Doanh Nhân 02/12/2013 11:10

Nữ quyền trong giới đại gia, trùm Phương Nam bẫy ngân hàng

Bầu Đức gặp phải sự phản đối kịch liệt từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các DN sản xuất đường trong nước; đại gia thủy sản Phương Nam gài bẫy ngân hàng chiếm 1.500 tỷ, giao đất vàng cho con, sống yên ổn ở Mỹ; chủ tịch 35 tuổi đã dọn dẹp món nợ do bầu Kiên để lại... là những diễn biến chính trong giới đại gia Việt tuần qua.

Bầu Đức: "Không nên sát phạt chúng tôi"

Trước sự kiện, Hoàng Anh Gia Lai có thể được nhập khẩu đường thô từ Lào về Việt Nam rồi tinh chế và tái xuất sang Trung Quốc, Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) đã rất bức xúc, dù HAGL khẳng định sẽ xuất khẩu toàn bộ.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường (VSSA) đồng thời là TGĐ Công ty CP mía đường Cần Thơ thì hành động trên “là vô tình giúp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào đang có nhiều lợi thế đánh vào nông dân trồng mía và các doanh nghiệp Việt Nam đang có sức cạnh tranh kém đẩy ngành đường Việt Nam tới bờ vực phá sản”.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng “Đoàn Nguyên Đức làm vậy là có hại cho ngành đường Việt Nam”.

Ông Hải giải thích, đường do HAGL đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành rất thấp, sức cạnh tranh rất cao so với thế giới. Bởi chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Lào có nhiều ưu đãi đặc biệt đối với dự án mía đường của HAGL, nhờ đó giá mía của HAGL tại Lào rất thấp chỉ 296.000 đồng/tấn mía. Từ đó, giá thành đường do HAGL sản xuất tại Lào đặc biệt thấp, chỉ 4.320.000 đồng/tấn đường.

Thứ nữa, theo ông Hải, những năm qua, để nông dân trồng mía tại Việt Nam đảm bảo cuộc sống, các nhà máy đường trong nước đã thanh toán tiền mua mía cho nông dân từ 950.000 – 1.150.000 đồng/tấn mía, chiếm 9 – 11 triệu đồng vào giá thành của 1 tấn đường.

Theo Hiệp hội, việc hỗ trợ cho HAGL theo đề nghị của Bộ Công thương chỉ mang lại lợi ích lớn cho công ty cổ phần Đường Biên Hòa và công ty HAGL, nhưng gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng với hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động tại các nhà máy.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL khẳng định: “HAGL đầu tư ra nước ngoài nhưng vẫn là doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng lao động VN, vốn vay của VN, nộp thuế cho VN. Hơn nữa việc đưa đường từ Lào về VN tinh chế rồi xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng thị trường nội địa mà còn có lợi rất lớn”.

Bầu Đức cũng xác nhận: “Tôi có thảo luận về việc bán 30.000 tấn đường cho công ty đường Biên Hòa nhưng tôi bán đường thô để công ty đường Biên Hòa sản xuất thành đường tinh chế rồi xuất đi nước ngoài. Tôi khẳng định HAGL không bán bất kỳ hạt đường nào trong nước.

Vì vậy, việc Hiệp hội Mía đường phản đối chúng tôi là hiểu nhầm chúng tôi. Chúng tôi cũng là một doanh nghiệp Việt Nam và chúng tôi không làm ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp khác. Không nên sát phạt chúng tôi”.

Đại gia Phương Nam bẫy ngân hàng chiếm 1.500 tỷ, giao đất vàng cho con

Sau khi được hàng loạt ngân hàng cho vay hơn 1.600 tỷ đồng, ông Lâm Ngọc Khuân, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là công ty Phương Nam), âm thầm cùng vợ là bà Trần Thị Mỹ sang Mỹ định cư, ủy quyền cho cháu ruột là Huỳnh Phúc Quế (sinh năm1982) quản lý công ty.

Ngày 9/8/2012, ông Khuân đã có bức thư gửi 7 ngân hàng là chủ nợ lớn, cáo "ở luôn bên Mỹ". 7 ngân hàng ngồi lại kiểm tra số nợ và tài sản của công ty Phương Nam phải giật mình số tiền mất cân đối lên đến... 860 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.



Ngôi biệt thự bề thế nằm trên trục đường quốc lộ 1A (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) có giá trị hàng triệu đô la đã bị thế chấp cho ngân hàng

Trong thời gian bị truy nã, ngày 15/1/2013, ông Khuân cùng vợ đã đến văn phòng công chứng tại quận Orange (bang Califonia, Hoa Kỳ) để ủy quyền hàng loạt bất động sản ở Sóc Trăng cho con trai Lâm Ngọc Khoa (ngụ TP.HCM), gồm bốn thửa đất rộng gần 39.000m2 tại thị trấn Kế Sách (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), và thửa đất xây tòa lâu đài rộng trên 4.000m2 nằm cạnh Nhà máy thủy sản Phương Nam.

Giấy ủy quyền có giá trị đến hết năm 2022, ông Khoa được cha mẹ giao toàn quyền định đoạt các thửa đất có giá trị ở quê nhà.

Nhận được thông tin trên, công ty thiết kế và xây dựng Bách Nam (TP.HCM) đã gửi văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, để ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng nhà và đất liên quan đến tòa lâu đài của ông Khuân, bởi còn nợ công ty trên 3,2 tỷ đồng là chi phí xây dựng tòa lâu đài ở phường 7, thành phố Sóc Trăng nhưng không kịp, bởi thửa đất chuyển quyền sử dụng tài sản này cho ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng hướng dẫn công ty Bách Nam khởi kiện công ty Phương Nam ra tòa đòi nợ.

Theo công ty Phương Nam, tòa lâu đài của ông Khuân là tài sản của thủy sản Phương Nam. Trước đây công ty bảo lãnh cho vợ chồng ông Khuân thế chấp tài sản vay trên 38 tỷ đồng và Vietcombank định giá tài sản để thu hồi nợ là 42 tỷ đồng.

Với hành vi trên, ông Khuân lộ mặt là kẻ lừa đảo khi tẩu tán tài sản. Để ung dung sống "tốt" khi định cư nước ngoài, ông đã lập sẵn kế hoạch và đưa ngân hàng vào bẫy.

Ông chủ 35 tuổi dọn dẹp món nợ của Bầu Kiên

Chủ tịch trẻ tuổi Trần Hùng Huy chính thức ngồi vào chiếc ghế nóng vào ngày 18/9/2012 tiếp quản một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam vào thời điểm diễn ra hàng loạt cuộc khủng hoảng về uy tín cũng như nhân sự.


Ông chủ Trần Hùng Huy 35 tuổi dọn dẹp món nợ của Bầu Kiên

Khi đó, báo cáo tài chính riêng lẻ quý III/2012 của ACB cho thấy tổng tài sản giảm gần 40.000 tỷ đồng (từ 254.000 tỷ xuống còn 214.000 tỷ), lỗ từ kinh doanh vàng và ngoai hối trên 114.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này âm gần 660 tỷ đồng.

Sự cố bầu Kiên khiến 28.000 tỷ đồng bị rút ra khỏi hệ thống của ACB. Báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của ACB cho thấy, ACB vẫn tiếp tục mắc kẹt gần 719 tỷ đồng tiền gửi đã quá hạn liên ngân hàng với một ngân hàng khác chưa thể thu hồi.

Ngoài ra, khoản vay nợ từ các công ty con liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên, cùng với khoản trả lãi định kỳ hao hụt và khả năng thu hồi không được báo trước cũng treo trên đầu ACB một khoản vốn lên tới hơn 7.000 tỷ đồng.

Nhưng chỉ sau một năm ông Huy chèo lái con thuyền ACB, ngân hàng này đã có lãi trở lại với tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 533 tỷ đồng.

Nữ quyền trong giới đại gia

Tập đoàn Vingroup công bố, trong số những cổ đông sở hữu lượng lớn cổ phiếu của tập đoàn này xuất hiện 2 tên mới. Cả 2 cổ đông này đều sở hữu trên 1% cổ phần của Vingroup, tức sở hữu lượng cổ phiếu có giá trị ít nhất là 600 tỷ đồng.

Phan Thu Hương (44 tuổi), Tổng giám đốc của công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm gần 800 tỷ đồng cổ phiếu Vingroup

Một trong hai cổ đông này là bà Phan Thu Hương (44 tuổi), Tổng giám đốc của công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Bà Phan Thu Hương sở hữu 11,6 triệu cổ phiếu Vingroup, hiện có giá trị thị trường là 791 tỷ đồng.

Với số cổ phiếu trị giá xấp xỉ 800 tỷ đồng này, bà Phan Thu Hương giữ chắc một vị trí trong Top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Việt Nam là một trong những cổ đông lớn nhất của Vingroup, với tỷ lệ nắm giữ là 13%, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá hơn 8.200 tỷ đồng.

Hiện ông Phạm Nhật Vượng cùng vợ là bà Phạm Thu Hương đang nắm giữ hơn 333 triệu cổ phiếu Vingroup, với giá trị thị trường đạt xấp xỉ 22,7 nghìn tỷ đồng (1,04 tỷ USD). Hai người hiện giữ vị trí giàu nhất và giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo Phương Mai (Tổng hợp)
Đất Việt

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *