Tiền và Hàng 07/12/2013 07:00

Gia tăng giá trị gạo xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2013 có thể dừng ở mức 6,7 triệu tấn thay vì 7,5 triệu tấn như mục tiêu đặt ra đầu năm. Năm 2014, thị trường xuất khẩu gạo được dự báo vẫn nhiều khó khăn, gạo Việt Nam bị cạnh tranh mạnh cả về giá và thị trường truyền thống.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 11/2013, các doanh nghiệp xuất khẩu 410.423 tấn gạo, trị giá FOB 181,694 triệu USD, trị giá CIF 201,753 triệu USD. Ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch VFA- cho biết, 11 tháng qua, xuất khẩu gạo đạt 6,143 triệu tấn, trị giá FOB 2,647 tỷ USD, trị giá CIF 2,755 tỷ USD, giảm 14% về lượng và giảm 18% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Sau hai lần điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, VFA ước con số kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay ở mức 6,6- 6,7 triệu tấn, thấp hơn gần 1 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm. Theo ông Phạm Văn Bảy, hoạt động xuất khẩu gạo năm nay gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, đặc biệt là các thị trường truyền thống. “Mặc dù lượng xuất khẩu tiểu ngạch khá lớn đã giải quyết được lượng lúa hàng hóa trong dân nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không kiểm soát được chất lượng và dễ xảy ra tình trạng gian lận thuế”- ông Bảy nói.

Điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu gạo chính là tiêu thụ gạo thơm được cải thiện đáng kể. Đến hết tháng 11, xuất khẩu gạo thơm đạt 862 ngàn tấn, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2014, bên cạnh việc giữ được các thị trường truyền thống, VFA đã kiến nghị nên tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm, hạn chế gạo cấp thấp. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là chất lượng gạo thơm đang “có vấn đề”, bị lẫn gạo khác nên ảnh hướng xấu tới thương hiệu gạo thơm Việt Nam. Đại diện VFA đề nghị cần có những giải pháp cụ thể như: Quy định về chất lượng gạo xuất khẩu, quy hoạch vùng sản xuất gạo thơm, hạn chế gạo cấp thấp.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu:

Bộ Công Thương giao cho Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan rà soát cơ chế tham gia ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo vào các thị trường có hợp đồng tập trung như Philippines, Malaysia, Indonesia để có những phương án thích hợp cho việc bán hàng vào các thị trường này.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Thị trường lúa gạo thế giới đang có những diễn biến không thuận lợi, giá tiếp tục giảm trong tháng 12/2013 và dự kiến năm 2014 giá sẽ thấp. Ông Bảy cho rằng nhà nước cần có những tính toán, chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa và doanh nghiệp.

Chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2014, VFA đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa gạo nhằm bảo đảm nguồn hàng chất lượng tốt, nhất là những giống lúa thơm mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị Chính phủ cho VFA thành lập quỹ hỗ trợ cho các mô hình liên kết và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đồng thời, cần tăng cường xúc tiến thương mại cấp Chính phủ, tạo điều kiện ký các hợp đồng tập trung lớn để dẫn dắt giá gạo xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Phan Văn Chinh - cho biết: Hoạt động xúc tiến thương mại cấp Chính phủ đang được đẩy mạnh nhằm ký thêm thỏa thuận và gia hạn được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo. Việc trúng thầu 500 ngàn tấn gạo với Philipines mới đây với giá tốt và thời gian giao hàng hợp lý (từ nay đến 15/3/2014 ) cho thấy công tác xúc tiến thương mại được thực hiện rất rốt ráo.

Đối với việc bảo đảm nguồn hàng dự trữ cho các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký, ông Chinh tính toán: Nếu đến hết tháng 12/2013, xuất khẩu gạo đạt 6,6- 6,7 tiệu tấn thì lượng gạo gối vụ trong kho chuẩn bị cho năm 2014 còn từ 500- 800 ngàn tấn, đủ để cung cấp cho các hợp đồng có lịch giao hàng, bảo đảm đủ nguồn hàng cho các hợp đồng đã ký.

Theo Thùy Linh
Báo Công thương

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *