồng.

 Đây là quỹ đóng đầu tiên của SBF, với mục đích, như quảng cáo của SBF, là mang lại sự tăng trưởng vốn dài hạn và bền vững cho nhà đầu tư.

SBF1 ưu tiên đầu tư vào các công ty thuộc các ngành: bia, rượu, đồ uống, thực phẩm và bất động sản sắp niêm yết và đã niêm yết có tiềm năng.

Các công ty mà SBF1 đầu tư là các nhà máy sản xuất bia cho Sabeco, nhà sản xuất và phân phối bia chiếm thị phần lớn, đồng thời là cổ đông lớn của các nhà máy này, nên đầu ra cho sản phẩm đều được Tổng CTCP bia - rượu- nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bao tiêu.

Đây là những dự án, theo SBF, là mang lại hiệu quả cao, ổn định và an toàn cho các khoản đầu tư dài hạn của Quỹ, vì các khoản này đa số được SBF1 mua bằng mệnh giá...

Với những lợi thế nổi trội trên, những tưởng SBF đã trở thành một trong năm công ty QLQ hàng đầu Việt Nam về tài sản quản lý và là một trong ba công ty hàng đầu về đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, như chính tham vọng mà SBF đặt ra.

Nhưng ít ai ngờ rằng, sau 6 năm tồn tại, SBF là công ty QLQ đầu tiên bị xóa sổ, khi đứng sau SBF là đại gia Sabeco, mà Chủ tịch HĐQT của SBF cũng chính là ông Nguyễn Bá Thi, người được biết đến với vai trò Chủ tịch HĐQT của Sabeco đầy quyền lực trước năm 2012.

Đến thời điểm hiện tại, các thông tin về “chiến tích” kinh doanh của SBF đã không còn được tìm thấy trên website của UBCK và SBF, ngoại trừ báo cáo tài chính năm 2010 của SBF1.

Theo tài liệu này, SBF1 còn hơn 326 tỷ đồng vốn chủ sở hữu sau khi bị “ăn” mất hơn 23 tỷ đồng. Trong khi lợi nhuận ròng đã thực hiện trong năm 2010 đạt 12,7 tỷ đồng, thì lợi nhuận ròng chưa thực hiện của SBF1 là 30,4 tỷ đồng.

Có một điểm khá thú vị không biết do vô tình hay hữu ý, mà gần như cùng thời điểm công bố SBF hoàn tất giải thể, UBCK công bố việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý quỹ ACE Life (ACE Life FMC), với vốn điều lệ 25 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

Như vậy là cùng với các công ty QLQ có doanh nghiệp mẹ là đại gia bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài khác, như Prudential, Manulife, sự ra đời của Công ty Quản lý quỹ ACE Life hứa hẹn sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh trong ngành quỹ trở nên lành mạnh hơn, nhưng cũng nảy lửa hơn trong thời gian tới.

Sẽ còn “lọc” mạnh

Với quá trình tái cấu trúc khối công ty QLQ đang diễn ra quyết liệt, quá trình thanh lọc các công ty QLQ không đảm bảo an toàn tài chính, không đáp ứng các tiêu chí hoạt động theo các chuẩn mà Bộ Tài chính, UBCK đưa ra, được dự báo sẽ còn diễn ra “nóng” hơn trong thời gian tới.

Điều này trước mắt sẽ tác động ngay đến các trường hợp đang thụ các mức “án” khá nặng như: 3 công ty QLQ bị tạm ngừng hoạt động, 2 công ty khác đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt. Một khi không khắc phục được tình trạng mất an toàn tài chính, thì các trường hợp này khó tránh khỏi bị xóa sổ như SBF.

Để thúc đẩy quá trình đánh giá, phân loại “sức khỏe” của các công ty QLQ, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp mạnh như đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, giải thể hoạt động…, theo lãnh đạo UBCK, cơ quan quản lý đang đôn đốc các công ty QLQ khẩn trương hoàn thiện cơ cấu tổ chức, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với công ty và các quỹ, danh mục đầu tư; ban hành chiến lược, quy trình quản trị rủi ro và báo cáo UBCK trước ngày 31/3/2014.

Đặc biệt, trên cơ sở sử dụng 5 chỉ tiêu (vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị, kết quả kinh doanh (lợi nhuận) và khả năng thanh khoản), để xếp hạng công ty QLQ theo Quy chế hướng dẫn đánh giá, xếp loại công ty QLQ (CAMEL), UBCK đang chủ động chấm điểm các công ty QLQ để có biện pháp xử lý phù hợp.

Để kết quả chấm điểm các công ty QLQ khách quan, chính xác, UBCK không chỉ dựa trên các dữ liệu do công ty QLQ công bố, báo cáo, mà còn căn cứ vào các thông tin thu thập được từ quá trình giám sát, thanh tra… Trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại công ty QLQ, UBCK có thể thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, để kịp thời làm rõ các sai phạm trước khi áp dụng chế tài xử lý phù hợp.    



Theo Hữu Hòe

ĐTCK

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *