Chân Dung 01/12/2013 18:35

Nam FPT: Xuất khẩu phần mềm, nhập khẩu sinh viên

Từ xuất khẩu phần mềm đến nhập khẩu sinh viên ngoại, ông Nguyễn Thành Nam, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT - Đại học FPT đang cùng cộng sự thực hiện tham vọng khó khăn: biến Việt Nam thành điểm đến của du học quốc tế.

Ông Nguyễn Thành Nam, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT

 

1. Là một trong 13 người sáng lập Tập đoàn FPT, Nguyễn Thành Nam nổi danh không kém cạnh so với những người FPT nổi danh khác, nhất là khi ông đã từng kinh qua 2 năm trên chiếc ghế CEO nóng bỏng của FPT.

Gặp lại ông sau những chuyến vi hành săn tìm sinh viên ngoại quốc cho “lò đào tạo” FPT, vẫn phong cách bụi bặm, bình dân đã trở thành ... thương hiệu, nhưng chiếc đầu trọc khiến người đối thoại cảm thấy giật mình.

Ông đang muốn thay đổi phong cách khi đứng ở vai trò mới - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế của Đại học FPT (?)

“Không. Đơn giản là anh bạn hàng xóm với tôi ở Lagos (Nigeria) chỉ biết cắt trọc”, anh đáp gọn lỏn.

Và lần đầu tiên tại Việt Nam, 41 sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia Hàn Quốc, Nigeria, Cameron, Lào sẵn sàng bỏ ra 12.000 USD/học phí 3 năm (hơn 252 triệu đồng) theo học chương trình đại học chính quy do một trường đại học của Việt Nam cấp bằng. Các sinh viên này theo học hai ngành là công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh với giáo trình và nội dung đào tạo đồng nhất với chương trình hiện tại dành cho sinh viên Việt Nam của trường.

Có thể nói, đây là kết quả đáng kể sau những nỗ lực xuất ngoại để tuyển sinh của ông Nam. Hơn thế, ông kỳ vọng, trong tương lai gần, số sinh viên quốc tế có thể lên tới 10% tổng số sinh viên theo học.

“Chúng tôi có một giấc mơ và đang nỗ lực để biến thành hiện thực là: Việt Nam thành điểm đến du học quốc tế”, ông nói.

Tham vọng là điều thường thấy ở những người gắn với FPT, nhiều người nói vậy, nhưng ông Nam không muốn dùng cụm từ chứa đựng nhiều hàm ý vượt ra ngoài khả năng thực hiện. Cũng như gần 15 năm trước, vào đầu những năm 2000, khi đảm nhận vai trò giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm của FPT, ông cũng không muốn coi nhiệm vụ xuất khẩu phần mềm của một quốc gia non trẻ về công nghệ thông tin là tham vọng.

“Muốn thuyết phục được sinh viên ngoại quốc đến Việt Nam du học, cần phải xây dựng thương hiệu quốc gia, bởi với người đi du học, họ sẽ chọn tên quốc gia trước khi chọn trường. Tôi và các cộng sự của mình đang đóng vai thầy địa lý để chỉ cho họ biết thế mạnh của Việt Nam ở chỗ nào và họ có thể khai thác thế mạnh đó ra sao”, ông Nam chia sẻ hành trình mà ông gọi là tạo một môi trường học tập quốc tế ngay chính tại Việt Nam – cơ sở nền tảng để ghi tên Việt Nam vào bản đồ du học quốc tế.

Cứ gọi ông là “thầy địa lý” như ông nói, thì công việc thương thuyết của ông đang vô cùng khó khăn, khi Việt Nam chưa có tên trong bản đồ du học. Hơn thế, trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2013-2014 do Diễn dàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố đầu tháng 9/2013, Việt Nam đang xếp thứ 95/148 quốc gia về giáo dục đại học. Ngay cả sinh viên Việt Nam cũng đang trong xu thế tìm kiếm cơ hội đào tạo ở nước ngoài...

Ông Nguyễn Thành Nam

Sinh năm 1961, là cựu học sinh khối chuyên Toán, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội khóa 11 (1976-1979).

Năm 1988: tốt nghiệp Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, (Liên Xô cũ) và bảo vệ luận án tiến sĩ toán tại trường đại học này.

Cùng thời gian này, ông về nước cùng với 12 người khác, đứng đầu là Trương Gia Bình, sáng lập ra Tập đoàn FPT.

1995 - 1999: Giám đốc Trung tâm Giải pháp

Phần mềm của FPT.

2000 - 2004: Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu

Phần mềm của FPT.

Từ năm 2005: Trở thành thành viên HĐQT FPT, TGĐ Công ty FPT Software.

Từ 13/4/2009-23/2/2011: Tổng giám đốc FPT

Hiện nay: Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT, Phó chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT.

“Tôi đã thuyết phục được sinh viên người nước ngoài đến học tại Việt Nam thì tại sao lại nghĩ là chất lượng giáo dục chúng ta kém. Với một quốc gia tài nguyên hạn chế như Việt Nam, cần xem giáo dục là yếu tố sống còn để phát triển đất nước. Báo cáo của WEF đã gióng một hồi chuông cảnh về vấn đề này và các trường đại học của Việt Nam không thể né tránh trách nhiệm cần phải đào tạo nhân lực chất lượng cao cho quốc gia”, ông đặt vấn đề một cách thẳng thắn và cho rằng, cơ chế bao cấp cho giáo dục đang làm khó cho các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này.

“Cùng với việc tăng cường tuyển sinh sinh viên quốc tế, tư duy toàn cầu hoá và khả năng thích nghi, làm việc trong môi trường đa văn hoá trong các trường đại học chính là động lực để các trường nâng cao chất lượng, hướng tới các chuẩn mực của một trường đại học quốc tế thực sự”, ông Nam nhấn mạnh.

2. Nổi tiếng là một người thông minh, Nguyễn Thành Nam là thí sinh đầu tiên ở Việt Nam có số điểm thi đại học kỷ lục với 30 điểm (chưa tính điểm thưởng). Sau khi gia nhập FPT, ông đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ thông tin hoàn toàn bằng tự học và đã nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình trong FPT cũng như trong giới tin học Việt Nam.

Ông đã có nhiều năm làm trong lĩnh vực tin học ngân hàng, đồng tác giả sản phẩm SIBA nổi tiếng những năm 1991-1995, đã được nghiều ngân hàng Việt nam cũng như ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam sử dụng (SIBA là phiên bản gốc ban đầu của SmartBank sau này).

Hiện tại, ông Nam được đánh giá là chuyên gia trong lĩnh vực tin học tài chính ngân hàng đạt trình độ quốc tế, nhiều hãng tư vấn nước ngoài vào Việt Nam đều mong mời được ông làm tư vấn cho hãng của họ.

Với lý lịch trích ngang “nóng” như vậy, giới trẻ luôn muốn hội kiến ông mỗi khi có dịp.

Gần đây, thấy ông thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện về tinh thần khởi nghiệp trong kinh doanh. Hỏi lý do, ông nói đơn giản vì ít khi từ chối yêu cầu của các bạn trẻ, thậm chí ông chỉ sợ không có người mời.

Cũng có thể, ở vị trí mới của ông, độ tuổi của ông với những trải nghiệm và kiến thức phong phú, chín muồi, chia sẻ kinh nghiệm là một nhu cầu tất yếu. Nhưng có vẻ như ông Nam chưa tìm kiếm được diễn đàn thỏa mãn nhu cầu này, bởi ông Nam tâm sự, vẫn đang chờ đợi những cơ hội chia sẻ kinh nghiệm thực sự hữu ích.

“Có những cuộc nói chuyện mà ban tổ chức không hiểu rõ mình sẽ thu được cái gì. Còn các bạn trẻ lại toàn hỏi những câu hỏi của người khác, hay hỏi mà không dựa trên tình huống, những đam mê thật sự của mình”, ông Nam tâm sự và lo ngại về thực trạng người trẻ “bị” học nhiều quá.

“Họ đang bị dẫn dắt bởi chủ đề phi thực tế. Mọi câu chuyện sẽ tốt hơn, hữu ích rất nhiều nếu chủ đề hẹp và các bạn sinh viên thành thật với chính mình hơn”, ông chia sẻ.

Có lẽ cũng dễ hiểu vì sao, khi xuất hiện tại những cuộc gặp gỡ đó, ông không bàn những chuyện “đao to búa lớn” về công việc kinh doanh cũng như mục tiêu tham vọng toàn cầu của FPT, mà chỉ pha trò khích lệ, khơi dậy những kinh nghiệm cũng như khát vọng làm giàu từ trong trái tim những người trẻ.

3. Lối nói chuyện dí dỏm, nhát ngừng, nhát đập và bình dị khiến mọi người khó hình dung Nguyễn Thanh Nam ở vị trí lãnh đạo. Thậm chí, có cảm giác như ở ông thiếu sự quyết liệt, nghiêm khắc cần có của một người ở vị trí như ông. Nhưng ông Nam lại không đồng tình với tư duy đó.

“Với tôi, lãnh đạo về cơ bản là không cần nhân viên nhìn thấy mình. Khi đã kiểm soát được tình hình thì không cần ra lệnh, không cần khắt khe. Từng nhân viên sẽ biết cách làm việc hiệu quả, rất khác với cách thức làm việc đối phó khi chịu tâm lý ép buộc”, ông chia sẻ.

Chẳng thế mà, gặp ông tại văn phòng khá khó. Ngay cả nhân viên của ông cũng ít khi nhìn thấy Viện trưởng ngồi trong văn phòng. 90% thời gian của ông, theo ông nói, là ở ngoài để gặp gỡ mọi người, đủ các tầng lớp và đọc sách.

“Cái được lớn nhất của một người lãnh đạo là có nhiều cơ hội để đi, để học hỏi được nhiều điều”, ông nói về cuộc sống vốn dĩ là cuộc hành trình tự khám phá bản thân mà đến giờ, ông vẫn thấy mình chưa hiểu hết chính bản thân mình.

Chat với Nguyễn Thành Nam

Ông nghĩ mọi người tìm đến ông vì yếu tố gì?

Tôi tìm đến mọi người nhiều hơn. Càng tiếp xúc được nhiều thì càng học nhiều.

Cuốn sách ông vừa đọc?

“Những ngã tư và những cột đèn”. Sách này lâu rồi nhưng giờ tôi mới đọc vì thấy phong cách lạ.

Một cuốn sách có ý nghĩa nhất?

Cuốn sách cuộc đời tôi.

Bài toán nào với ông là khó nhất?

Hiểu được bản thân mình.

Ông giữ cân bằng trước áp lực của cuộc sống như thế nào?

Chịu mãi thì quen.

Theo ông, điều gì giúp cho đất nước tạo được sức bật mới?

Đừng phê phán nhau. Cùng tìm đường thoát.

Nghe nói, ông không thích đi xe ô tô riêng mà chỉ thích đi xe buýt?

Tiện gì, tôi đi nấy. Tôi đâu có kỳ thị ô tô riêng.

Quan điểm về cách dạy con của ông?

Không khác lắm so với chim trời: bảo vệ, cho ăn, tập bay, săn mồi, tìm bạn, theo đàn và bay.

Có điểm gì ông chưa hài lòng về bản thân?

Nói hơi nhiều.

Theo Anh Hoa

Đầu tư

Chuyên mục: Chân Dung

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *