Chứng Khoán 06/12/2013 21:33

Lo ngại thâu tóm, doanh nghiệp lớn không mặn mà tối đa vốn ngoại

FICA - Chuyên gia Michel Tosto của VCSC cho rằng, việc nới lỏng room tối đa cho khối ngoại lên 60% không phải là phép màu bởi sẽ có thể gặp nhiều trở ngại từ Đại hội đồng cổ đông. Phần lớn các công ty có giá trị vốn hóa lớn, với tỷ lệ cổ phần của nhà nước ở mức cao cũng sẽ tránh tăng room tối đa cho khối ngoại trong nhiều năm do lo ngại thâu tóm.

 

Về phương án tăng tỉ lệ nắm giữ ("room") tối đa cho khối ngoại (FOL), mới đây, Chính phủ đã cho biết Thủ tướng có thể sẽ thông qua dự thảo luật gần đây nhất trước khi kết thúc năm 2013.

Theo ông Michel Tosto - Giám đốc Dịch vụ cổ phiếu & Trái phiếu - Khách hàng tổ chức của CTCK Bản Việt (VCSC), vẫn còn một số vấn đề cần thảo luận nên khả năng này vẫn còn chưa hoàn toàn chắc chắn về mặt thời gian, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Nội dung của đề xuất là tăng room tối đa cho khối ngoại lên 60% (cổ phiếu có quyền biểu quyết).

Nới lỏng room tối đa cho khối ngoại không phải là phép màu

Hiện đã có một dự thảo để hướng dẫn các doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền thực hiện quy trình tăng room tối đa cho khối ngoại. Điều này sẽ góp phần giảm bớt thời gian thực hiện, nhưng chuyên gia VCSC cho rằng, dự thảo trên có thể sẽ còn được sửa đổi.

Như vậy, việc thực hiện chưa phải ngay lập tức, song có thể chỉ cần vài tháng nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Do không biết quy trình áp dụng sẽ như thế nào, nhưng do thủ tục hành chính tại Việt Nam vốn thường phức tạp nên VCSC giữ thái độ thận trọng, và một mặt vẫn hy vọng quy trình sẽ đơn giản.

Trong báo cáo lần này, ông Tosto lưu ý rằng, việc nới lỏng room tối đa cho khối ngoại không phải là phép màu. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải tự mình nộp đơn xin tăng room tối đa cho khối ngoại - điều này đòi hỏi sự đồng thuận của cổ đông tại ĐHCĐ thường niên hoặc bất thường, và sau đó cần được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hơn nữa, cũng không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tăng room tối đa cho khối ngoại.

Ngoài ra, có khả năng các doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực mà hoạt động của khối ngoại bị hạn chế sẽ buộc phải ngưng hoạt động trong các lĩnh vực này nếu cổ phần của khối ngoại vượt trên 50%.

Nếu một doanh nghiệp có hơn 50% sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp này có thể được xem là doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp nội về mặt pháp lý. VCSC cho rằng, cách nhìn nhận này có thể sẽ dẫn đến nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động kinh doanh hạn chế quyền tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi thông lệ từ trước nay, việc có trên 50% sở hữu nước ngoài cũng có nghĩa là doanh nghiệp phải dừng hoạt dộng trong các lĩnh vực giới hạn quyền tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Có một vấn đề vướng mặc đó là, những dự thảo luật trước đây không nói rõ doanh nghiệp chỉ được phép tăng room tối đa cho khối ngoại bằng phát hành cổ phiếu mới, hay cũng có thể tăng room tối đa cho khối ngoại mà không cần phải có nhu cầu tăng vốn.

Theo nguồn tin của VCSC, việc tăng room tối đa cho khối ngoại được dự định sẽ áp dụng cho cả cổ phiếu hiện hành lẫn cổ phiếu mới, và dự thảo luật mới nhất có quy định rõ về vấn đề này.

Mở đường cho các thương vụ M&A

Nếu điều luật này được thông qua mà không sửa đổi, tác động chính trong trung hạn là có thể mở đường cho các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) đối với những doanh nghiệp có ý định bán cổ phần chi phối cho khối ngoại.

VCSC cho rằng điều này nhiều khả năng xảy ra hơn đối với các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa nhỏ và vừa. Đồng thời, cũng sẽ khó có doanh nghiệp nào sẽ tăng room tối đa cho khối ngoại mà không cân nhắc xem bên nào sẽ có thể thâu tóm mình trước khi nộp đơn.

Tại báo cáo, ông Michel Tosto nhận định, các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nhiều khả năng sẽ không tăng room tối đa cho khối ngoại trong ngắn hạn.

Theo đó, có thể trong dài hạn, nhà nước sẽ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp được xem là không cốt lõi, nhưng điều này khó có thể xảy ra đối với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt vượt bậc (như VNM, DHG, VNR, GAS) trong một thời gian dài, như thể hiện trong Đề án tái cơ cấu của SCIC.

VCSC cũng cho rằng, phần lớn các công ty có giá trị vốn hóa lớn, với tỷ lệ cổ phần của nhà nước ở mức cao sẽ tránh tăng room tối đa cho khối ngoại trong nhiều năm do lo ngại thâu tóm.

Mai Chi

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *