Bán vốn Nhà nước: Chờ bớt lỗ biết tới bao giờ?

FICA - Để tránh ách tắc trong công tác thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình xem xét về phương án cho bán vốn dưới mệnh giá. Điều này đồng nghĩa với việc, chấp nhận lỗ trong các khoản đầu tư để lấy vốn phục vụ các nhiệm vụ khác quan trọng hơn kinh doanh.

Trao đổi với PV Dân trí bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tiến độ cải cách doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang là vấn đề được quan tâm nhất tại diễn đàn VBF lần này.

Theo đó, trong thời điểm hiện tại, các vấn đề lớn như lạm phát, ổn định vĩ mô đã được giải quyết và dần hạ nhiệt, điều cần phải làm là nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

DNNN đang là khu vực nắm một nguồn lực kinh doanh và tài nguyên rất lớn, phải đảm bảo hiệu quả khu vực này mới nâng cao được hiệu quả của nền kinh tế.

Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham cho biết, khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Bản thân điều này không có gì đáng quan ngại; tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp và thường hoạt động không hiệu quả. Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế do dẫn đến việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này.

EuroCham kiến nghị, Chính phủ cần tiến hành cổ phần hóa các DNNN trong thời gian sớm nhất có thể để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cập nhật, trong hơn 10 năm trở lại (từ 2001 đến tháng 3/2013), cả nước đã thực hiện cổ phần hóa trên 3.000 doanh nghiệp trên tổng số 3.659 doanh nghiệp. Giai đoạn vừa qua là giai đoạn đã cổ phần hóa trên diện rộng. Việc cổ phần hóa đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, và góp phần vào việc phát triển các yếu tố thị trường đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, việc thoái vốn đang gặp phải một rào cản lớn đó là yêu cầu thoái vốn phải bằng hoặc cao hơn mệnh giá để tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng chỉ ra rằng, các văn bản hướng dẫn hiện hành còn chưa phù hợp với quy định "việc thoái vốn đầu tư của các công ty nhà nước không được thấp hơn giá trị sổ sách", hoặc "đối với những công ty cổ phần chưa niêm yết, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá trên 10 tỷ đồng phải thực hiện đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán" đã nên gây tâm lý lo ngại, chần chừ, sợ thất thoát vốn Nhà nước, sợ trách nhiệm.

Xem xét cho phép bán vốn Nhà nước dưới mệnh giá

Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn và tổng công ty nhà nước, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đang đang nghiên cứu tính đến các giải pháp thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá và sắp tới sẽ có những quy định cụ thể. Đồng thời, Bộ cũng sẽ ban hành những quy định về chuyển nhượng vốn đầu tư tại những công ty chưa niêm yết; nghiên cứu sửa đổi quy định chào bán cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước đã đầu tư.

Trao đổi với Dân trí về phương án này, Chủ tịch VCCI đồng ý rằng, nếu thực sự những doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm cổ phần hoạt động kinh doanh không hiệu quả thì cần phải bán, thậm chí là bán dưới mệnh giá và điều quan trọng là cơ chế giá bán phải theo giá thị trường.

"Nếu các giá cổ phần của doanh nghiệp dưới mệnh giá thì phải chấp nhận, chứ không thể đòi hỏi là cứ phải bán trên mệnh giá mới được bán", ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho rằng, cần phải xem lại, phải điều chỉnh các quy định đang gây cản trở cho tiến trình thoái vốn ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Với cơ chế thị trường thì kể cả chấp nhận lỗ, thất thoát vốn Nhà nước cũng phải bán. Trên thực tế, nếu giá DNNN chỉ có thế thì không thể bán cao hơn được!

Theo phân tích của ông Lộc, khi bán vốn, dù với giá thấp thì ít ra Nhà nước còn thu lại được một phần tiền, còn nếu để tiếp tục lỗ thì thậm chí có thể mất toàn bộ.

Ông Lộc đề nghị, Nhà nước cần phải rút vốn ra khỏi các lĩnh vực không cần thiết, để khu vực tư nhận, khu vực đầu tư nước ngoài mua lại, họ sẽ có khả năng hồi phục lại doanh nghiệp nhanh hơn, giúp doanh nghiệp tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động và từ đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.

Bán đúng giá thì không thể gọi là mất vốn!

Trả lời câu hỏi của Dân trí về việc nhiều doanh nghiệp đang chờ lấ lý do thị trường đang trầm lắng và bất lợi nên xin lùi thời hạn cổ phần hóa sau 2015, ông Lộc nói, điều quan trọng là bây giờ Nhà nước đang cần vốn cho những mục tiêu khác cũng bức thiết không kém mục tiêu kinh doanh, thậm chí còn cao hơn mục tiêu kinh doanh rất nhiều như đầu tư cho cơ sở hạ tầng, vào giáo dục và y tế.

Theo ông Lộc, đầu tư vào cơ sở hạ tầng thậm chí còn có sức tác động lớn hơn so với "ngâm" vốn trong doanh nghiệp. Do vậy, tốt nhất là phải chấp nhận bán lỗ chứ không nên chờ đợi.

Nếu doanh nghiệp có tiềm năng, có triển vọng thì cũng có thể bán giá cao vì khi nhà đầu tư vào mua sẽ mua dựa trên cả giá trị tương lai của doanh nghiệp. Có thể doanh nghiệp đang khó khăn nhưng tiềm năng phát triển rất lớn.

Ông Lộc cũng lưu ý, các DNNN cần xem lại cơ chế bán và cách bán. Nếu có được một cơ chế bán đảm bảo minh bạch, công khai thì chắc chắn sẽ vẫn thu hút được nhiều người mua. Kể cả khi doanh nghiệp có khăn mà cho thấy được tiềm năng của doanh nghiệp, cho thấy cơ hội sinh lời thì nhà đầu tư sẵn sàng mua và trả giá cao.

Và theo ông Lộc nhận định thì "nếu bán đúng giá, không thể gọi là mất vốn được!"

Vốn ở Vinamilk cũng cần phải bán

Ngay cả ở những doanh nghiệp có lãi lớn, kinh doanh tốt thì cũng nên bán để dùng tiền đó đầu tư vào những lĩnh vực khác cần thiết hơn, có tác động xã hội rộng hơn và Vinamilk cũng vậy - ông Lộc nói.

Theo phân tích của Chủ tịch VCCI, "Nhà nước cần điều gì? Đó là thuế, là công ăn việc làm cho người dân, là tăng trưởng. Nếu dùng tiền đó để đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì còn sinh ra thêm rất nhiều cơ hội đầu tư khác nữa. Nhà nước phải xác định được: Giữ Vinamilk hay đầu tư vào giáo dục? gGữ Vinamilk hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng? Cái nào cần thiết hơn?"

Ông Lộc cũng đề cập đến khái niệm "cổ phần vàng" trong doanh nghiệp. Với cổ phần vàng, Nhà nước vẫn có có thể nắm được quyền kiểm soát, vẫn có thể quyết định được số phận doanh nghiệp, có quyền can thiệp vào các quyết định quan trọng của doanh nghiệp mặc dù giá trị thị trường của cổ phần rất thấp.

"Nhà nước cần sử dụng đồng tiền vào những nhiệm vụ quan trọng hơn và đích thực là nhiệm vụ của Nhà nước, vì vốn Nhà nước là tiền của nhân dân", ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *