Thời sự 03/11/2013 14:01

SCIC sẽ "sống" như thế nào?

Ủy ban Tài chính Ngân sách và Chính phủ đã thống nhất báo cáo Quốc hội một số nội dung về việc thu cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước và nếu những đề xuất này được thực hiện, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ giữ vai trò thu hộ khoản tiền này cho ngân sách.

 

SCIC dường như đã quên chức năng đầu tư, là lực lượng tiên phong trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

 

Theo Bộ Tài chính thì tình hình thu ngân sách Nhà nước năm 2013 là hết sức khó khăn. Và theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ tại kỳ họp Quốc hội lần này thì con số hụt thu ngân sách dự kiến của năm 2013 sẽ vào khoảng 63.000 tỉ đồng.

 

Từ thực tế này, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc nâng mức bội chi ngân sách đã được Quốc hội quyết định từ 4,8% lên 5,3%. Giới chuyên gia cho rằng, nếu đề xuất này được thông qua, vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng năm 2013 sẽ được bổ sung một khoản đáng kể (theo tính toán vào khoảng 140.000 tỉ đồng) và đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

 

Tuy nhiên, để giảm bớt khó khăn cho ngân sách, Ủy ban Tài chính Ngân sách và Chính phủ cũng nhất trí báo cáo Quốc hội về việc “quản lý” khoản lợi nhuận từ cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước nhưng chưa nộp tập trung vào SCIC. Và nếu đề xuất này được thực hiện, ngân sách Nhà nước sẽ được bổ sung hàng chục ngàn tỉ đồng.

 

Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2013 của Bộ Tài chính, khoản lợi nhuận được cho là lên tới 2 tỉ USD tiền cổ tức tại một số doanh nghiệp Nhà nước đã được đặt ra. Và mới đây, trong một phép tính của ông Bùi Văn Dũng - Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) thì với tổng vốn đầu tư Nhà nước vào các doanh nghiệp Nhà nước khoảng 700.000 tỉ đồng và dù kinh tế có khó khăn thì dòng vốn này hoàn toàn có thể đem lại mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu từ 5 – 7% (tức là vào khoảng 25.000 – 35.000 tỉ đồng mỗi năm – PV).

 

Xung quanh đề xuất này, hiện cũng đang có nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ những khoản thu từ cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước nhưng chưa nộp vào SCIC mà ngay cả những khoản đã vốn dĩ đã nộp vào SCIC cũng cần nộp thẳng vào ngân sách Nhà nước. Thậm chí, TS Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, khoản thu từ tiền gửi ngân hàng của SCIC cũng cần phải được điều tiết một phần về ngân sách.

 

Thực tế hoạt động kinh doanh của SCIC năm 2012 cho thấy, nếu những đề xuất trên được áp dụng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này sẽ đi đến đâu khi những khoản thu từ cổ tức và tiền lãi tiền gửi ngân hàng chiếm tới 2/3 tổng doanh thu của công ty.

 

Như PetroTimes đã phản ánh, theo báo cáo Tổng kết năm 2012 của SCIC: Tổng doanh thu năm 2012 của công ty là 3.888 tỉ đồng. Trong đó, cổ tức mà SCIC nhận về từ các doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC làm đại diện đạt tới 2.151 tỉ đồng, tương đương 55,32% tổng lợi nhuận của SCIC (con số này của năm 2011 là 1.937,83 tỉ đồng). Đáng chú ý, có tới 46,58% tổng doanh thu cổ tức trong năm 2012 được SCIC thu về từ cổ tức của Vinamilk với con số lên tới 1.001,95 tỉ đồng.

 

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy, doanh thu tài chính năm 2012 của SCIC đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỉ đồng. Và theo một phép tính được giới chuyên gia đưa ra thì, tổng số tiền mà SCIC đang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới gần 20.000 tỉ đồng (con số này của năm 2011 chỉ là 10.000 tỉ đồng).

 

Nói vậy để thấy rằng, SCIC hiện đang "sống" dựa phần lớn vào "bầu sữa" cổ tức của các doanh nghiệp Nhà nước mà doanh nghiệp này được giao và lãi tiền gửi ngân hàng. Và nếu "bầu sữa" này mất đi, lợi nhuận của SCIC không biết sẽ đi về đâu?

 

Theo Thanh Ngọc
Năng lượng mới

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *