Dòng chảy vốn 25/12/2013 07:19

“Ăn quỵt” môi trường là tham nhũng

Nhà nước không có số liệu về trữ lượng các mỏ ở dưới đất nên không quản được khối lượng khai thác.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, phát biểu như trên tại buổi tọa đàm “Các sáng kiến minh bạch trong công tác bảo vệ môi trường” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức hôm 24-12.Pháp Luật TP.HCM xin lược ghi.

 

Lấy một phải trả cả ngàn

 

Khai thác quặng sắt tại vùng hồ Ba Bể gây ô nhiễm nước hồ, phá rừng làm thủy điện gây lũ lụt ở miền Trung, vỡ hồ chứa bùn đỏ do khai thác titan tại Bình Thuận, khai thác bauxite ở Tây Nguyên… đó là những ví dụ về khai thác tài nguyên gây tác động xấu đến môi trường.

 

Trong khai thác khoáng sản đòi hỏi mức đầu tư cao hơn mới có thể bảo vệ môi trường, đó là lý do chính để các nhà đầu tư tìm mọi cách lẩn tránh các chi phí này. Các nhà kinh tế gọi đây là “ăn quỵt” môi trường. Nếu cơ quan quản lý không “vững tay” mà bỏ qua, đó là thiếu trách nhiệm; nếu tham gia luôn vào bộ máy ấy, đó là thiếu đạo đức.

 

Đáng nói là nếu lấy một đồng của môi trường hôm nay, thế hệ tương lai sẽ phải trả hàng ngàn đồng để khắc phục. Không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư là một hình thức tham nhũng trong khai thác tài nguyên thiên nhiên.

 



Nhà nước không có số liệu về trữ lượng các mỏ là một vấn đề đáng lo ngại khi không quản được khối lượng khai thác. Ảnh: CTV

 

Chưa có quy định về bồi thường

 

Pháp luật về môi trường của ta hiện nay chưa có quy định về bồi thường thiệt hại từ việc khai thác tài nguyên tất yếu gây ra. Trong nhiều năm, các nhà máy tại KCN Biên Hòa khiến sông Đồng Nai ô nhiễm nặng. Và nếu không có vụ bắt quả tang Nhà máy Vedan xả thải trực tiếp ra sông thì người dân cũng không có cơ hội đòi bồi thường.

 

Nhận thức về khoa học-công nghệ môi trường còn yếu kém đã dẫn tới tình trạng không dự báo hết các tác động. Hiện ở miền Trung có trên 40 đơn vị khai thác ở 38 khu mỏ, có 18 xưởng tuyển tinh quặng, hơn 2 triệu tấn quặng đã được khai thác. Ở đây, người dân hoàn toàn không được hưởng lợi từ bồi thường về môi trường. Trong khi tài nguyên đất bị mất, rừng phòng hộ bị tàn phá, nguồn nước ngọt nhiễm bẩn, nhiễm mặn, không khí nhiễm bụi, ảnh hưởng sức khỏe người dân.

 

Thực tế như vậy nhưng chưa hề có một tính toán về bài toán phân tích giữa chi phí và lợi ích. Nếu tính được thật khách quan, chắc nhiều khu mỏ đã bị ngừng cấp phép khai thác.

 

Xử lý không đủ răn đe

 

Việc thực thi pháp luật kém đã làm hầu hết doanh nghiệp coi báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ là hình thức và hầu như quên ngay báo cáo này trong quá trình triển khai dự án. Với thực trạng đó, các cơ quan quản lý phải tích cực thực hiện công cụ thanh tra, kiểm tra và tạo điều kiện cho các tổ chức, công dân thực hiện giám sát. Tuy nhiên, việc kiểm tra không thường xuyên và khi phát hiện sai phạm, cách xử lý không triệt để đã không có tác dụng răn đe.

 

Một vấn đề rất đáng lo ngại là Nhà nước không có số liệu về trữ lượng các mỏ nên không quản được khối lượng khai thác. Số liệu dựa vào kê khai của doanh nghiệp khiến việc tính thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản không tương xứng. Đây là kẽ hở lớn nhất trong bài toán hài hòa lợi ích. Hiện tại lợi ích đang nghiêng hẳn về nhà đầu tư khai thác, Nhà nước được không đáng kể và cư dân địa phương chịu thiệt thòi hoàn toàn.

 

GS ĐẶNG HÙNG VÕ

 
 
Cộng đồng địa phương có rất ít cơ hội tiếp cận thông tin các dự án khai thác mỏ, dù họ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc môi trường bị ảnh hưởng. Các lỗ hổng chính sách và sự yếu kém trong công tác thanh tra đang được xem là nguyên nhân chính của xâm hại môi trường.

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên

Có một nghịch lý là doanh nghiệp lấy đi tài nguyên và để lại hậu quả xấu nhưng địa phương lại phải đi xin doanh nghiệp giúp đỡ lại một cách tùy lòng hảo tâm chứ không bắt buộc. Do đó cần phải có quy định cứng, doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải có nghĩa vụ như thế nào với địa phương.

Ông NGUYỄN ĐỨC QUÝ,Hội Tuyển khoáng Việt Nam

Ở Việt Nam, minh bạch trong khai thác khoáng sản là rất khó. Chúng tôi có đoàn chuyên gia 10 người trong nhiều lĩnh vực, làm việc với một doanh nghiệp khai thác than ở Quảng Ninh trong một tuần. Dù đã tiếp cận với sổ sách kế toán nhưng chúng tôi cũng không thể biết doanh nghiệp đã bán cho Nhà nước bao nhiêu tấn than, bán ra ngoài bao nhiêu và bao nhiêu than thổ phỉ.

Ông ĐÀO TRỌNG HƯNG,
Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam

HOÀNG VÂN ghi


Theo PLTP
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *