Quốc tế 08/12/2013 19:47

Ai sẽ thống trị kinh tế toàn cầu?

FICA - Cả Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đều đủ mạnh để dẫn đầu kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nền kinh tế năng động nhất.



Thế kỷ thứ 20, Mỹ thống trị kinh tế thế giới, thế kỷ 19 là Anh, thế kỷ 16 là Tây Ban Nha. Một số người Trung Quốc và châu Âu ngày nay cho rằng họ sẽ là bá chủ kinh tế toàn cầu tiếp theo. Liệu điều này có thành hiện thực?

Điều kiện tiên quyết nhất để thống trị kinh tế toàn cầu chính là quy mô. Một nền kinh tế càng mạnh thì tầm quan trọng càng lớn và quyền lực chính trị càng cao trong việc đưa ra các quyết định mang tính chất toàn cầu. Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 16,7 nghìn tỷ USD, đứng thứ 2 là khu vực đồng euro (eurozone) với GDP 12,6 nghìn tỷ USD, và thứ 3 là Trung Quốc với 9 nghìn tỷ USD. Nói cách khác, cả 3 nền kinh tế này đều đủ lớn để có thể giữ vai trò đầu tàu kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, triển vọng của một nền kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng đến khả năng thống trị toàn cầu cũng như những thách thức ở phía trước. Không ai nghĩ rằng eurozone sẽ phát triển nhanh hơn Mỹ trong vài năm hoặc thậm chí vài thập kỷ tới. Mặc dù GDP của Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ vào năm 2020, nhưng các biện pháp kiểm soát dân số cứng rắn kéo dài hàng thập kỷ sẽ làm suy yếu đà tăng trưởng trong dài hạn của Trung Quốc do đó Mỹ vẫn được coi là nền kinh tế năng động nhất.

Một đòi hỏi khác để thống trị kinh tế toàn cầu đó là tầm quan trọng mang tính hệ thống trong lĩnh vực thương mại, tiền tệ và tài chính. Không giống Trung Quốc – một cường quốc thương mại với khả năng tài chính và tiền tệ chưa hoàn thiện, eurozone đáp ứng được yêu cầu về tầm quan trọng mang tính hệ thống trong 3 lĩnh vực nêu trên.

Ngoài ra, một nền kinh tế thống trị toàn cầu thực sự phải định hình, kết nối các cơ cấu kinh tế của các quốc gia và thị trường – điều mà Mỹ đã và đang làm suốt 70 năm qua.

Tại hội nghị Bretton Woods năm 1944, Mỹ đã thiết lập cái gọi là trật tự tài chính, tiền tệ toàn cầu hậu Thế chiến II. Dưới hệ thống Bretton Woods, các ngân hàng trung ương của các nước trừ Mỹ có nhiệm vụ duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa các đồng tiền của họ với đô la Mỹ bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối. Nếu đồng tiền của một nước quá cao so với đô la Mỹ thì ngân hàng trung ương của nước đó cần phải bán tiền của mình để đổi lấy đô la Mỹ, đẩy giá trị của đồng tiền đó xuống. Ngược lại, nếu giá trị đồng tiền của một nước quá thấp thì nước đó cần phải mua vào tiền của chính mình, do vậy sẽ đẩy giá của đồng tiền đó lên.

Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971 với hệ quả là các cuộc khủng hoảng tài chính, khiến Liên minh Xô Viết tan rã trong khi một số nước đang phát triển hội nhập vào kinh tế toàn cầu.

Ngày nay, vai trò chi phối tiền tệ, tài chính và thương mại toàn cầu của Mỹ phụ thuộc vào sức mạnh liên kết. Mỹ đóng góp đồng tiền giao dịch quốc tế chính, tạo ra các xu hướng trong điều tiết tài chính và ngân hàng trung ương Mỹ đóng vai trò là người cho vay cuối cùng của thế giới.

Đô la Mỹ với vai trò là đồng tiền giao dịch quốc tế cho phép nước này vay mượn, thanh toán bằng chính tiền tệ của họ do đó không phải đối mặt với căng thẳng nghiêm trọng về cán cân thanh toán. Điều này cũng khiến Mỹ thâm hụt tài khoản vãng lai dai dẳng từ đầu những năm 1980.

Tình trạng thâm hụt này làm dấy lên lo ngại về sự tồn tại của của hệ thống này, giới quan sát từ lâu dự đoán hệ thống này sẽ sớm sụp đổ. Tuy nhiên, đến nay, nó vẫn tồn tại bởi dựa trên cơ chế cân bằng chức năng ở đó Mỹ dùng tiền của các quốc gia khác làm động cơ chính của nhu cầu toàn cầu. Thực tế, thành công của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc nhờ phần lớn vào khả năng tiêu thụ hàng xuất khẩu của Mỹ và họ cần tiếp tục để Mỹ duy trì vai trò này.

Vì điều này, gần đây, các nước xuất khẩu lớn chịu sức ép “chuẩn chỉnh” thặng dư tài khoản vãng lai như một phần của công dân toàn cầu có trách nhiệm. Trong khi, điều đó khiến thặng dư thương mại của Trung Quốc và Nhật Bản giảm mạnh, thặng dư tài khoản vãng lai của eurozone đang có xu hướng tăng. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo thặng dư tài khoản vãng lai năm 2013 của khu vực này sẽ đạt khoảng 2,3% GDP (thấp hơn 1 chút so với Trung Quốc).

Kinh tế toàn cầu do một nước có thặng dư làm đầu tàu có vẻ phù hợp hơn. Vào thời điểm diễn ra hội nghị Bretton Woods, Mỹ chiếm hơn 1 nửa sản lượng công nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, tất cả các nước khác đều sử dụng đô la Mỹ - loại tiền chỉ có Mỹ tạo ra.

Viễn cảnh Trung Quốc hay châu Âu thống trị kinh tế toàn cầu có vẻ sẽ giống như thời kỳ tiền thế chiến I khi Anh cung cấp vốn cho phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, viễn cảnh này bao hàm một hệ thống tài chính hiệu quả, sâu sắc để làm trung gian cho các dòng vốn – điều mà Trung Quốc và eurozone vẫn chưa thể đạt được.

Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính 2008, một điều không thể phủ nhận là Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo tài chính toàn cầu. Thật vậy, thị trường tài chính Mỹ cho thấy sự sâu sắc, tính thanh khoản, độ an toàn hoàn toàn khác khiến họ trở thành nam châm hút dòng vốn toàn cầu, đặc biệt trong các giai đoạn căng thẳng tài chính. Sự thống trị của Mỹ đã góp phần khẳng định vai trò toàn cầu của đồng đô la khi nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn, thanh khoản cao đều muốn đổ tiền vào trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Quan niệm một đồng tiền chung, một thị trường vốn chung sẽ tăng sức mạnh cho các định chế tài chính và làm sâu sắc thêm cho các thị trường là một nguyên tắc chính đằng sau sự ra đời của eurozone. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có một trái phiếu nào ngang ngửa trái phiếu Kho bạc Mỹ, cuộc khủng hoảng kinh tế khiến lợi suất trái phiếu ở các nước thành viên eurozone không giống nhau. Các ngân hàng hạn chế cho vay xuyên biên giới và ý tưởng thị trường vốn châu Âu chung tan vỡ.

Cũng tương tự, ở Trung Quốc, việc nhân dân tệ chưa thể hoán đổi toàn diện cùng với cơ chế giám sát tài chính còn yếu kém làm giảm triển vọng thống trị kinh tế toàn cầu của nước này.

Trung Quốc và châu Âu nên đặt câu hỏi liệu họ có muốn chấp nhận rủi ro ở vai trò trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu phức tạp và rộng lớn hay không.



Phương Linh
Theo Project-syndicate

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *