Thời sự 04/11/2013 07:15

"Cắt" cho vay bằng ngoại tệ sớm hơn dự kiến

Theo lộ trình chống đô-la hóa của Chính phủ, việc cho vay ngoại tệ đến năm 2020 mới chấm dứt. Tuy nhiên, với những bước đi hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc cho vay ngoại tệ có thể sẽ bị “cắt” sớm hơn.

Siết từng bước một

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng tiền đồng đạt trên 11%, trong khi tín dụng ngoại tệ âm tới 13,6%. Tín dụng ngoại tệ sút giảm nằm trong lộ trình chống đô-la hóa của Chính phủ, bắt đầu từ năm 2011, kéo dài đến năm 2020.

Theo PGS-TS Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, nhờ việc siết chặt cho vay ngoại tệ mà tỷ trọng cho vay ngoại tệ trên tổng dư nợ đã giảm rất mạnh từ mức 20% trong năm 2011.

Tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán cũng giảm từ mức 19,5% năm 2011 xuống còn hơn 11% vào giữa năm nay.

Các quan hệ huy động và cho vay ngoại tệ trong nền kinh tế chuyển dần sang quan hệ mua - bán. Tỷ lệ huy động ngoại tệ trên tổng dự nợ giảm dần.

Trên thực tế, các chuyên gia kinh tế đánh giá rất cao lộ trình và những kết quả chống đô-la hóa mà NHNN đạt được thời gian qua.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, những thành quả trên thị trường ngoại tệ hiện nay, như dự trữ ngoại hối gia tăng, tỷ giá ổn định, không phải tự nhiên mà có, mà đó là kết quả từ một loạt chính sách chống đô-la hóa của NHNN, như tăng dự trữ bắt buộc với tiền gửi ngoại tệ, giảm trạng thái ngoại hối của các ngân hàng, hạn chế đối tượng vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ…

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, theo lộ trình chống đô-la hóa của Chính phủ, việc huy động và cho vay ngoại tệ sẽ kết thúc vào năm 2020, song với những bước đi hiện nay, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ có thể sẽ diễn ra sớm hơn.

Ngân hàng, doanh nghiệp vẫn lo

Ủng hộ chủ trương chống đô-la hóa của Chính phủ, song bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vẫn tỏ ra băn khoăn. “Cho vay ngoại tệ đang được siết dần, nhưng việc chấm dứt cho vay ngoại tệ, theo tôi, phải tiến hành từ từ. Tại MB, chúng tôi vẫn đang có một tỷ lệ nhất định tín dụng ngoại tệ”.

Không chỉ MB, nhiều ngân hàng khác cũng rất lo lắng với thông tin tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, đưa lãi suất huy động ngoại tệ xuống 0%, bởi một khi lãi suất không còn, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn có nhu cầu USD để bán ra cho người dân và doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, nỗi lo còn lớn hơn. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Nông sản Apromaco đánh giá rất cao chính sách điều hành tỷ giá ổn định của NHNN, song cho rằng, nếu cấm cho vay bằng ngoại tệ, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn rất lớn trong khâu thanh toán.

Trước băn khoăn của các ngân hàng, doanh nghiệp, bà Tô Kim Ngọc khẳng định, Chính phủ có nhiều phương án giảm và đang tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ.

Tuy nhiên, việc này sẽ được tiến hành từ từ. Giảm lãi suất huy động cũng phải thực hiện từng bước, bởi nếu đưa lãi suất huy động ngoại tệ về 0%, có thể dòng ngoại tệ sẽ không chảy vào ngân hàng, khiến các ngân hàng gặp khó khăn trong cân đối nguồn ngoại tệ. Đây cũng chính là lý do khiến NHNN vẫn duy trì lãi suất huy động USD ở mức 1,25%/năm.

Theo Thùy Liên
Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *