Quốc tế 20/11/2013 19:51

Khi người Hàn nghiện "chi tiêu trước, trả tiền sau"

FICA - Chỉ trong vòng hơn 20 năm, người dân Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển từ thói quen tiết kiệm sang chi tiêu và vay nợ. Quốc gia này hiện có số thẻ tín dụng bình quân trên đầu người nhiều nhất thế giới.

Một góc phố tại Gangnam - Khu nhà giàu nổi tiếng của Hàn Quốc



Theo số liệu của ngân hàng trung ương Hàn Quốc, trung bình 1 người Hàn Quốc có 5 thẻ tín dụng.

Young-Sik Jeong, một nhà kinh tế nghiên cứu nợ hộ gia đình tại Seoul cho biết, nếu năm 1990, người Hàn Quốc tiết kiệm 22,2% thu nhập gia đình thì đến năm 2012, số liệu này chỉ còn là 3,4%. Tỷ lệ vay nợ gia đình so với tổng thu nhập năm 2012 cao hơn 160 lần so với mức của Mỹ năm 2007 - thời điểm trước khi bong bong nhà đất vỡ.

Mặc dù Seoul là nơi sản sinh ra “Gangnam Style”- phong cách sống xa hoa của những người giàu có được miêu tả trong bài hát nổi tiếng của ca sĩ Psy, và là thánh địa của phẫu thuật thẩm mỹ tại châu Á thì việc bành trướng của chủ nghĩa tiêu dùng chưa thể giải thích hoàn toàn tại sao thói quen chi tiêu của người dân Hàn Quốc lại thay đổi đến chóng mặt như hiện nay.

Ông Jeong ước tính, các khoản vay thế chấp chiếm đến 2/3 số nợ của các hộ gia đình Hàn Quốc, và giá nhà đắt đỏ làm cho các khoản vay ngày càng lớn đến kinh ngạc.

Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cũng chỉ ra rằng giá nhà trung bình tại Hàn Quốc cao gấp 7,7 lần thu nhập trung bình. Tại Mỹ, tỷ lệ này là 3,5 lần. Trong khi đó, vay nợ để chi cho giáo dục – ví dụ như tiền học thêm các lớp nâng cao sau giờ học- cũng chiếm đáng kể trong số nợ của hộ gia đình tại Hàn Quốc.

“Không phải họ muốn thành ông nọ bà kia, họ chỉ lo bị xã hội bỏ lại phía sau; đây là một lo lắng thực sự trong xã hội phát triển nhanh. Toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc hoạt động trên cơ sở vay nợ quá nhiều. Từ ngoài nhìn vào, thì trông giống như một vụ lừa đảo tài chính vay tiền của người này để trả nợ cho người khác, nhưng khi nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang phát triển lớn mạnh thì những khoản nợ này đều có thể giải quyết được. Tuy nhiên, nếu họ không vay nhiều, họ sẽ rất sợ người khác có thể vay và đầu tư nhiều hơn, thế là họ bị bỏ lại đằng sau”. Tom Coyner, của công ty tư vấn doanh nghiệp Soft Landing nhận định.

Bùng nổ nợ ở Hàn Quốc có thể là do tín dụng ngày nay quá dễ dàng. Ông Jeong cho biết “Rất khó để vay tiêu dùng vào những năm 1990, các tổ chức tài chính thường thích cho doanh nghiệp vay với lãi suất cao hơn”. Nhưng ngày nay, các gia đình có thể vay ngân hàng dễ dàng và sở hữu nhiều thẻ tín dụng cùng một lúc. Ông Coyner nhớ lại “Khoảng một thập kỷ trước, khi thẻ tín dụng mới bắt đầu phát triển rộng rãi, người ta còn thấy người ngồi quảng cáo thẻ tín dụng phát đơn đăng ký ngồi khắp trên vỉa hè. Và rồi ai ai cũng dùng thẻ tín dụng”'.

Nền kinh tế Hàn Quốc phát triển chậm lại trong khoảng 20 năm gần đây cũng gây khó khăn cho các gia đình trung lưu tại Hàn Quốc trong việc tiết kiệm. Khoảng giữa thập niên 90, trước khủng hoảng tài chính châu Á 1997, tăng trưởng kinh tế ở đây khoảng 6 đến 7% một năm. Sau một vài năm khó khăn, tăng trưởng kinh tế phục hồi gần bằng mức trước đó trong đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, 3 trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế thực của Hàn Quốc âm và thất nghiệp cũng tăng trầm trọng.

“Những người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn để tìm được công việc tốt”, bà Sarah Kim, phóng viên tờ JongAng Daily tại Seoul cho biết. “Trường học và việc làm hiện nay đều rất cạnh tranh vì các chế độ bảo đảm việc làm ngày càng ít và không thể đủ chỗ tốt cho tất cả mọi người được”.

Vậy văn hoá vay nợ nhiều của Hàn Quốc có ảnh hưởng như thế nào? “Có nhiều lo ngại, nhưng đây không phải là vấn đề chính hiện nay của Hàn Quốc”,  ông Coyner cảnh báo. "Nhưng đây sẽ là điểm rất yếu của đất nước này nếu có một khủng hoảng tài chính thế giới nữa diễn ra”.

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *