Dòng chảy vốn 02/11/2013 08:11

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công an xử lý trốn thuế

FICA - Giữa bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ tài chính phải tăng cường thực hiện các biện pháp chống nợ đọng thuế, trong đó phải phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, xử lý các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt thuế; rà soát tình hình, quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo đúng pháp luật.


Năm nay chắc chắn hụt thu trên 63.000 tỷ đồng.

 Theo nhận định tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2013 vừa ban hành thì tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều thách thức.

Trong khi tăng trưởng tín dụng còn thấp so với mục tiêu kế hoạch đề ra, nợ xấu các tổ chức tín dụng chưa được giải quyết căn bản thì sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách chậm so với kế hoạch. Thu ngân sách chậm so với kế hoạch.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo toàn ngành tập trung công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch đề ra. Đồng thời, thực hiện triệt để tiết kiệm chi ngân sách.

Giữa bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn, cơ quan điều hành cũng giao nhiệm vụ cho Bộ tài chính phải tăng cường thực hiện các biện pháp chống nợ đóng thuế.

Đáng chú ý, lần này, Chính phủ yêu cầu phải phối hợp với Bộ Công an kiểm tra, xử lý các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt thuế; rà soát tình hình, quản lý, giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo đúng pháp luật.

Vừa rồi, báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ cho biết, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán.

Nguyên nhân hụt thu NSNN năm 2013 là do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nộp thuế gặp nhiều khó khăn, dẫn đến số thuế phát sinh phải nộp thấp làm cho số thu nội địa giảm mạnh; dự toán thu, chi NSNN năm 2013 được Quốc hội quyết định với mức phấn đấu khá cao; thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn một số khoản thu theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và theo một số luật thuế làm giảm thu ngân sách khoảng 16.600 tỷ đồng; số nợ thuế lớn và có xu hướng tăng đột biến ở nhiều địa phương.

Trong quý 4 này có cố gắng đến mức nào đi chăng nữa, ngân sách vẫn “cầm chắc” hụt thu 63.630 tỷ đồng, cao hơn con số hụt thu 59.430 tỷ đồng vừa mới được dự báo trước đó.

Vừa rồi, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Ngân sách Tài chính của Quốc hội đã thông qua phương án nâng tỷ lệ bội chi năm tới từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP.

Trong Nghị quyết lần này, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Song song với đó có giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, nhất là giải quyết vướng mắc để đẩy mạnh việc giải ngân các dự án đầu tư công theo kế hoạch. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, đảm bảo tính chính xác và đồng bộ của các số liệu kinh tế - xã hội, phục vụ công tác theo dõi, đánh giá, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; tích cực điều hành tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy hỗ trợ sản xuất kinh doanh; xử lý nợ xấu có hiệu quả thực chất; duy trì ổn định tỷ giá ngoại tệ và thị trường vàng.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *