Toshiba lỗ thật hay chỉ là chiêu chuyển giá?

Sau Suzuki, Nestlé, KAO, Posco VST…, giờ đến lượt Toshiba, Ritek, Hualon cũng lộ diện là đã thua lỗ nặng.

Bắt đầu đi vào sản xuất từ tháng 9/2010, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 77 triệu USD, nhưng chỉ sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia đã thua lỗ nặng. Theo số liệu của Cục Thuế Đồng Nai, lỗ của công ty này lũy kế đến hết năm 2012 là 479.932 triệu đồng (tương đương 23 triệu USD), chiếm tới 82% vốn chủ sở hữu.

Thực tế này có vẻ trái ngược với kỳ vọng của Toshiba khi đưa vào hoạt động nhà máy chuyên sản xuất các loại động cơ mô tơ công nghiệp công suất dưới 100 mã lực và các phụ tùng động cơ.

Khi đó, đánh giá cao nhu cầu sử dụng các loại động cơ mô tơ, Toshiba dự kiến đến năm tài chính 2015 sẽ xuất khẩu 1,2 triệu động cơ/năm.

Tuy nhiên, có vẻ mọi kỳ vọng đã không như dự kiến.

Cùng nằm trong danh sách các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thua lỗ, có Nestlé, KAO, Suzuki, Posco VST, mà Báo Đầu tư từng đề cập.

Cụ thể, chỉ tính lũy kế 5 năm qua (2008 - 2012), các doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế tương ứng là 30,8 triệu USD; 38.137 triệu đồng; 413.240 triệu đồng và 1.067.183 triệu đồng.

Ngoài ra, theo thông tin của Báo Đầu tư, trong danh sách thua lỗ còn có Công ty TNHH Olympus Việt Nam và Ritek. Trong đó, Công ty TNHH Olympus Việt Nam tuy có lãi trong hai năm 2011 - 2012, nhưng lũy kế từ khi thành lập cho đến hết năm 2012 đã lỗ 15.295.418 USD, chiếm 64% vốn góp chủ sở hữu. Còn Ritek, tính lũy kế trong 5 năm 2008 - 2012, công ty này đã lỗ 186.463 triệu đồng.

Sẽ là bình thường nếu vì kinh tế khó khăn trong những năm qua mà doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Nhưng nếu thua lỗ kéo dài, như Nestlé kinh doanh ở Việt Nam 18 năm, nhưng chỉ có lãi trong 4 năm, hay KAO Việt Nam cũng sản xuất - kinh doanh trong thời gian tương tự mà chỉ có lãi 1 - 2 năm… là dấu hiệu bất thường.

Dư luận đã từng đặt câu hỏi về chiêu “lỗ giả, lãi thật”, chuyển giá, lỗ nhưng vẫn liên tục mở rộng đầu tư, mà không ít doanh nghiệp FDI áp dụng trong thời gian qua.

“Các công ty nêu trên đều có kê khai giao dịch liên kết, nhưng hiện nay chưa có cơ sở xác định chuyển giá. Do đó, Cục Thuế Đồng Nai đang tiếp tục thu thập thêm nhiều thông tin để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách nhà nước các công ty này”, lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai cho biết.

Đồng Nai là một trong những tỉnh trong thời gian qua rất tích cực trong công tác chống chuyển giá. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Thuế Đồng Nai, dù đã đi kiểm tra khá nhiều doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ kéo dài, song năm ngoái, Cục Thuế tỉnh và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) mới ra quyết định chính thức về việc “có chuyển giá” đối với một công ty duy nhất. Đó là Hualon Corporation.

Một nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, tới cuối năm 2012, Hualon đã lỗ lũy kế trên 79,8 triệu USD, chiếm 61% vốn góp chủ sở hữu. Đây cũng chính là trường hợp mà mới đây, các cơ quan truyền thông đã phanh phui việc công ty này mua một bộ dây chuyền dệt vải từ bên liên kết nước ngoài với giá nhập khẩu gần 16 triệu USD, nhưng sau đó bán lại cho công ty khác với giá 400.000 USD.

Từ “thương vụ” bất thường này, cơ quan thuế đã vào cuộc và kết luận Hualon đã có hoạt động chuyển giá trong thời gian qua, truy thu một khoản thuế lớn.

Lỗ thật hay chỉ là chiêu bài chuyển giá? Đó là câu hỏi đã được đặt ra và dư luận vẫn đang tiếp tục chờ đợi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, chống chuyển giá.


Theo Nguyên Đức

Đầu tư

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *