Đời Sống 09/11/2013 06:57

Sữa chua pho mai Le Petit mốc xanh

FICA - Ngày 19/10/2013, khi đi mua hàng tại Siêu thị Thành Đô (352 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội), chị Ánh có mua 01 vỉ sữa chua nhập khẩu từ Đức của hãng Bauer mang tên sữa chua pho mai Le Petit Plaisier có giá 59.000 đồng (6 hộp). Sản phẩm được bày bán trong tủ mát tại siêu thị và sau khi mua về, chị Ánh cất ngay vào tủ lạnh để bảo quản.

Sau khi mua, cháu bé con của chị Ánh đã tự lấy 1 hộp sữa chua này ra sử dụng, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ sau cháu có dấu hiệu đau bụng và bị tiêu chảy nhẹ. Do nghi ngờ tình trạng trên bắt nguồn từ hộp sữa chua vừa ăn, chị Ánh lấy 1 hộp sữa chua khác (cùng vỉ vừa mua) ra để kiểm tra. Khi lật nắp hộp sữa chua này, chị hoảng hồn khi thấy trên bề mặt của lớp sữa xuất hiện một mảng mốc tua rua có màu xanh đen, chu vi khoảng 2cm2. Xung quanh mảng mốc đó còn có thêm những hạt mốc li ti màu đen. Xem lại kỹ thông tin trên bao bì, chị Ánh nhận thấy đây là sản phẩm được sản xuất ngày 31/07/2013, hạn sử dụng vẫn còn đến ngày 06/11/2013.

Chúng tôi đã tìm hiểu và được biết, mặt hàng sữa chua Le Petit mà chị Ánh đã mua được nhập khẩu bởi Công ty CP XNK Đại Lợi (địa chỉ 551 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội), do Công ty TNHH TM Cityfood Lê Minh (trụ sở 41 ngõ 3 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) phân phối. Làm việc với phóng viên, đại diện Công ty Lê Minh ghi nhận sự cố trên và giải thích sở dĩ sữa chua bị mốc là do bao bì bị thủng. Nói về nguyên nhân dẫn đến việc vỏ hộp bị thủng, đại diện nhà phân phối cho biết có thể là do quá trình vận chuyển hàng hoặc do… lỗi từ phía khách hàng (?).

Ông Nguyễn Trí Anh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Lê Minh thừa nhận, tình trạng sản phẩm sữa chua Le Petit và một số sản phẩm sữa khác do Công ty này phân phối ra thị trường vẫn thường gặp sự cố mốc hỏng không sử dụng được. Khi gặp các trường hợp như trên, ông Trí Anh cho biết sẽ cử nhân viên tới nhà khách hàng để thu đổi sản phẩm hỏng. Tuy nhiên, khi được hỏi về cách giải quyết liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng nếu gặp vấn đề về sức khỏe, ông Trí Anh cho rằng: “Đây là rủi ro mà nhà nhập khẩu lẫn nhà phân phối đều là… nạn nhân. Chúng tôi sẽ xin lỗi khách hàng” (!).

Qua cách giải thích thiếu trách nhiệm như trên, quyền lợi của người tiêu dùng dường như đang bị xem nhẹ. Bởi lẽ, khi gặp vấn đề về sức khỏe (ngộ độc, cấp cứu…) khi dùng phải sữa chua hỏng, thì chỉ có người dùng là gánh chịu hậu quả, còn các đơn vị bán hàng đều… vô can?

Theo Đ.Anh - K.Cương

Thương hiệu và Công luận

Chuyên mục: Đời Sống

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *