Cần đoạn tuyệt với thủy điện nhỏ

Nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn đề nghị đã đến lúc cần “đoạn tuyệt với thủy điện nhỏ” vì “được không bằng mất” và nên hướng sự quan tâm sang các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời.

Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, chiều 13/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề “nóng” về rà soát quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện hiện nay.

 



Trong các ý kiến phát biểu trước đó, các đại biểu Quốc hội đều tán thành đánh giá của Chính phủ về vai trò thủy điện trong đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển KTXH, nhưng đồng thời cũng đưa ra nhiều ý kiến về việc phát triển tràn lan đáng lo ngại của các công trình thủy điện thời gian qua với những hệ lụy, ảnh hưởng về môi sinh và đời sống người dân.

Nhiều đại biểu đưa ra danh sách loại bỏ 424 dự án thủy điện của Chính phủ để chứng minh về một thời gian dài công tác quy hoạch thủy điện chưa trúng, chưa đúng trên nhiều địa phương. 



Đặc biệt, đại biểu ở các tỉnh có công trình thủy điện đã nêu những câu chuyện thực tế về việc nhiều dự án không đảm bảo về vấn đề bảo vệ môi trường, ít quan tâm đến báo cáo đánh giá tác động môi trường, “nợ” nghĩa vụ trồng rừng thay thế cũng như dịch vụ chi trả môi trường rừng.

Vấn đề “hậu thủy điện”, với những bất cập trong đền bù, tái định cư, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng công trình cũng được đề cập.

Nhiều đại biểu thẳng thắn đề nghị đã đến lúc cần “đoạn tuyệt với thủy điện nhỏ” vì “được không bằng mất” và hướng sự quan tâm sang các dự án năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời.

65% thủy điện nhỏ do địa phương phê duyệt

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp thu và giải trình rõ những vấn đề đại biểu nêu ra đối với những bất cập trong quy hoạch, xây dựng thủy điện.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, quy hoạch thủy điện là quy hoạch mở với sự rà soát, chỉnh sửa, loại trừ và bổ sung thường xuyên trên cơ sở đánh giá phù hợp với tình hình thực tế. Đây cũng là quy hoạch được xây dựng, triển khai trên phạm vi cả nước, không chỉ của Chính phủ hay Bộ Công Thương. Đặc biệt, từ năm 2006 tất cả các thủy điện nhỏ đều giao cho các địa phương phê duyệt quy hoạch và có khoảng 65% dự án thủy điện nhỏ hiện nay là do địa phương quyết định xây dựng.

“Vì vậy, đây là vấn đề của chính chúng ta và việc rà soát, đánh giá một lĩnh vực đầu tư xây dựng lớn như vậy đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ TƯ đến từng địa phương để đưa ra những giải pháp đúng đắn, giải quyết triệt để được những bất cập”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Về các ý kiến cho rằng chỉ khi Quốc hội có Nghị quyết thì Chính phủ mới rà soát, loại bỏ hàng trăm dự án thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết tính mở trong quy hoạch thủy điện luôn được tuân thủ. Cụ thể, giai đoạn 2005-2009, Bộ Công nghiệp (sau đó là Bộ Công Thương) đã phối hợp với địa phương loại 10 dự án khỏi quy hoạch. Từ cuối 2009-2010 loại tiếp 38 dự án và nhiều vị trí tiềm năng; từ 2010 đến nay loại thêm hàng trăm dự án.

“Chúng ta luôn rà soát, sửa đổi (quy hoạch thủy điện-PV) và việc có Nghị quyết Quốc hội là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh hơn việc này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm trừ 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã tiến hành thủ tục chuẩn bị dự án, đánh giá tác động môi trường với chi phí khoảng 12 tỷ đồng, hầu hết các dự án thủy điện bị loại bỏ còn lại không có chi phí đáng kể, vì chủ yếu là đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Nói thêm về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, người đứng đầu ngành Công Thương đánh giá đây là dự án đã “làm hết sức bài bản”, từ đề xuất của UBND Lâm Đồng, Chính phủ đã giao cho các Bộ liên quan phối hợp với các địa phương liên quan, Vườn quốc gia Cát Tiên để quyết định cho chủ đầu tư nghiên cứu dự án. Nhưng sau khi dư luận có ý kiến (về đánh giá môi trường rừng và các vấn đề khác), dự án đã bị loại bỏ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc tiếp thu các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện. Trước mắt, từ nay trở đi, khi quyết định xây dựng các dự án thủy điện, không phân biệt quy mô, sẽ đều phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Việt Nam có hơn 3.450 hệ thống sông, suối lớn nhỏ, tiềm năng thủy điện với tổng công suất khoảng 35.000 MW và điện lượng khoảng 300 tỷ kWh/năm.

Cả nước hiện có 1.239 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 26.012,8 MW và tổng dung tích phòng lũ thường xuyên cho hạ du 10,51 tỷ m3, trong đó gồm 130 dự án trên 30 MW (tổng công suất 19.233,6 MW và tổng dung tích 10 tỷ m3) và 1.109 dự án dưới 30 MW (công suất 6.779,2 MW và tổng dung tích 0,51 tỷ m3).

Theo Nguyên Linh
Chinhphu.vn

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *