Chứng Khoán 03/12/2013 19:07

300 triệu USD đã chảy vào chứng khoán Việt Nam

FICA - Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 300 triệu USD trên thị trường chứng khoán, đạt con số của cả năm ngoái. Còn thị trường trái phiếu đã thu hút được khoảng 500 triệu USD trong 12 tháng vừa qua.

 
Trong 30 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của Việt Nam thì có đến 12 doanh nghiệp hết "room".


Theo thông tin được đại diện nhóm công tác Thị trường vốn (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF) cung cấp ngày 3/12, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 300 triệu USD trên thị trường chứng khoán, đạt con số của cả năm ngoái. Còn thị trường trái phiếu đã thu hút được khoảng 500 triệu USD trong 12 tháng vừa qua.

Tuy nhiên, Nhóm công tác cho rằng, các con số này vẫn hết sức khiêm tốn so với mức đầu tư nước ngoài (FDI) và so với các nước trong khu vực. Một lý do chính là các giới hạn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Điển hình là trong 30 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất của Việt Nam thì có đến 12 doanh nghiệp hết "room" và không thể huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều quan trọng là những hạn chế về đầu tư nước ngoài được nhanh chóng loại bỏ theo cam kết WTO của Việt Nam. Nếu hạn chế là không thể tránh khỏi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cần được cho phép để tạo ra một môi trường minh bạch cho các giao dịch diễn ra.

Hiện tại, theo ghi nhận của Nhóm công tác thị trường vốn VBF, thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam đang có một lịch phát hành công khai và tập trung vào những trái phiếu lô lớn, thị trường cổ phiếu hiện đang có bộ chỉ số chuẩn mực VN30, và từ đầu năm nay Việt Nam đã cho phép thành lập những quỹ mở, đây là một bước hết sức quan trọng nhằm tăng mức đầu tư tổ chức.

Tuy nhiên thị trường vốn của Việt Nam vẫn còn nhỏ với quy mô khoảng 40 tỷ USD. Với quy mô này, theo các phân tích đánh giá, Việt Nam thuộc loại thị trường vốn chưa phải là thị trường mới nổi. Tổng mức tài sản được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ trong nước trên dưới 1 tỷ USD, so sánh với Thái Lan là trên 60 tỷ USD.

Xem xét ngừng giao dịch trong vòng 30 phút

Về phía cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhìn nhận, quá trình tái cấu trúc trong thời gian qua diễn ra nhanh và mạnh, tuy nhiên không thể hiện rõ trên thị trường. Cụ thể là mua bán, hợp nhất, sáp nhập không xảy ra nhiều, nhưng việc tái cấu trúc lại cổ đông diễn ra rất nhanh. Có thể nói các nguồn lực về khả năng điều hành cũng được cải thiện do có sự tham gia khá nhiều của các cổ đông nước ngoài trong các công ty chứng khoán.

UBCKNN cũng thấy rằng, hàng hoá chất lượng cao rất cần thiết cho thị trường chứng khoán Việt Nam và UBCKNN cũng có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp lên sàn niêm yết. Một khi các doanh nghiệp lên sàn niêm yết thì quản trị công ty cũng sẽ hiệu quả hơn.

Vừa qua, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính hướng xử lý những công ty chưa đủ điều kiện lên sàn thì có thể sẽ niêm yết trên sàn UPCoM.

Đối với các công ty lớn đã hết "room", hiện nay Uỷ ban đang nghiên cứu xem xét trình Bộ Tài chính và Chính phủ cho thí điểm một số công ty có thể phát hành thêm 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết như kiến nghị của Nhóm.

Ngoài ra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trong thời gian vừa qua cũng đã có điều chỉnh mức từ 5% lên 7% đối với sàn giao dịch Hà Nội và từ 7% lên 10% đối với sàn giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Về kiến nghị của Nhóm công tác thị trường vốn, cho rằng nên xem xét ngừng giao dịch trong vòng 30 phút nếu có biên độ mạnh giao động và sau đó cho phép tiếp tục giao dịch ở mức giá mới, Uỷ ban cũng đang cân nhắc và có thể nghiên cứu nới dần biên độ giao dịch trong thời gian phù hợp.

Hiện nay Uỷ ban đang nghiên cứu để rút ngắn thời gian thanh toán. Vấn đề này lệ thuộc khá nhiều vào hệ thống công nghệ thông tin của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và các công ty chứng khoán. Tương tự như vậy, với giao dịch T+0 và T+1 cũng phụ thuộc khá nhiều vào năng lực công nghệ thông tin của các tổ chức trung gian của thị trường. Uỷ ban sẽ nghiên cứu rút ngắn thời gian theo thông lệ quốc tế khi điều kiện cho phép.

Bích Diệp

Chuyên mục: Chứng Khoán

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *